TTO - Khởi động từ tháng 10-2016 đến nay, dự án "Sách hay dành cho học sinh tiểu học" của các cô giáo về hưu và những người trăn trở về văn hóa đọc đã miệt mài đến với 27 tỉnh thành, mang hơn 400.000 đầu sách cho hơn 1.000 trường.
Cô Hoàng Thị Thu Hiền (60 tuổi) - cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) - là đầu tàu khởi xướng, cũng là "linh hồn" duy trì ngọn lửa nhiệt huyết cho cả dự án.
Hàng chục năm đứng lớp dạy văn, cô hiểu tận ruột gan tầm quan trọng của sách và tình trạng "đói" sách của những đứa trẻ vùng sâu, vùng xa, có vẻ dai dẳng hơn nhiều so với đói ăn, đói mặc... Vì thế, dự án xem sách là "nhu yếu phẩm", có thể thắp sáng cho các em mơ ước, khát vọng về những sự thay đổi, tác động đến nhiều thế hệ.
Còn nhớ lần đầu tiên kêu gọi ủng hộ sách cho dự án trên trang cá nhân, chỉ vài ngày sau, cô Hiền bất ngờ khi bạn bè và đồng nghiệp gần xa đã quyên góp được 150 triệu đồng để mua sách mang Hà Tĩnh và Quảng Bình. Sách được vận chuyển đến nơi lại đúng vào thời điểm cả hai tỉnh vừa trải qua mùa bão nặng nề năm 2016, người dân đang vất vả khắc phục để ổn định cuộc sống.
Những chuyến đi đầy gian truân trong dự án
Sau thành công bước đầu, các thành viên tiếp tục kêu gọi ủng hộ, tài trợ cho những chuyến đi tiếp theo. Họ không lựa chọn cách tặng sách dễ dàng là chạy theo số lượng. Thay vào đó, họ cần mẫn lựa chọn theo đúng với từng cấp học, có thể gần gũi với chương trình học chính khóa.
Ngoài truyện, các cô chọn cả những tựa sách về kỹ năng sống, sách khoa học, lịch sử, du lịch, bảo vệ môi trường…
Trong những ngày đến trường, cô Hiền cùng các thành viên trong dự án sẽ tiếp tục tổ chức những buổi tập huấn cho từng giáo viên, thủ thư cách "hô biến" để thư viện hấp dẫn hơn trong mắt học sinh.
"Trước nay thư viện ở các vùng sâu khá tẻ nhạt bởi không có gì thu hút, không tổ chức những hoạt động lôi kéo học sinh đến với sách. Giờ đây, người thủ thư không nên nghĩ học sinh tự tìm đến sách, mà phải là sách tìm đến học sinh. Họ không nên chỉ là người "giữ kho", mà cần biết tổ chức nhiều sự kiện cho các em tiếp cận sách.
Có thể đem sách ra ngoài thư viện, tổ chức thêm các trò chơi, đố vui. Thậm chí, chúng tôi còn sáng tác nhiều bài hát cho các cô có thể dạy học trò thích đọc sách. Tôi nghĩ trước hết cần "dụ" các em đến sách, rồi từ đó mới làm các em yêu sách" - cô Hiền nói.
Cứ thế, thời gian thấm thoát trôi cùng với vô số chuyến đi đong đầy kỷ niệm và giàu cảm xúc. Cũng không thiếu những chuyến phát sinh vô vàn sự cố bất ngờ, có khi tưởng chừng ảnh hưởng đến cả tính mạng…
Như chuyến đi Lý Sơn năm 2018, cả đoàn đến điểm trường tiểu học trên chuyến tàu cuối cùng ra đảo trước khi tạm ngừng vì biển động. Gió lộng, sóng dữ, cả đoàn ai cũng lạnh toát. Người say sóng, người nôn mửa, người chắp tay cầu nguyện.
Vượt trên tất cả, hàng trăm quyển sách cũng đến được tận tay những đứa trẻ miền tiền tiêu xa xôi nhiều năm đã khát khao "mùi" sách mới.
Hay trong chuyến đi đến trường tiểu học ở Trà Lèng, Quảng Nam năm 2019, họ phải băng qua những điểm sạt lở, đường đất lầy lội. Ngó ra ngoài cửa kính, phía trên là đồi núi cao, phía dưới là vực sâu thẳm, không ít chỗ phải leo xuống kê đất đá để xe nhích từng chút. Nhiều đoạn heo hút không gian im bặt như tờ, các cô chỉ biết cùng nhau ca hát cho quên đi nỗi… sợ, trông giống như những cô gái mở đường năm xưa.
Qua chuyến đi đầy gian truân lên núi cao, ra đảo xa mới thấy được sức mạnh và giá trị của tình đồng đội giữa các thành viên trong dự án. Hiện dự án đã có tới 20 người, đủ mọi tuổi tác, nghề nghiệp. Điểm chung ở họ là đam mê sách, muốn đi đến những nẻo xa mang một chút ánh sáng từ sách vở tới những em nhỏ còn nhiều thiếu thốn.
Đặc biệt, các thành viên nếu muốn phải bỏ tiền túi cho các chi phí như vé máy bay, xe cộ, ăn ở. Có người sau 6 năm đồng hành cùng dự án, tổng chi phí "tự túc" đi đã bỏ ra lên tới gần 200 triệu đồng.
