Bất chợt những lời phân tích của gia đình, người thân lại ùa về tâm trí.
Người khuyên rằng tôi nên theo con đường sư phạm nề nếp như ông bà ngoại, người mong muốn tôi du học và chọn ngành có thể ở lại được Mỹ như học điều dưỡng, người khuyên nên học ngoại thương hay quản trị kinh doanh để dễ làm giàu, có bác bảo cố gắng học ngành y, làm bác sĩ cứu người.
Tôi lắng nghe hết, trân trọng và vô cùng biết ơn! Lời khuyên nào cũng có lý, có tình và đều vì tương lai của tôi...
Tôi cứ trăn trở mãi. Có giấc mơ tôi thấy mình chạy đến trường kinh tế, rồi lại chạy sang trường y, trường sư phạm, cứ chạy lòng vòng như sự băn khoăn lúc tỉnh thức. Nhưng rồi tôi nhận ra mình chỉ thật sự phù hợp với con đường cầm bút giống ba tôi - một nhà báo.
Ba không phản đối nếu tôi chọn lựa y, kinh tế hay sư phạm, nhưng cũng vẫn ủng hộ tôi phát triển đam mê. "Ai cũng chỉ có một cuộc đời, sống hết mình với đam mê đúng đắn thì mai sau không phải nuối tiếc".
Và thật sự tôi đã có quyết định của mình. Tôi chọn Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, nơi sẽ cho tôi những kiến thức tốt để theo đuổi nghề viết, được làm nghề như ba và những cô chú nhà báo, nhà văn thực thụ mà tôi trân quý.
Quan sát ba tôi làm báo qua nhiều năm, tôi tin rằng để theo đuổi một công việc nào đó, không đơn giản là chuyện đi làm rồi nhận lương hằng tháng, mà công việc rất cần sự đam mê, mong muốn gắn bó trong cả cuộc đời.
Nếu không có đam mê, tôi có thể gượng ép bản thân mình một lần, hai lần, ba lần, nhưng chắc rồi sẽ đến lúc bỏ cuộc. Để chắc chắn về lối đi của đời mình, tôi phải chiêm nghiệm thật kỹ, nhìn lại cả một quá trình dài học tập và rèn luyện để có thể tự mình chọn lựa.
Tôi nhận ra mình yêu thích được bay bổng trên những con chữ từ khi còn bé, khi được nghe ba đọc những chuyện cổ tích hằng đêm. Từ nghe, đến đọc, đến viết. Tôi yêu cảm giác từng câu từ tuôn ra theo mạch cảm xúc, không bị gò bó, kìm nén trong lòng. Tôi muốn biến đam mê ấy thành tương lai, sự nghiệp của mình.
Rồi hằng ngày tận mắt chứng kiến nhiều cảnh đời bất hạnh ngoài xã hội, tôi biết đam mê viết của mình còn bắt nguồn từ mong muốn được sẻ chia với những phận người không may mắn.
Nhiều lần tôi lặng lẽ chảy nước mắt khi nghe chuyện anh sinh viên qua đời vì tai nạn được gia đình hiến tạng cứu những bệnh nhân khác, hay những em nhỏ phải mồ côi do đại dịch COVID-19 tàn khốc...
Đọc báo Tuổi Trẻ qua nhiều năm, và có may mắn được trò chuyện nhiều với một nhà báo là ba mình, tôi đã hiểu quyết định theo đuổi con đường cầm bút không đơn thuần là thỏa mãn thú vui được viết, mà còn phải đặt ra câu hỏi từ trái tim rằng mình sẽ viết về ai, viết vì điều gì?
Mục đích cuối cùng của ngòi bút phải là góp phần lan tỏa được giá trị nhân văn, thúc đẩy nhận thức tốt đẹp của xã hội.
Và là một người trẻ Gen Z, tôi cũng hiểu rõ nghề viết trong thời đại số đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức từ "rừng" thông tin trên mạng xã hội, những tờ báo truyền thống đang bị lấn dần bởi công nghệ. Nhưng tôi vẫn tin rằng càng khó khăn, giá trị của những người cầm bút thực thụ lại càng tỏa sáng.
Trong mỗi đời người, ai cũng có tuổi 18 trẻ trung, đầy hoài bão, ước mơ, và để ước mơ thành hiện thực sẽ cần đồng thời cả đam mê, nhiệt huyết lẫn quyết tâm, không sợ thất bại.
Tôi chọn cầm bút vì người cầm bút không chỉ sống một cuộc đời của mình, mà họ còn có thể sống, cất tiếng thay cho những cuộc đời khác!
TTO - Trong tiếng reo của tâm hồn thơ trẻ về ngồn ngộn đời sống dưới lăng kính của một gã "phu chữ" lão luyện Huỳnh Dũng Nhân, giữa rất nhiều bộn bề đá xám, sẽ thánh thót vang lên câu thơ hay…
Xem thêm: mth.23520331213802202-tub-mac-ehgn-nohc-iot/nv.ertiout