Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong những tháng vừa qua và đây là cơ sở quan trọng để một số tổ chức định chế tài chính quốc tế như Ngân hàng Thế giới dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm nay của Việt Nam vượt dự kiến. Theo các chuyên gia kinh tế, đây là tín hiệu đáng mừng, nhưng cũng cần thận trọng, để có tiến trình phục hồi bền vững-lâu dài.
Theo báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế Việt Nam mới được công bố bởi Ngân hàng Thế giới: Quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam tăng tốc trong những tháng vừa qua, chủ yếu nhờ khu vực chế biến, chế tạo và các ngành dịch vụ phục hồi mạnh mẽ. Ngân hàng Thế giới dự báo GDP Việt Nam tăng mạnh từ 2,6% năm 2021 lên 7,5% trong năm nay, còn lạm phát được dự báo tăng trung bình 3,8%.
Tuy nhiên, triển vọng tích cực này phụ thuộc vào những rủi ro đang gia tăng như rủi ro tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát - đình trệ diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, khi giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn, hoặc các biến chủng COVID-19 mới tiếp tục xuất hiện. Bên cạnh đó còn có những thách thức trong nước, bao gồm thiếu hụt lao động, rủi ro lạm phát gia tăng, và rủi ro trong khu vực tài chính.
Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu đồng thuận quan điểm này và khuyến nghị: "Vấn đề tăng trưởng của một quốc gia không chỉ là tăng trưởng về con số, chất lượng về tăng trưởng cần quan tâm. Con số mang tính định lượng, chúng ta cần quan tâm cả tăng trưởng định tính để bảo vệ môi trường, tạo việc làm cho người dân và đồng thời tăng cường sức khoẻ của doanh nghiệp. Vấn đề an sinh xã hội còn gặp nhiều khó khăn và mỗi tháng còn nhiều doanh nghiệp phá sản.
Cho nên, cần bảo đảm công ăn việc làm cho người dân tăng, đời sống an sinh xã hội, y tế tăng. Quan tâm giúp các doanh nghiệp - Chúng ta đã có gói hỗ trợ 40.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất hãy quan tâm triển khai".
Nhìn chung, kinh tế đất nước đang có bước đà hồi phục rõ nét nhưng trong bối cảnh nhu cầu hàng hoá tiêu dùng toàn cầu yếu đi, các chuyên gia trong nước và quốc tế khuyến nghị các cấp có thẩm quyền cần chủ động ứng phó.
Trước mắt, liên quan đến chính sách tài khóa, nên tập trung triển khai gói chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế hiệu quả, đồng thời mở rộng mạng lưới an sinh xã hội có mục tiêu, nhằm giúp người nghèo và những người dễ tổn thương chống đỡ tác động của cú sốc giá nhiên liệu cũng như lạm phát gia tăng.
Trong khu vực tài chính, cần theo dõi chặt chẽ và tăng cường công tác báo cáo và dự phòng nợ xấu, đồng thời ban hành cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ. Nếu rủi ro lạm phát gia tăng, thì trở thành hiện thực, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ nhằm kiềm chế áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt chặt cung tiền./.