Cô Nguyễn Thị Anh Đào (59 tuổi) - cựu giáo viên tại TP.HCM - đồng hành xuyên suốt với dự án từ những ngày đầu. Cô tâm sự mình gắn bó với dự án vì nhiều lý do.
"Thứ nhất là vì mình rất yêu trẻ, mình muốn các bé lớn lên không chỉ qua sự giáo dục của gia đình, thầy cô mà còn qua từng trang sách. Đây là một dự án nhân văn, lan tỏa văn hóa đọc, mang niềm vui đến cho con trẻ, tạo ra nhiều điều ý nghĩa cho cuộc sống", cô Đào nói.
Có đôi lần chồng thấy cô tất tả sương gió dù đã nghỉ hưu. Xót vợ, chồng khuyên thôi. Cô Đào bèn "dụ" chồng đi cùng một chuyến "chót". Trở về bị "ám ảnh" mãi những nụ cười hồn nhiên sáng rỡ của các em nhỏ vùng cao khi được tặng sách, chồng cô không những "quay xe" ủng hộ mà còn chính thức trở thành thành viên của dự án.
Nhiệt huyết và năng lượng của những cô giáo "già" còn thu hút được nhiều bạn trẻ chung tay với dự án, trong đó nhiều người là học trò, đồng nghiệp cũ. Trong số đó phải kể đến chị Phan Thị Thùy Dương - hiện giữ một vị trí quản lý cao trong hệ thống Kienlong Bank. Không đơn thuần đóng góp vật chất, chị Dương luôn sắp xếp thời gian trống đi trao sách cùng các cô càng nhiều càng tốt.
"Con tôi cũng đang học tiểu học nên mình rất muốn lan tỏa văn hóa đọc đến các bé và cả cho chính con. Tôi thấy đây là một dự án ý nghĩa, tuy nhiên vì tính chất công việc bận rộn nên mình không thể tham gia đều đặn cùng các cô. Tôi chỉ mong rằng dự án sẽ tiếp tục phát triển và văn hóa đọc sẽ được lan truyền rộng rãi đến các bé trên khắp vùng miền", chị Dương tâm sự.
Những năm qua, cô Hiền đã gác bỏ chuyện riêng tư, dành tất cả tâm huyết và xông xáo trong từng chuyến đi. Lúc về hưu, từng có trường gọi điện và mong muốn mời cô về làm hiệu trưởng với lương 50 triệu/tháng - mức thu nhập đáng mơ ước đối với một nhà giáo. Nhưng rồi cô từ chối, vì muốn toàn tâm cho sứ mệnh "cõng" sách đến những nẻo xa.
Những buổi truyền cảm hứng đưa sách đến học sinh của dự án
Đổi lại, cô Hiền chia sẻ mình có được sự hạnh phúc không thể tìm kiếm trong bất kỳ công việc nào khác. Nỗi hạnh phúc ấy như được nhân lên gấp bội mỗi khi có một thầy cô nhắn tin "báo cáo" hình ảnh các em học sinh say mê đọc sách. Không ít lần sau khi kết thúc chuyến đi, các thủ thư ở những bản làng đã chạy theo xe cô để nắm tay, gửi gắm lời hứa từ ngày mai sẽ bắt đầu thổi một làn gió mới cho hoạt động đọc sách của trường. Không ít hiệu trưởng cũng mừng rỡ khi thấy học sinh ham tới lui thư viện hơn.
Thầy Nguyễn Trọng Sỹ - hiệu trưởng Trường tiểu học thị trấn Khánh Vĩnh - nhớ hoài cách đây 3 năm, dự án lần đầu đến trường trao sách. Ở một ngôi trường miền núi gần phân nửa học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số, sách mới cho các em được xem như một món hàng "xa xỉ". Trong khi đó, học sinh tại đây rất hiếu học và gần như đứa nào cũng ham đọc sách.
"Kể từ ngày dự án của các cô đến, chúng tôi nhìn thấy sự thay đổi rõ rệt. Vào đầu giờ hoặc giờ ra chơi, các em chăm chỉ đến thư viện đọc sách hơn. Rõ ràng là có sự tác động vì các em dần hình thành được thói quen đọc và ngày càng có ý thức hơn trong việc đọc sách. Chúng tôi rất biết ơn vì điều đó", thầy Sỹ chia sẻ.
Năm học 2022-2023 sẽ đánh dấu "nhiệm kỳ" 5 năm mới của dự án. "Những cánh chim không mỏi" này sẽ tiếp tục một hành trình bất tận, bắt đầu tại An Giang với 4 huyện và 85 trường tiểu học. Để thêm phần mới mẻ, dự án sẽ kết hợp cùng địa phương đi trao sách từ những chuyến xe, tạo không khí rộn ràng và tươi vui.
Đặc biệt, cô Hiền sẽ tạo cơ hội để các bạn trẻ trong dự án có dịp giao lưu với các em học sinh, không chỉ đơn thuần là hội thảo nữa, mà sẽ là những ngày hội sách lớn để các bé được tương tác sôi động hơn. Đây là những bước tiếp nối để dự án có thể liên tục được nhân rộng và sẽ được duy trì bởi chính những bạn trẻ nặng lòng với sách.
Xem thêm: mth.94232009020902202-hnis-coh-ohc-hcas-gnoc-gnur-gnab-neib-touv/nv.ertiout