Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong ngày tựu trường - Ảnh: NHƯ HÙNG
Lễ khai giảng năm nay là lễ khai giảng hậu COVID-19, rất cần thêm những việc làm thiết thực cho một ngày vui đặc biệt, khác với những lễ khai giảng thường thấy và có lúc đơn điệu.
Năm nay, giữa bão giá, mối lo đầu năm học đè nặng nhiều phụ huynh, cũng là lúc các phụ huynh lên tiếng sách giáo khoa đắt đỏ so với chi tiêu của những gia đình thu nhập thấp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thúc đẩy nhanh kế hoạch mua sách cho học sinh mượn, nhất là bậc tiểu học.
Lễ khai trường sẽ rất ý nghĩa nếu các nhà hảo tâm và phụ huynh hảo tâm trao quà tặng sách giáo khoa cho thư viện và những học sinh thiếu thốn.
Và thay cho hoa tặng nhà trường trong các dịp lễ như khai trường (hay ngày 20-11) là sách giáo khoa và những sách bổ ích khác, để vừa "chia chữ" vừa nâng cao văn hóa đọc tại học đường.
Thay vì những bài diễn văn thường dài dòng và ít được học sinh quan tâm, trường nên dành thời gian để hiệu trưởng hoặc các giáo viên có bài nói chuyện cho toàn trường về lòng nhân ái trong và sau mùa COVID-19.
Hoặc đó là bài giảng về cách làm, cách nghĩ, cách dạy khai phóng tư tưởng, hoài bão và ý chí học tập vươn lên của thanh thiếu niên, hướng đến đất nước sáng tạo và quốc gia khởi nghiệp.
Hay đó là những câu chuyện nghĩa tình về thầy trò, về gia đình, xã hội… Những bài nói hay sẽ là ấn tượng lớn cho tuổi vào đời ghi dấu ngày đến trường thiêng liêng hằng năm.
Đến dự lễ khai giảng, các nhà lãnh đạo không nên chỉ chọn các trường chuyên, trường lớn hay các trường ở khu vực trung tâm. Xin hãy ưu tiên cho những trường lớp trong ngõ hẻm và các xã ấp xa xôi, những "trường chưa ra trường, những lớp chưa ra lớp".
Những trường ở các nơi nghèo khó, thiếu thốn mọi thứ đó cần sự quan tâm hơn, cần được tiếp sức cả tinh thần và vật chất hơn.
Và không chỉ có các lãnh đạo cấp cao, lễ khai trường còn cần mời các đại biểu Quốc hội, đại biểu hội đồng nhân dân, các đoàn thể cùng chia nhau đến nhiều trường học trong ngày mở đầu năm học mới để tìm hiểu, chia sẻ với thầy cô và học sinh về các vấn đề mà nhà trường đang cần phải được quan tâm hơn.
Chắc hẳn các cán bộ đương chức sẽ có niềm hạnh phúc quý báu như người dân thường khi được đích thân đưa con cháu đi học trong ngày đặc biệt này.
Có nhiều lãnh đạo dù không được trường mời song cũng chủ động làm phụ huynh đưa con cháu đi khai trường. Đó cũng là cách "tự thưởng" cho mình niềm vui được đi dự ngày khai giảng vì đó vừa là công việc vừa là cơ hội gần dân.
Qua đó, các quan chức sẽ nghe được nguyện vọng từ chính người dân, nhà giáo, học trò về giáo dục và an sinh xã hội. Sâu xa hơn nữa là "thu hoạch" nhiều hơn các câu chuyện thực tế, từ đó định hình chính sách chăm lo nhiều hơn cho ngành giáo dục.
Tạo thêm nhiều niềm vui và việc làm thiết thực cho sự nghiệp trồng người trong ngày khai giảng cũng là cách thúc đẩy chính quyền và xã hội luôn làm tiếp những việc tốt tương tự trong suốt các năm học, chứ không chỉ là một buổi lễ đầu năm học mang tính hình thức lễ lạc năm nào cũng giống năm nào.
TTCT - Chuyện trẻ không muốn trở lại trường vào mỗi cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều vì tiếc nuối chuỗi ngày hè rực rỡ trước đó vốn chẳng có gì xa lạ. Người làm cha mẹ cũng muôn phần căng thẳng mỗi khi sắp vào năm học mới. Từ khi có COVID-19, lại thêm nhiều thứ phải lo.
Xem thêm: mth.33351210110902202-cuht-teiht-gnourt-iahk-yagn/nv.ertiout