Nhà thơ Hồng Thanh Quang - Ảnh: NVCC
Nhân đêm nhạc mà ông gọi là để "tri ân cuộc đời" mang tên "Vẫn nguyên là nỗi khát", nhà thơ Hồng Thanh Quang dành cho Tuổi Trẻ cuộc trải lòng của một người vừa bước qua những vận hạn lớn lao đủ để khiến mình biết trân quý cuộc đời, trân quý tình người và biết buông bỏ những điều nhỏ nhặt là nguồn cơn của phiền não...
Thanh lọc để yêu thương nhau hơn
* Đêm thơ - nhạc lần này được tổ chức khi ông không còn đương chức (tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết - PV) có khó bán vé không?
- Tôi chưa bao giờ bán vé các đêm thơ - nhạc của tôi, kể từ đêm thơ - nhạc đầu tiên năm 2013 khi tôi còn đương chức. Cho nên không có chuyện lợi dụng chức vụ để bán vé.
Tôi không bán vé, có bán cũng vẫn lỗ bởi không thể bán giá cao trong khi các chương trình của tôi đều là chương trình đầu tư đắt tiền dù các nghệ sĩ chỉ lấy cát sê tượng trưng hoặc ủng hộ hoàn toàn.
Người ta bỏ vài triệu đồng ra mua vé nghe một ngôi sao ca nhạc hát, chứ ai bỏ số tiền đó đi nghe đọc thơ. Những người yêu thơ, muốn nghe đọc thơ lại thường chẳng có tiền.
Hơn nữa đây lại là chương trình tụ nghĩa, bạn bè và nghệ sĩ xúm lại cùng tôi làm để tri ân cuộc đời sau khi tôi thoát chết bởi căn bệnh ung thư.
Giờ tôi khỏi bệnh nhưng không biết cuộc đời kết thúc lúc nào. Tôi muốn mang tới một chương trình mà mọi người sau khi nghe, ra về sẽ biết yêu thương, quý mến nhau hơn, xót xa nhau hơn, cảm thông với những vận hạn của nhau hơn chứ không phải để khán giả nhớ nhà thơ Hồng Thanh Quang.
Đó sẽ là một bầu khí quyển nghệ thuật có tính thanh lọc để mọi người yêu thương nhau hơn. Vì ý nghĩa đó mà các nghệ sĩ tham gia chương trình cũng đều rất hồ hởi. Đêm thơ - nhạc cũng sẽ biểu diễn ba bài hát do tôi phổ nhạc thơ tôi.
* Ông thành nhạc sĩ từ bao giờ vậy?
- Trong ai chẳng có một nhạc sĩ ngay từ tấm bé. Tất nhiên âm nhạc của tôi chẳng cao siêu, nhưng nó là tấm lòng thực sự và vì thế nó khác với âm nhạc của các nhạc sĩ chuyên nghiệp. Nó không cầu kỳ phức tạp nhưng đầy cảm xúc.
* Sau bạo bệnh rồi nghỉ hưu nhưng cuộc sống đối với ông "vẫn nguyên là nỗi khát"?
- Trải qua một vòng hoa giáp, sau cơn thập tử nhất sinh, thể xác bây giờ tất nhiên ở trạng thái "phản bội trái tim" nhưng trong tôi vẫn nguyên nỗi khát khao của người làm sáng tạo, khát khao được sống, được yêu, được vượt qua những hữu hạn của bản thân trước đây.
Nhưng nỗi khát ở đây là khát khao sáng tạo, là mong ước làm đêm thơ - nhạc tạo năng lượng tích cực cho người xem chứ không phải khát danh, lợi.
Đến giờ yêu thương tôi nhận từ cuộc đời đã quá đủ, tôi cũng không cần ai yêu thương tôi hơn nữa, thậm chí tôi đã dư thừa quá nhiều yêu thương.
Thơ quý giá như những đứa con
* Thơ tới giờ với ông có ý nghĩa thế nào?
- Tôi vẫn nghĩ rằng tôi đã may mắn khi chọn đúng hướng ngay từ đầu là bỏ sự nghiệp của một kỹ sư vô tuyến điện quân sự du học Liên Xô trở về để trở thành một nhà thơ.
Trên con đường ấy có lúc này lúc kia nhưng tôi không thay đổi hướng. Thơ vẫn là mục đích cuối cùng, là phương thức sống của tôi.
Tôi làm thơ như người ta thở, giống như cái cây dù ngả nghiêng theo gió táp mưa sa để tồn tại nhưng không rời chỗ đứng của mình.
Thơ với tôi cũng quý giá như những đứa con. Thậm chí con mình còn có khi làm mình buồn chứ thơ thì không.
