Sáng 1-9, Trại giam Gia Trung (huyện Mang Yang, Gia Lai) tổ chức lễ công bố quyết định đặc xá năm 2022 của Chủ tịch nước cho 67 phạm phạm nhân đang chấp hành án tại đây.
Giọt nước mắt hạnh phúc
Cầm chứng nhận đặc xá trên tay, bà Lê Thị Hằng (58 tuổi, thôn 8, xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, Đắk Lắk) nghẹn lòng, mừng đến nước mắt rưng rưng. Bà đã chờ ngày này mấy năm nay rồi, hôm nay mới bỏ được chiếc áo sọc, khoác cho mình chiếc áo bà ba giản dị.
Ngày đặc xá, nhiều gia đình đoàn tụ, hạnh phúc rơi nước mắt. Ảnh: LK |
Năm 2017, bà bị tòa kết án sáu năm sáu tháng tù giam về tội tổ chức đưa người khác ra nước ngoài trái phép. Bà bảo, thật ra lúc đó bà không biết mình phạm tội. Do không hiểu biết pháp luật, nên khi có đứa em ở Trung Quốc nói rủ thêm hai người qua đó làm việc bà làm theo. Sau bao ngày ở trong trại, bà nhận ra lỗi lầm và cố gắng cải tạo, mong sớm ngày ra tù.
“Ba đứa con tôi, giờ mỗi đứa ở một nơi. Đứa đi làm Bình Dương, đứa học đại học ở Hà Nội, còn đứa nhỏ học lớp 10. Hiện tại nhà tôi chỉ có một ha đất rẫy, ở trong tù cũng học được nghề làm vàng mã. Chỉ mong sau khi ra tù, chăm chỉ làm ăn kiếm ít tiền chăm lo cho con, chứ không mong gì hơn nữa”, bà Hằng nói.
Cùng thân phận nữ tù, bà Nguyễn Thị Tuyết Uyên (49 tuổi, ở Tuy Hòa, Phú Yên) cũng mừng muốn khóc khi nghe tin mình được đặc xá. Bà vào tù vì tội mua bán cần sa, mức án 7,5 năm tù, đã thụ án hơn 5 năm.
Bà Hằng vui mừng được đặc xá đúng dịp lễ 2-9. Ảnh: LK |
Kể chuyện đã qua, bà bùi ngùi nói: “Trước khi tôi vào tù, chồng tôi bị bệnh hiểm nghèo, nuôi thêm hai con nhỏ. Để có tiền chạy chữa, gia đình tôi bán hết tài sản, làm thuê nhưng nợ vẫn chồng chất. Bí bách quá, tôi mới làm liều, đi buôn cần sa. Ở trong tù, tôi đã ăn năn rất nhiều, cải tạo tốt để sớm được ra ngoài. Lâu nay không chăm sóc con cái, chỉ mong bù đắp phần nào cho con, mong dạy con nên người”.
Trong ngày đặc xá tại Trại giam Gia Trung, ông Nguyễn Thế Bách (65 tuổi, quê ở Bắc Ninh) là phạm nhân đặc biệt nhất, đây là lần thứ hai ông được đề nghị xét đặc xá. Trước đây, ông phạm tội giết người và trộm cắp, chịu mức án chung thân.
“Tôi đã thụ án được 30 năm 1 tháng và 10 ngày. Nay tôi được đặc xá như được tái sinh lần thứ hai. Ban đầu tôi bi quan, nhưng nhờ cán bộ trại giam quan tâm nên tôi dần thay đổi, cải tạo tốt hơn. Tôi cũng cảm ơn chính sách của Đảng, nhà nước đã khoan hồng, tạo điều kiện cho tôi trở về với gia đình và xã hội. Được về, tôi hạnh phúc lắm. Giờ tôi già rồi, chỉ mong về vui vầy với con cháu”.
Thấy bố (ông Nguyễn Thế Bách) được ra tù, hai con ông mừng rơi nước mắt. Ảnh: LK |
Đứng đợi ngoài cổng trại giam, chị Nguyễn Thị Xuân (con gái ông Bách) thấy bố như vỡ òa cảm xúc, nước mắt tuôn rơi. Chị Xuân cho biết: “Khi bố tôi thụ án, gia đình tôi cứ nghĩ không gặp được bố ngoài đời, nay gặp được người vẫn còn khỏe mạnh, tôi vui mừng lắm. Năm ngoái cũng chờ tin đặc xá nhưng rồi thất vọng. Tôi ở Đắk Lắk, sang đây từ lúc 4 giờ sáng để chờ đón bố”.
Một trường hợp khác, vì tình yêu nông nổi của tuổi mới lớn, Nguyễn Ngọc Nhất Triều (20 tuổi, thôn 1, xã Hà Tam, Đắk Pơ, Gia Lai) bị tuyên án ba năm chín tháng về tội giao cấu với người từ 13 đến dưới 16 tuổi. Sau hơn hai năm trong tù, Triều vô cùng ăn năn và không ngừng cố gắng để sớm được ra tù phụ giúp gia đình.
