Để tránh bị ngập sâu, người dân chạy xe lên vỉa hè ngồi chờ nước rút trong trận ngập chiều 1-9 - Ảnh: ĐỨC THỌ
Lo lắng nhất là những hộ dân dọc đường Phan Đình Phùng, Tô Ngọc Vân, Mạc Đĩnh Chi. Đây là khu vực nằm hai bên suối Cam Ly.
Trở lại khu vực này, sau một ngày phố biến thành sông, Tuổi Trẻ Online được nhiều người dân cho biết trận ngập chiều hôm trước là trận ngập chưa từng có, dù nước rút đi rất nhanh nhưng khi nước dâng lên nhiều vị trí trong nhà ngập sâu đến 0,5m.
Tốc độ nước dâng quá nhanh khiến người dân không kịp di tản đồ đạc dẫn đến thiệt hại nặng. Các tuyến đường ảnh hưởng bởi trận ngập chiều hôm trước đều nằm ở lân cận khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt và là nơi buôn bán sầm uất.
Đồ đạc của người dân dọc đường Phan Đình Phùng (Đà Lạt) bị ngập trong nước - Ảnh: M.V
"Tôi sống ở đây bao nhiêu năm, thấy nước suối thỉnh thoảng chảy tràn lên đường nhiều lần. Những năm gần đây thì thường xuyên hơn, nhưng chưa bao giờ tràn vô nhà cho đến hôm qua. Bà con ở đây đang buôn bán cũng chủ quan không dọn dẹp đồ, đến khi nước dâng lên thì khỏi chạy luôn nên thiệt hại nhiều" - bà Nguyễn Thị Quế (83 tuổi, phường 2, Đà Lạt), nói.
Bà Quế cũng cho rằng việc ngập là do cống dẫn nước suối Cam Ly (đoạn giao với đường Phan Đình Phùng) vốn đã hẹp, đợt sửa đường thành phố đã chèn thêm một số ống dẫn nước lớn bên dưới làm cho diện tích cống dẫn nước hẹp hơn.
Ông Nguyễn Công Trọng (phường 2, Đà Lạt), có nhà bị ngập trong trận mưa chiều 1-9, nói: "Cống hẹp, mưa lớn, kèm theo rác xả ra suối Cam Ly nhiều quá. Nước chảy tới đâu, rác cuốn theo tới đó nên không thể nào mà thoát nổi.
Ngập nước đã đành, dân còn bị ngập rác nữa. Khó chịu vô cùng. Sau trận ngập này, mong bà con đừng biến suối Cam Ly thành chỗ đổ rác công cộng, hậu quả khó lường, người dân ở đoạn cuối con suối gánh hết"
Theo ông Trọng, ngoài cống dẫn nước suối Cam Ly ở đoạn giao với đường Phan Đình Phùng bị hẹp sau khi sửa đường thì cống dẫn nước ở đoạn cắt ngang với đường Tô Ngọc Vân bị hẹp do đang trong quá trình sửa chữa đường cũng góp phần khiến khu vực bị ngập nhanh và sâu.
Khi Tuổi Trẻ Online đến khu vực ngập nặng nhất chiều qua, đường Phan Đình Phùng và Tô Ngọc Vân, thì trời đang mưa mỗi lúc một lớn, tuy chưa nặng hạt như chiều 1-9 nhưng người dân đã lo ngập, không còn tinh thần để buôn bán.
Bà Huỳnh Thị Như (đường Tô Ngọc Vân) nói: "Trận ngập nhanh hồi chiều qua vẫn còn ám ảnh bà con. Có lẽ từ nay về sau, nửa đêm nghe mưa lớn bà con không thể yên tâm ngủ như bao năm qua, phải tập dần thói quen canh ngập, "chạy" ngập".
Ông Võ Ngọc Trình, phó chủ tịch UBND TP Đà Lạt, nhìn nhận việc ngập ở Đà Lạt là ngập cục bộ do mưa cực đoan ở quanh khu vực ngập, việc này diễn ra ở nhiều khu vực và nhiều ngày qua.
Theo ông Trình, việc mưa lớn ở từng địa điểm, cộng với tác động của mưa diện rộng, đã khiến hạ tầng thoát nước của thành phố quá tải trong một thời điểm ngắn dẫn đến ngập úng.
Người dân làm nhiều công trình tạm trên suối Cam Ly cũng khiến khả năng dẫn, thoát nước bị giảm đi - Ảnh: THỌ
Ông Trình cho biết ngoài việc cải thiện lòng suối Cam Ly để hạn chế ngập úng cục bộ thì cần có những biện pháp khác giải quyết các vấn đề liên quan đến mật độ xây dựng bê tông ở nội ô và nhà kính ở nội ô lẫn ngoại ô. Các vấn đề nói trên đều làm tác nhân suy giảm hệ số thấm dẫn đến ngập ở vùng nội thành Đà Lạt.
TTO - Cơn mưa lớn chiều 1-9 đã khiến Đà Lạt xuất hiện nhiều điểm ngập. Mặc dù phạm vi ngập nhỏ, thời gian ngập ngắn nhưng cũng khiến nhiều người "không thể hiểu nổi": Tại sao phố núi lại ngập?