Ngay cả những bài thơ buồn, khi đọc lên tôi vẫn cảm thấy được an ủi. Khi tôi gặp cảnh bi phẫn, đau đớn nhất thì cũng là thơ vang lên, ở bên tôi. Với tôi, còn sống là còn thơ.
* Có mâu thuẫn không khi một nhà thơ với những vần thơ đắm đuối lại từng là một người lãnh đạo trong các cơ quan báo chí vốn cần nhiều lý trí hơn?
- Tôi bị ám ảnh vì thơ, nhưng may mắn tôi vẫn hoàn thành nhiệm vụ của một công chức. Tôi cho đó hoàn toàn là do may mắn chứ không phải do tài.
May mắn vì xung quanh tôi phần lớn là những người tốt, họ bảo vệ, ủng hộ, giúp đỡ tôi. Và thơ tôi cũng là trời cho mà có.
Tôi quan niệm thơ phải là trời cho, chứ không phải thứ có thể kỳ công chế tác được. Làm thơ là viết cho mình.
Người khác thích thì mình cảm ơn chứ đừng chỉ nghe lời khen. Không có lời khen nào là thật cả. Lời chê may ra mới là thật.
Học buông bỏ, bớt cuồng nộ
* Có vẻ như biến cố lớn vừa qua đã thay đổi ông rất nhiều?
- Hồi trẻ tôi rất hung hăng dù đâu phải lúc nào mình cũng đúng, nhất là những người làm sáng tạo, trong mình luôn đầy mâu thuẫn.
Giờ thì tôi biết nhìn ra lý lẽ của những người khác mình, những người mâu thuẫn với mình.
Tôi vẫn có cảm xúc tích cực khi nhận được những lời khen ngợi, lời yêu thương và cũng có cảm xúc tiêu cực khi nghe những lời phê phán bất công dành cho mình.
Nhưng bây giờ tôi rất hiểu lý lẽ của những người phê phán, những người bới lông tìm vết mình.
Thường tôi sẽ tìm cách tránh họ chứ không còn tham vọng biến đổi họ theo ý mình như khi tôi còn trẻ, cái thời yêu thương cuồng nhiệt mà khi cuồng nộ cũng nóng bỏng.
Giờ tôi có thể thấy mình không sai, nhưng tôi cũng không kết tội người khác không đúng.
* Và cảm ơn cả những "bà dì ghẻ" nữa?
- Trong bài thơ Lời cảm ơn mà tôi viết năm 1985 khi tôi còn đang là sinh viên, đăng lần đầu tiên vào cuối những năm 1990 trên báo Tuổi Trẻ, tôi có viết phải cảm ơn những người đã đối với tôi khắc nghiệt, từng bắt tôi cay đắng khóc, những người đã đẩy tôi tới cận kề cái chết, "bà dì ghẻ" của đời tôi.
Ở đời mình phải cảm ơn những người tình nghĩa với mình thì đúng rồi, nhưng cũng phải cảm ơn cả những người hại mình.
Bởi muốn thành công trong sự nghiệp phải có những người giúp đỡ, nhưng muốn trưởng thành về mặt tâm hồn thì phải nhờ những "dì ghẻ".
Giờ đây, hơn lúc nào hết, tôi ý thức rằng tôi không còn nhiều thời gian nữa. Tôi học buông bỏ, bớt cuồng nộ, yêu thương, thấu hiểu nhiều hơn.
Đêm thơ - nhạc Vẫn nguyên là nỗi khát giới thiệu một số bài thơ mà nhà thơ Hồng Thanh Quang sáng tác trong các giai đoạn, được thể hiện ở nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau như đọc, ngâm, hát xẩm, ca Huế và ca khúc nhạc nhẹ. Tác giả trực tiếp thể hiện một số tác phẩm thơ của mình.
Chương trình không thể thiếu những ca khúc quen thuộc như Khúc mùa thu, Mẹ, Romance 4 do nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang và một số ca khúc phổ thơ ông của các nhạc sĩ An Thuyên, Đức Trịnh, Lê Mây.
Ngoài ra, còn có thêm một số ca khúc mới được phổ nhạc của vài gương mặt trẻ, của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân và cả những ca khúc do chính tác giả phổ nhạc thơ mình…
TTO - Ca khúc Nghe em hát của Đức Trịnh phổ thơ Hồng Thanh Quang vừa được á quân Sao Mai 2017 dòng nhạc thính phòng Vũ Thị Thanh Thanh giới thiệu với hình thức MV.
Xem thêm: mth.14715959010902202-ehg-id-ab-gnuhn-ac-no-mac-iot-gnauq-hnaht-gnoh-oht-ahn/nv.ertiout