Mới đây, Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (CII) vừa công bố Báo cáo tháng 9 nhằm giải đáp những thắc mắc của nhà đầu tư liên quan đến việc phát hành trái phiếu và các vấn đề khác của công ty.
Tại sao gần đây CII liên tục huy động trái phiếu?
CII là được mệnh danh là “vua trái phiếu” khi liên tục phát hành những đợt mới, trong khi tỉ lệ nợ đang cao dần. Cụ thể, tính đến giữa năm 2021, CII đang sở hữu tổng cộng 14 loại trái phiếu được phát hành trong nhiều thời điểm và quy mô khác nhau, chưa đến hạn thanh toán.
Trong khi tại thời điểm 30/6, Công ty đang có tổng cộng 22.487 tỷ đồng khoản vay tài chính ngắn hạn và dài hạn. Tổng số tiền vay này của CII đã lớn gấp 2,25 lần so với vốn chủ sở hữu.
Mới đây nhất, CII cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu với giá trị huy động tối đa 500 tỷ đồng. CII dự kiến dùng 265 tỷ đồng huy động được từ đợt phát hành để cơ cấu các khoản nợ của tổ chức phát hành, cụ thể là thanh toán gốc vay Ngân hàng VPBank.
Giải thích về động thái huy động trái phiếu liên tục, CII cho biết, đây là kênh huy động vốn phù hợp với nhu cầu của công ty và khẩu vị của nhà đầu tư. Doanh nghiệp này cũng đính chính trong quá trình hoạt động kể từ ngày thành lập đến nay đã thực hiện phát hành rất nhiều đợt trái phiếu chứ không phải mới thực hiện trong những năm gần đây.
Theo đó, tần suất và giá trị phát hành lớn trong thời gian gần đây là do của CII cần nguồn vốn lớn để thực hiện những dự án trọng điểm như dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội,... Tổng mức đầu tư cho các dự án điển hình từ 2018 đến 2021 lên đến hơn 20.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, loại hình đầu tư BOT và bất động sản bị xếp vào loại có rủi ro cao nên các ngân hàng rất hạn chế cho vay theo dự án hoặc với tỉ lệ vay thấp. Trước những áp lực về vốn đầu tư và việc vay vốn gặp nhiều hạn chế, CII phải sử dụng tài sản để huy động vốn nhằm đưa dự án đúng tiến độ.
Ngoài ra, nhiều nhà đầu tư đã thay đổi khẩu vị, ưa chuộng trái phiếu hơn nên CII buộc phải thay đổi để phù hợp. Để sử dụng vốn hiệu quả, CII phải chia nhỏ các đợt phát hành, do vậy tần suất huy động trái phiếu cũng nhiều hơn so với trước.
Theo thống kê của CII tại ngày 27/9/2021, các nhà đầu tư trái phiếu của doanh nghiệp này là những tên tuổi lớn, tài sản đảm bảo và năng lực đủ mạnh để đầu tư chuyên nghiệp. Cụ thể, các nhà đầu tư này đang nắm giữ đến 89% khoản tài trợ vốn cho CII.
Nguồn thu đâu để trả nợ?
Dùng đòn bẩy tài chính lớn không chỉ khiến CII phải thường xuyên đi vay mới để đảo nợ cho các khoản vay cũ, mà còn khiến công ty nặng gánh trả lãi, dòng tiền kinh doanh thường xuyên âm trong khoảng 4 năm trở lại đây.
Tính đến cuối tháng 6/2021, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của CII ghi nhận mức âm đến 802 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái âm 904 tỷ đồng).
Giải đáp băn khoăn của nhà đầu tư về nguồn thu để trả nợ, CII cho biết dự kiến trong quý IV/2021 và năm 2022, các dự án của công ty sẽ được đưa vào khai thác và thu phí. Theo đó, CII sẽ có thể thu về 8.226 tỷ đồng để thanh toán các khoản nợ, sắp tới sẽ kết thúc giai đoạn dòng tiền âm của công ty.
Cụ thể, nguồn thu từ các dự án bất động sản đã hoàn thành của CII dự kiến khoảng 1.126 tỷ đồng; nguồn thu từ thu phí giao thông (sau khi trả nợ vay theo dự án) khoảng 700 tỷ đồng; nguồn thu từ hợp tác đầu tư phát triển dự án khoảng 2.000 tỷ đồng; nguồn thu từ việc chuyển nhượng dòng tiền là khoảng 4.400 tỷ đồng.
Trong đó, CII nhấn mạnh nguồn thu từ việc chuyện nhượng dòng tiền, đặc biệt là mô hình Fintech mà doanh nghiệp đang triển khai được kỳ vọng sẽ mang lại dòng tiền lớn, lợi ích kinh tế thiết thực cho các bên tham gia.
Mô hình Fintech được ban lãnh đạo CII đưa ra nhằm xử lý vấn đề vay nợ cao. Theo đó, thông qua sản phẩm này, CII muốn tạo ra một công cụ để người dân có thể dùng tiền nhàn rỗi của mình đầu tư trực tiếp vào dự án BOT thông qua Smartphone, qua đó giảm bớt gánh nặng của doanh nghiệp với các khoản vay tín dụng trong nước.
Mục tiêu trước mắt công ty đặt ra là thực hiện các gói trái phiếu lên đến 20.000 tỷ đồng, dựa trên nguồn trả nợ là dòng doanh thu từ các dự án BOT hiện hữu đã đi vào vận hành thu phí. Tổng số tiền mà CII kỳ vọng thu được từ các sản phẩm trái phiếu đang xây dựng (4 sản phẩm) là 11.000 tỷ đồng.
Nói về mô hình này, trong cuộc họp ĐHĐCĐ vừa qua, Ông Lê Quốc Bình - Tổng Giám đốc của CII từng khẳng định: "Nếu làm xong Fintech, nợ của CII sẽ về 0".
Bên cạnh đó, Hội đồng quản trị CII đã có chủ trương chuyển đổi báo cáo tài chính hợp nhất từ VAS (giá trị tài sản tính trên nguyên tắc giá gốc) sang chuẩn mực IFRS (định giá theo giá thị trường).
CII ước tính giá trị tài sản của nhóm các công ty thuộc CII sẽ tăng thêm 6.124 tỷ đồng so với ghi trên sổ sách kế toán hiện nay lên 17.824 tỷ đồng sau khi áp dụng phương pháp tính mới. Lúc này, chỉ số nợ vay công ty mẹ ước khoảng 1,07 lần (phương pháp cũ là 3,33 lần), tỉ lệ nợ trên tổng tài sản 53,4%.
Nếu áp dụng theo giá trên thị trường chứng khoán, chỉ số nợ vay của CII vào ngày 24/9 sẽ là 1,15 lần.