Theo thống kê của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Thủy, toàn thị trấn có 26 ha thanh long (chủ yếu là thanh long ruột đỏ); năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha; giá trị kinh tế đạt từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Thị trấn Lạc Thủy hiện có hơn 40 hộ trồng thanh long ruột đỏ.
Trao đổi với Báo Tin tức, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Thủy Ngọ Đình Tâm cho biết, thanh long ruột đỏ của huyện Yên Thủy đã được cấp mã số vùng trồng và là sản phẩm OCOP tiêu biểu của huyện. Với sự quan tâm sát sao của các cấp chính quyền địa phương, cùng sự cần cù, chịu khó, đổi mới áp dụng khoa học công nghệ vào trồng trọt. Từ đó, thanh long ruột đỏ đã từng bước xây dựng được trở thành nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương tiêu biểu.
Đây là điều kiện quan trọng không thể thiếu để thanh long ruột đỏ Lạc Thủy hướng đến mục tiêu xuất khẩu. Tuy nhiên, UBND huyện Lạc Thủy cần phối hợp với các ngành chức năng liên quan tập trung đầu tư cho sản xuất thanh long tươi chất lượng cao để phục vụ thị trường nội địa, qua đó từng bước xúc tiến thương mại để xuất khẩu.
Cùng đó, huyện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm từ quả thanh long ruột đỏ như thanh long sấy khô, sấy dẻo, nước ép, rượu... nhằm đa dạng sản phẩm thanh long cung cấp cho thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, đồng thời giảm thiểu tình trạng "được mùa, mất giá".
Nhiều hộ trồng thanh long tại Thị trấn Ba Hàng Đồi áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Một số hộ áp dụng kỹ thuật trồng thanh long trên giàn giúp chăm sóc dễ dàng, lắp đặt hệ thống tưới tự động để giảm bớt nhân công lao động. Sản phẩm thanh long ruột đỏ của Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh Hòa Bình và được bán trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Ông Trần Quốc Hoàn, một trong những hộ tiên phong trồng thanh long ruột đỏ tại thị trấn Ba Hàng Đồi chia sẻ, nhận thấy giống cây này đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với các cây trồng khác nên quyết định chuyển đổi trồng cây thanh long ruột đỏ từ năm 2013 trên diện tích 4.000 m2 với 500 gốc thanh long.
Gia đình ông cũng đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động, thực hiện quy trình sản xuất sạch, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly; sử dụng phân chuồng ủ để bón. Ưu điểm của thanh long ruột đỏ là dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch từ tháng 6 đến tháng 11 dương lịch, trung bình 1 tháng thu hoạch 2 lứa quả, mỗi năm gia đình thu trên 10 tấn quả, kinh tế gia đình cũng được ổn định, đảm bảo.
Cùng với triển vọng, thuận lợi về thổ nhưỡng thì việc phát triển trồng cây thanh long ruột đỏ tại huyện cũng gặp những khó khăn khi nhiều diện tích thanh long trồng tự phát, chưa được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; chất lượng cây giống không đồng đều, không được kiểm soát dịch hại trước khi đưa ra trồng đại trà…
Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Thủy Hoàng Đình Chính cho biết, ngoài những yếu tố thổ nhưỡng vùng trồng, cây giống thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn những hạn chế nhất định, tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật; mẫu mã, chất lượng quả không đồng đều giữa các vườn. Việc quản lý, giám sát mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói chưa được chính quyền địa phương, hợp tác xã và nông dân quan tâm đúng mức…
Nhiều năm qua, huyện Lạc Thủy đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng các vùng trồng, sản xuất cây ăn quả chất lượng cao. Ngoài cây thanh long ruột đỏ thì chính quyền và ngành nông nghiệp của huyện Lạc Thủy cũng đặc biệt chú trọng vào các giống đặc sản của địa phương, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường như Chè sông Bôi, Na Đồng Bong, cam…
Huyện tập trung thâm canh, tăng năng suất, chất lượng, mở rộng diện tích, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp hữu cơ, VietGAP, xây dựng mã số vùng trồng…, từng bước đưa nông nghiệp địa phương phát triển theo hướng chất lượng cao gắn với sản phẩm OCOP.
Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho đầu ra thanh long
Theo Cổng thông tin tỉnh An Giang, thời gian qua, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây thanh long - một trong những cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Tiền Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho nông sản như: Chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng an toàn và truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý dịch hại tổng hợp; xây dựng và nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông hộ, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại trái cây nói chung và thanh long nói riêng trên thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng (mã code) cho cây thanh long, tạo điều kiện để nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước,...
Theo Sở Công Thương, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh trong đó có thanh long đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nhiều nước, trong đó Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng như các nước khác đều có những rào cản kỹ thuật, đặc biệt là quy định về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc, siết chặt về quản lý an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch,...
Trong khi thực tế, thanh long chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là chính, còn lượng hàng xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Xuất khẩu tiểu ngạch không bền vững và yếu tố rủi ro rất cao, do vậy xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Trung Quốc cũng như các nước khác phải chú ý các yếu tố an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn bao bì, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của các nước sở tại. Để hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh nhà, Sở đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa nói chung, trái thanh long tỉnh Tiền Giang nói riêng.
Thời điểm hiện nay, tuy là vụ thuận nhưng theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, giá bán tại vườn từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng trong khi giá thành chỉ khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg nên nông dân vẫn có lãi. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua trung bình 28.000 đồng/kg, lúc giá xuống thấp nhất (thời điểm ngắn hạn từ ngày 19/6 đến ngày 25/6) cũng đạt từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg. Riêng thanh long ruột trắng có giá bình quân 14.000 đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi ha thanh long đạt lợi nhuận từ 300 đến 360 triệu đồng/năm, trong đó thanh long ruột đỏ lãi ròng từ 500 đến 600 triệu đồng/năm. Nhờ cây thanh long mà nông dân các địa bàn khó khăn đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng, giàu có hẳn lên.
Hiệu quả là thế nhưng để không lặp lại điệp khúc "trúng mùa, mất giá", tỉnh đã đưa ra những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh nói chung, trong đó chủ lực là trái thanh long, sầu riêng, dưa hấu, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim... Qua đó, tăng lượng hàng chất lượng cao để xuất khẩu chính ngạch, nâng khả năng cạnh tranh của trái cây tỉnh nhà - trong đó có thanh long.
Đó là nhóm giải pháp khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, thâm canh, hướng theo tiêu chí GAP, nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản, xử lý thu hoạch rải vụ... gắn với nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi ngành hàng, củng cố và nâng chất lượng mạng lưới hợp tác xã, tổ hợp tác, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,... Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường mới để tránh bị phụ thuộc vào thị trường một vài nước dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Hương Anh (T/h)