Người đi giữa làn ranh sinh - tử!
Đã qua 8 năm, kể từ ngày nhận nhiệm vụ giải cứu một nữ con tin trong vụ dàn dựng bắt cóc - tống tiền xảy ra ở P.Tân Thới Hiệp (Q12), nhưng mỗi khi nhắc lại, Thượng tá Nguyễn Thành Nguyên, Trung Đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ CATP vẫn còn nguyên cảm xúc.
Dấu ấn của CSCĐ giữa bão dịch
Với những đóng góp đặc biệt trong giai đoạn TPHCM và cả nước bị dịch bệnh Covid-19 bao trùm, Trung đoàn CSCĐ đã vinh dự đón nhận 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 26 Bằng khen của Bộ Công an; 291 Bằng khen của UBND TPHCM; 3 Bằng khen của Thành ủy và hàng trăm giấy khen của CATP.
Quay trở lại thời điểm lúc 13 giờ 45 phút ngày 08-8-2014, Thượng tá Nguyễn Thành Nguyên khi ấy vẫn còn là Phó Trung đoàn trưởng bất ngờ nhận được một nhiệm vụ hết sức đặc biệt từ Ban Giám đốc (BGĐ) CATP, đó là BCH Trung đoàn CSCĐ khẩn trương bố trí lực lượng tinh nhuệ, cơ động phối hợp cùng CAQ12 giải cứu nữ con tin bị nhân tình bắt cóc.
Lập tức, 20 cán bộ tinh nhuệ thuộc Đại đội CSĐN sẵn sàng nhận nhiệm vụ. "Vừa nhận mệnh lệnh từ BGĐ CATP, tôi gấp rút phân công những cán bộ có kinh nghiệm trong công tác giải cứu con tin của lực lượng CSĐN lên đường. Mọi công tác chuẩn bị được thực hiện chỉ trong chưa tới 10 phút" - Thượng tá Nguyễn Thành Nguyên hồi tưởng. Đúng 14 giờ, chiếc xe đặc chủng đã áp sát gần với hiện trường vụ án. Lúc này, người dân hiếu kỳ tập trung khá đông xung quanh dãy phòng trọ khiến tình hình trở nên hỗn loạn. "Vừa xuống xe, chúng tôi yêu cầu CAQ12 thiết lập hành lang an toàn, đưa toàn bộ người dân có mặt xung quanh ra khỏi hiện trường chính của vụ bắt cóc" - Thượng tá Nguyên nói.
Chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi vụ việc xảy ra, các trang báo và MXH đồng loạt đăng tin nên áp lực đổ dồn về phía cơ quan CA rất lớn. Thậm chí, một số trang tin còn dẫn nguồn và thêu dệt thêm nhiều tình tiết không chính xác, gây ảnh hưởng rất lớn đến công tác điều tra. "Những thông tin không chính xác được chia sẻ một phần gây hoang mang dư luận. Mặt khác, chúng tôi lo ngại đối tượng sử dụng điện thoại di động theo dõi tin tức từ bên ngoài sẽ ảnh hưởng trực tiếp công tác giải cứu con tin" - vị chỉ huy Trung đoàn CSCĐ bộc bạch.
Hai trinh sát đặc nhiệm (TSĐN) nhanh chóng vào vị trí công tác, cơ động tiến tới căn phòng trọ số 3 để đánh giá thực tế, lên kế hoạch tác chiến. "Báo cáo chỉ huy hiện trường, trong căn phòng trọ hiện có 1 nam, 1 nữ. Trong đó, con tin được xác định là nữ giới. Người này đang bị đối tượng nam khống chế và cố thủ ở góc chết trong căn phòng. Hắn liên tục dọa sẽ kích nổ bình gas 12 kg nếu phát hiện có người cố tình lại gần" - chiếc bộ đàm trước ngực Thượng tá Nguyễn Thành Nguyên vang lên tiếng báo cáo, xé toạc bầu không khí nặng như chì tại hiện trường.
Bước đầu xác định, kẻ đang khống chế nạn nhân trong căn phòng trọ là đối tượng Lê Văn Tuấn (ngoài 30 tuổi, quê An Giang). Y có tiền sử nghiện ma túy, hiện đang có mối quan hệ tình cảm với nạn nhân dù người này đã có con và chồng. Đánh giá nhanh hiện trường, Thượng tá Nguyên nhận định, đối tượng hiện đang trong trạng thái kích động mạnh, khả năng manh động cao nên lực lượng chức năng vẫn ưu tiên việc thương thuyết, động viên để xoa dịu tâm lý đối tượng, tránh gây ảnh hưởng tới tính mạng của con tin đang bị giam giữ.
Tuy nhiên sau gần 15 phút kiên trì thuyết phục, đối tượng vẫn không chịu buông tay chịu trận. "Phải đánh bắt thôi, không thể chần chờ thêm nữa vì tình thế con tin lúc này hết sức nguy hiểm" - vị chỉ huy của lực lượng CSĐN buộc phải đưa ra quyết định khó khăn. 20 CSĐN chia thành 4 tốp nhỏ vào vị trí, bắt đầu cho cuộc giải cứu con tin ngoạn mục. Khi tất cả đã vào vị trí, chỉ huy hiện trường là Thượng tá Nguyên bắt đầu sử dụng loa cầm tay thương thuyết với đối tượng, tạo cơ hội cho các tổ CSĐN áp sát. Kế hoạch chính thức bắt đầu khi ở cuối căn phòng trọ liên tục phát ra nhiều tiếng nổ lớn của trái nổ.
