Hiện nay các lứa cầu thủ ở cấp độ trẻ mà SHB Đà Nẵng đào tạo lên tới 200 học viên - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Xung quanh câu chuyện "lùm xùm" về việc không để lứa cầu thủ U17 SHB Đà Nẵng tham dự vòng dự vòng chung kết Giải bóng đá U17 quốc gia, Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Xuân Hòa, chủ tịch CLB SHB Đà Nẵng.
Không khó mới…lạ
* Lứa cầu thủ U17 SHB Đà Nẵng đã có kết quả rất tốt khi thi đấu vòng loại tại Gia Lai. Đội bóng "hứa hẹn" như vậy, tại sao câu lạc bộ (CLB) lại không để các em tham dự vòng dự vòng chung kết Giải bóng đá U17 quốc gia ?
- Nói thật với anh đây là điều khiến tất cả chúng tôi buồn trong những ngày qua. Khi mà các đội bóng khác cùng tranh tài còn các cầu thủ của chúng tôi tạm về quê chờ ngày tập trung. Các em đã rất cố gắng ở vòng loại và có thành tích tốt nhưng không thể tham dự vòng chung kết nên đã rất buồn.
Các cháu buồn, những người làm bóng đá chuyên nghiệp như tôi còn buồn hơn bởi rèn quân ai không muốn mang ra thi đấu.
Tuy nhiên cũng cần nói rõ dù mỗi năm mới có ngày hội chung kết lứa tuổi cấp quốc gia nhưng đây không phải là hoạt động duy nhất của U17 SHB Đà Nẵng cũng như các đội trẻ khác của đội bóng tham gia trong năm.
Với giải đấu này nếu tổ chức cho đội đi thi đấu thì tiền chi ra trên dưới 300 triệu đồng. Số tiền không quá lớn so với công tác đào tạo trẻ nhưng xét trong bối cảnh chúng tôi đã không được hỗ trợ kinh phí lâu nay nên quyết định bỏ giải như một lời "đánh động" để mọi người cùng quan tâm hơn đến đội bóng.
Chúng tôi cần sự đồng hành từ nhiều phía, nhất là từ chính quyền thành phố để phát triển bóng đá bền vững.
* Vừa qua Sở VHTT TP Đà Nẵng đã có thông cáo báo chí cho biết mỗi năm thành phố chi ra số tiền xấp xỉ 20 tỉ đồng cho hoạt động đào tạo bóng đá trẻ. Đây là sự "đồng hành" không hề nhỏ, tại sao CLB kêu khó?.
- Đúng là thành phố có cam kết hỗ trợ công tác đào tạo trẻ mỗi năm 20 tỉ đồng từ năm 2017. Ngoài ra, trước đây khi xã hội hóa đội bóng thì nhà tài trợ lẫn chính quyền thành phố cũng cùng cam kết trong quá trình hoạt động nếu có khó khăn thì cùng ngồi xuống tháo gỡ.
Tuy nhiên, do vướng mắc trong quá trình thực hiện nên nguồn hỗ trợ này bị dừng từ năm 2021. Giai đoạn từ năm 2017 đến 2020 chúng tôi được hỗ trợ cho công tác đào tạo trẻ hơn 55 tỉ đồng, tính ra hơn 5 năm, mỗi năm được hỗ trợ 11 tỉ đồng.
Trong khi đó công tác đào tạo trẻ ở SHB gồm các lứa U9, U11, U13, U15, U17, U19 tính cả học viên ra lẫn vào trung tâm thì quân số tầm 200 em.
Quân đông như vậy mà 2 năm qua bị cắt hỗ trợ thì không khó mới lạ. Hai năm rồi nhà tài trợ phải liên tục bù lỗ cho đội trẻ.
Đội trẻ của tuyển SHB Đà Nẵng tập luyện tại trung tâm đào tạo ở quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
"Các tỉnh làm được mà"
* "Hụt" kinh phí như vậy, tương lai của các lứa cầu thủ trẻ sẽ như thế nào? Hiện nay các em được trở về nhà, liệu sắp tới đây có trở lại trung tâm?
- Mấy ngày qua cũng có nhiều phụ huynh lo lắng hỏi chúng tôi. Tuy nhiên tôi khẳng định lò đào tạo của SHB Đà Nẵng vẫn hoạt động bình thường. Các em cũng đã nhận được thông báo trở lại trung tâm vào ngày 4-9 tới đây. Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tìm mọi cách để các cháu vẫn sẽ tham gia các giải đấu trong hệ thống trẻ. Hiện nay chúng tôi đang tìm ra giải pháp tốt nhất để có nguồn kinh phí hỗ trợ.
Chúng tôi hiểu địa phương cũng có khó khăn trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên nếu cứ mang luật, mang khó khăn ra nói mà để ảnh hưởng đến phong trào bóng đá ở Đà Nẵng nói riêng và thể thao nói chung thì chúng ta sẽ có lỗi với tương lai cầu thủ.
Làm bóng đá ở Việt Nam không có đội nào "tự bơi" mà không có "phao" hết. Phải có sự đồng hành, sát cánh thì đội bóng mới sống được. Chính như tôi cũng chạy qua lại như con thoi giữa nhà tài trợ và thành phố để "giữ lửa" phong trào.
* Ông kỳ vọng gì trong những buổi "gỡ vướng" sắp tới?
- Vấn đề chính vẫn là số tiền tài trợ cho bóng đá trẻ vì không có thì rất khó hoạt động. Chúng tôi mong thành phố cùng nhà tài trợ sớm ngồi lại để có tiếng nói chung để có tiền hoạt động. Các địa phương khác có thể chi tiền chăm lo cho đội trẻ được thì Đà Nẵng sao lại không?
Ngoài đồng hành về tài chính, sự quan tâm, động viên kịp thời của thành phố với đội bóng sông Hàn để các cháu an tâm cống hiến. Làm bóng đá thì tiền quan trọng nhưng đi một mình thì chán lắm.
Làm bóng đá phải "máu lửa"
Đồng hành với đội bóng sông Hàn nhiều năm qua, ông Xuân cho rằng sự quan tâm của lãnh đạo chính quyền có vai trò tinh thần to lớn. Bởi đội bóng là hình ảnh của con người, vùng đất. Từ lâu người ta nhắc đến SHB là nhắc đến Đà Nẵng và ngược lại.
"Làm bóng đá là phải máu. Coi đội bóng như con, nó thắng mình vui nó thua mình buồn. Phải đồng hành thì mới có cảm giác đau xót khi đội bóng thua cuộc. Không phải để đội bóng 'lặn ngụp' rồi mới tìm giải pháp thì khó cứu được phong trào.
Như vừa rồi Thanh Bình gặp chấn thương nặng (thủ môn Thanh Bình của đội tuyển SHB Đà Nẵng - PV) trong trận gặp Viettel khán giả cả nước hỏi thăm mà tôi chẳng thấy lãnh đạo thể thao động viên em ấy một tiếng", ông Xuân nói.
TTO - Mặc dù mỗi năm Đà Nẵng chi từ ngân sách gần 20 tỉ đồng cho đào tạo bóng đá trẻ nhưng vừa qua đội U17 SHB Đà Nẵng không tham dự vòng chung kết Giải bóng đá U17 quốc gia tại TP.HCM. Vì sao?