Phát biểu cảm nghĩ trong ngày đặc xá, phạm nhân Đậu Hồng Ân (Can Lộc, Hà Tĩnh) nói: “Chúng tôi xin hứa, khi trở về với gia đình, xã hội sẽ chấp hành nghiêm pháp luật, các quy định của chính quyền địa phương, không ngừng học tập, rèn luyện bản thân, làm ăn lương thiện”.
“Em và và bạn gái (thời điểm đó 15 tuổi) quen nhau lâu, nảy sinh tình cảm và có xảy ra quan hệ. Lúc đó, gia đình người yêu biết chuyện và tố cáo cơ quan chức năng. Em bị công an bắt, gia đình cũng bất ngờ lắm. Giờ ba mẹ già lớn tuổi, mong muốn về nhà phụ giúp gia đình, báo hiếu cha mẹ”, Triều chia sẻ.
“Người thầy tâm hồn” nơi trại giam
Trại giam Gia Trung có quy mô 4.000 phạm nhân và hiện đang quản lý, giáo dục cho hơn 3.000 phạm nhân. Theo thống kê, có hơn 80% phạm nhân thụ án nơi đây chấp hành nghiêm bản án và cải tạo, rèn luyện đạt khá tốt. Hàng năm tỉ lệ được đặc xá chiếm khá cao so với cả nước. Năm nay, Trại có 67 trường hợp đặc xá.
Sau hơn 30 năm ngồi tù, ông Nguyễn Thế Bách chưa vội rời đi, nán lại chào cán bộ trại giam. Ảnh: LK |
Việc chấp hành các quy định của Đảng, nhà nước trong công tác thi hành án phạt tù luôn được đơn vị chú trọng và quan tâm. Thực hiện các chế độ, chính sách đối với phạm nhân về ăn, ở, mặc, vui chơi, giải trí, chăm sóc y tế, lao động, học nghề.
Trung tá Phan Thanh Lại, Đội trưởng đội Giáo dục hồ sơ cho biết, trách nhiệm của người cán bộ trại giam cũng rất nặng nề, phải làm sao để cho phạm nhân nhận ra lỗi lầm và chuyên tâm cải tạo, rèn luyện để trở thành người có ích cho xã hội. Không phải phạm nhân nào vào đây cũng tỏ ra hối cải, do đó cán bộ phải giáo dục cho họ thật chuyên tâm.
Theo Trung tá Lại, bên cạnh các biện pháp giáo dục, phải hướng dẫn họ hăng say lao động để họ biết quý trọng giá trị của mình làm ra. Đồng thời, Trại còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa các phân trại với nhau… xây dựng thư viện sách cho phạm nhân.
Cán bộ trại giam dạy phạm nhân làm ghế mây. Ảnh: LK |
Trước đây, lúc chưa có dịch, đơn vị cũng thường xuyên kết hợp với Tỉnh đoàn Gia Lai và một số đơn vị thực hiện nhiều chương trình về “hạt giống tâm hồn”, tư vấn nghề nghiệp, hướng nghiệp và giới thiệu việc làm cho phạm nhân. Mục tiêu giúp họ có tâm hướng thiện và công việc ổn định, không còn tái phạm nữa.
Để cho họ dễ tái hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định sau khi ra trại, đơn vị còn mở đào tạo nhiều nghề như: May, làm gạch, nghề mộc, trồng rừng… giúp phạm nhân thành thạo với nghề và có thể sống bằng nghề mình học được.
“Cán bộ trại giam là người thầy của tâm hồn, giúp cảm hóa phạm nhân, giáo dục những người lầm lỗi thành người lương thiện, có ích cho xã hội. Mỗi cán bộ đều phải cố gắng làm tròn trách nhiệm của mình. Nếu trường hợp nào đó bất cần, khó cảm hóa thì mời giám thị trại giam “ra trận”, Trung tá Lại nói.
Chia sẻ với PLO, Đại tá Đào Ngọc Sỹ, Giám thị Trại giam Gia Trung cho hay: “Đặc xá thực hiện theo chủ trương khoan hồng của Đảng, nhà nước nhằm động viên phạm nhân cải tạo, chấp hành nghiêm án phạt, khích lệ thực hiện các hình phạt bổ sung”.
Đại tá Đào Ngọc Sỹ trao chứng nhận đặc xá cho 67 phạm nhân |
Niềm vui của phạm nhân được đặc xá cũng chính là niềm vui của các cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Chúng tôi rất hạnh phúc khi thấy những con người đã từng lầm lỗi nhưng trải qua quá trình giáo dục, rèn luyện đã nhận ra lỗi lầm, quyết tâm cải tạo tốt để được về với gia đình, tái hòa nhập cộng đồng.