Đối tượng lúc này gần như không còn đủ tỉnh táo để chống cự trước sự tấn công chớp nhoáng và đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Hơn 2 giờ đồng hồ kiên trì đấu trí với Lê Văn Tuấn nhưng chỉ mất chưa tới 1 phút để bắt giữ, đối tượng bị di lý ra xe đặc chủng trong những tràng pháo tay của người dân và gia đình bị hại. Lúc này, mọi áp lực gần như được trút bỏ khỏi vai những người CSĐN.
Phía sau "hậu trường"
Ở Trung đoàn CSCĐ TPHCM, Đại đội CSĐN là một trong những đơn vị mà khi nhắc đến luôn là niềm tự hào của toàn lực lượng bởi những chiến công hiển hách được xác lập trên mặt trận phòng chống tội phạm. Để có được kết quả tuyệt đối này, các anh - những CBCS CSĐN đã chấp nhận gác lại hạnh phúc gia đình, tập trung tối đa cho nhiệm vụ, khổ luyện không ngừng nghỉ trên thao trường.
Có mặt tại thao trường luyện tập trong khuôn viên sinh hoạt của CBCS Đại đội CSĐN chiều 29-8, chúng tôi bắt gặp các TSĐN tinh nhuệ của đơn vị đang luyện tập cho tình huống giả định giải cứu con tin. Dưới cái nắng gay gắt, các CBCS vẫn luôn duy trì thái độ tập luyện nghiêm túc. Tất cả họ đều có một điểm chung với nước da đen bóng vì suốt ngày lăn lộn trên thao trường đầy nắng gió.
Từ trên đỉnh tòa nhà cao 3 tầng, 2 cán bộ CSĐN cầm theo súng ngắn, súng tiểu liên choàng dây vào người, đầu lộn ngược lao vun vút vào mục tiêu được ấn định ở tầng 1. Cùng lúc đó, chiếc xe thang đặc chủng chở theo tốp 3 CSĐN nhanh chóng áp sát địa điểm có toán quân xanh khủng bố. Tất cả phối hợp nhuần nhuyễn và hết sức ăn ý. "Hành động!" - khẩu lệnh dứt khoác từ vị chỉ huy phát ra. Đồng loạt các mũi tiến công nhanh chóng ập vào khống chế con tin. Cuộc diễn tập được thực hiện nhanh chỉ trong thời gian chưa tới 5 phút.
Chia sẻ với phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM, Thiếu tá Nguyễn Thanh Ngọc, Phó đại đội trưởng Đại đội CSĐN cho biết, lực lượng CSĐN có vai trò hết sức đặc biệt trong các nhiệm vụ như bảo vệ các mục tiêu trọng điểm, cơ động lực lượng trấn áp các loại tội phạm khủng bố, bắt cóc con tin và các nhóm đối tượng có vũ trang... Do nhiệm vụ đặc thù nên mỗi CBCS phải ăn, ở và sinh hoạt tập trung tại đơn vị. Mỗi ngày, các CBCS CSĐN sẽ tổ chức huấn luyện các nội dung về kỹ, chiến thuật - võ thuật CAND, điều lệnh CAND và sẵn sàng ứng trực quân số cho các nhiệm vụ quan trọng.
Mặc dù nhiệm vụ nặng nề, quân số mỏng nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, lấy đó làm sức mạnh để hoàn thành nhiệm vụ. "Có nhiều thời điểm vì nhiệm vụ công tác, nhiều anh em CSĐN đã phải gác lại chuyện riêng ở gia đình để tập trung tối đa cho công tác. Dù khó khăn nhưng với sự đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau nên không khí tại đơn vị luôn ấm cúng" - Thiếu tá Nguyễn Thanh Ngọc cho biết.
Kể về lần chạm mặt với một trùm ma túy có vũ trang trong chuyên án đặc biệt mà mình từng tham gia, thiếu tá Ngọc nhớ lại: "Tay trùm này là một tội phạm nguy hiểm và thừa sự manh động. Thời điểm lực lượng chức năng bao vây, đối tượng đã định sử dụng lựu đạn để phản pháo. Thế nhưng, tôi và 2 đồng đội đã kịp phát hiện và có sự ngăn chặn. Lần đấy chỉ chậm 1 tích tắc thì có lẽ..." - vị Đại đội phó bỏ lỡ câu nói nhưng người nghe như chúng tôi đã hình dung ra được sự nguy hiểm trong tình huống đó.
Còn với Thượng úy Nguyễn Minh Nghĩa, một lính đặc nhiệm đã gắn bó với mái nhà CSCĐ TPHCM được 10 năm. Anh cho biết, gia đình đã quá quen với những lần đánh án mà không liên lạc được với anh suốt nhiều ngày liên tục. "Có những lúc nhận lệnh đột xuất, mình cũng giống những anh em khác, chỉ kịp gọi về cho vợ nói anh tập luyện mệt, bây giờ anh đi ngủ đây rồi tắt máy. Có khi đến vài ngày sau, hai vợ chồng mới liên lạc được với nhau, cũng có lúc bị vợ giận dỗi nhưng sau biết là công việc bí mật không thể tiết lộ nên các người thân cũng dần quen" - anh nói.
Thiếu tá Nguyễn Thanh Ngọc hay Thượng úy Nguyễn Minh Nghĩa, luôn tâm niệm đời người lính đặc nhiệm hạnh phúc nhất, vinh dự nhất là được tham gia những chuyên án lớn. Đó luôn là những trải nghiệm đặc biệt. Thế nên, với bất kỳ nhiệm vụ nào được cấp trên giao phó, người Đại đội phó tận tụy cùng lứa đàn em, những người đồng đội cùng anh "vào sinh ra tử" luôn sẵn sàng bước vào trận đánh với sự háo hức được cống hiến hết mình.
Xem thêm: lmth.343631_mahp-iot-pa-nart-gnoc-nat-nohn-ium/gnas-gnoug/nv.moc.nagnoc