Nếu có thể rút ngắn công đoạn phát triển dài hơi của siêu xe, các thương hiệu như Bugatti có thể liên tiếp ra mắt dự án mới mà không cần khoảng lặng nhiều năm như trước - Ảnh: Bugatti
Porsche mất hơn 2 năm để hoàn thiện 911 GT3 từ bản concept, 4 năm chỉ để phát triển những biểu màu mới phục vụ khách hàng. Mercedes-Benz giới thiệu siêu xe AMG One dưới dạng concept từ năm 2017, nhưng chỉ chính thức "ra mắt" xe từ tháng 6 năm nay. Aston Martin sẽ mất ít nhất 6 năm (2019 - 2025) để đưa siêu xe Valhalla vào sản xuất.
Trong khi đó, Bugatti chỉ mất vỏn vẹn 9 tháng để đưa W16 Mistral từ ý tưởng thành hiện thực.
Dù dùng lại khung gầm Chiron, việc hoàn thiện W16 Mistral thực tế không hề dễ dàng vì cấu trúc xe từ đầu đã không được phát triển cho xe mui trần, đồng nghĩa kết cấu trần lẫn gầm xe cần được gia cố cực kỳ cẩn thận cho dự án trên.
Theo giám đốc thiết kế Bugatti Achim Anscheidt, họ có thể đẩy nhanh tiến độ phát triển xe mới nhờ công nghệ thực tế ảo (Virtual Reality - VR) - vốn mới chỉ được các hãng xe đưa vào sử dụng từ thập kỷ trước.
Nhờ sự hoàn chỉnh của công nghệ dựng đồ họa 3D và các công cụ vật lý ảo, việc giả lập và thử nghiệm xe bằng phần mềm cũng trở nên vô cùng dễ dàng - Ảnh: Pond5
"Chúng tôi sử dụng công nghệ trên rất nhiều ngày nay. Tôi vẫn thích các mô hình đất sét và mô hình thử nghiệm hoàn chỉnh, nhưng công nghệ thực tế ảo giờ đã đủ phát triển để phục vụ công đoạn thử nghiệm hiệu quả", vị lãnh đạo chia sẻ.
Dù các mô hình đất sét và bản thử nghiệm vẫn rất cần thiết, việc giả lập một chiếc xe hoàn chỉnh (và có thể dễ dàng thay đổi nhiều chi tiết chỉ với vài thao tác) giúp cắt ngắn thời gian lẫn chi phí cần thiết.
Achim Anscheidt đánh giá các bản vẽ ảo ở giai đoạn đầu có hiệu quả không thua mô hình đất sét, trong khi các bản vẽ chi tiết về sau không kém xe thành phẩm.
So với công đoạn phát triển xe 15 năm trước, thời gian cần thiết để thử nghiệm giờ đã được rút ngắn 40%. Ngay cả khi so với 5 năm trước, tỉ lệ này vẫn là 20%, Anscheidt ước tính.
Không chỉ riêng Bugatti, các hãng xe phổ thông như Volkswagen, Honda, GMC... đều đang sử dụng công nghệ này trong phát triển xe. Tuy nhiên, các hãng siêu xe như Bugatti hưởng lợi từ công nghệ này hơn cả vì sự phức tạp trên các sản phẩm của mình.
Bugatti vừa khép lại một chương trong bề dày lịch sử với những trang giấy kế tiếp gọi tên xe điện hóa.