Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức điều trị cho bệnh nhân sùi mào gà vùng hậu môn - Ảnh: BVCC
Cẩn trọng với sùi mào gà vùng hậu môn
Trong vòng 2 tuần liên tiếp, các bác sĩ Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiếp nhận khám và điều trị 6 trường hợp sùi mào gà vùng hậu môn với lứa tuổi từ 14-50 tuổi.
Theo thông tin từ bệnh viện, gần đây nhất, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nam Đ.C.V. (46 tuổi, trú tại tỉnh Vĩnh Phúc) vào viện vì khối sùi vùng hậu môn.
Nguyên nhân do bệnh nhân quan hệ tình dục không dùng biện pháp an toàn. Qua khám lâm sàng thấy bệnh nhân V. bị sùi toàn bộ chu vi vùng hậu môn sinh dục, xét nghiệm HPV dương tính.
Bệnh nhân đã được cắt u sùi quanh chu vi hậu môn, hiện sức khỏe ổn định và đã được ra viện, tiếp tục theo dõi tại nhà.
Theo PGS.TS Nguyễn Quang - giám đốc Trung tâm nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, u sùi vùng hậu môn sinh dục là một trong những thương tổn nguy hiểm nhất.
Thương tổn do vi rút HPV gây ra có thể dẫn đến ung thư vùng hầu họng, ung thư hậu môn, ung thư cổ tử cung, ung thư dương vật.
"Hiện bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu. Tuy nhiên, nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ hạn chế được biến chứng và nguy cơ tái phát", bác sĩ Quang khuyến cáo.
Sùi mào gà có lây qua da?
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Phan Chí Thành, chánh văn phòng Trung tâm đào tạo, Bệnh viện Phụ sản trung ương, cho biết hầu hết các bệnh lây qua đường tình dục như HIV, giang mai, lậu…, đường lây truyền chính là qua sự tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan sinh dục và các dịch tiết sinh dục như tinh dịch và dịch tiết âm đạo trong quá trình sinh hoạt tình dục.
"Tuy nhiên, với bệnh sùi mào gà do vi rút HPV ngoài nguyên nhân thông thường là lây truyền thông qua các tiếp xúc sinh hoạt tình dục, hiện nay có nhiều bằng chứng y học chứng minh vi rút HPV có thể lây truyền qua tiếp xúc da", bác sĩ Thành thông tin.
Bác sĩ Thành phân tích, vi rút HPV có thể tồn tại nhiều ngày ở các kẽ ngón tay, móng tay, hay các bề mặt tiếp xúc công cộng khác. Vi rút cũng có thể lây qua tiếp xúc ví dụ qua da tay, chân, tay nắm cửa nhà vệ sinh.
Như vậy, dù rất hiếm gặp nhưng sùi mào gà có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc khi đi vệ sinh không rửa tay, qua bồn cầu, tay nắm cửa… Trên lý thuyết, đây là những trường hợp tiếp xúc với mầm bệnh khi da, niêm mạc bị xây xước.
Mặt khác, trong quan hệ tình dục dù có áp dụng các biện pháp tình dục an toàn như bao cao su vẫn không đảm bảo phòng tránh được hoàn toàn lây nhiễm HPV. Bởi bao cao su cũng chỉ che được duy nhất dương vật. Nam giới vẫn có thể bị tổn thương sùi mào gà tại các vị trí khác.
"Do đó các tiếp xúc ngoài giao hợp khác như quan hệ tay, miệng cũng tiềm ẩn nguy cơ lây truyền HPV. Trong thực tế khám chữa bệnh chúng tôi vẫn gặp các bạn trẻ bị sùi mào gà ở thanh quản và cổ họng do lây truyền HPV qua sinh hoạt đường miệng, hay ở vùng hậu môn. Một số trường hợp có thể gây ung thư cổ tử cung ở phụ nữ và ung thư dương vật ở nam giới", bác sĩ thông tin.
Các biện pháp phòng tránh
Theo bác sĩ Thành, để hạn chế nguy cơ lây nhiễm HPV, tiêm vắc xin HPV là biện pháp phòng ngừa an toàn và hiệu quả nhất, vắc xin HPV có thể tiêm phòng cho cả nam và nữ. Vắc xin tiêm phòng hiệu quả nhất khi các bạn trẻ chưa quan hệ tình dục. Bởi tiêm phòng sau khi đã quan hệ tình dục thì hiệu quả của vắc xin giảm đi khá nhiều.
"Dù có tiêm vắc xin phòng bệnh nhưng lối sống tình dục an toàn, chung thủy, dùng các biện pháp bảo vệ như bao cao su vẫn vô cùng quan trọng. Quan hệ chung thủy với một bạn tình, một vợ một chồng cũng giúp hạn chế nguy cơ lây lan HPV.
Bên cạnh đó, việc khám sàng lọc định kỳ các bệnh lây truyền qua đường tình dục là vô cùng quan trọng để phát hiện và điều trị bệnh sớm", bác sĩ khuyến cáo.
TTO - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - khẳng định khả năng xâm nhập của bệnh đậu mùa khỉ là hiện hữu, nhưng không vì thế người dân quá hoang mang, lo lắng.