Theo trang tin năng lượng IWR của Đức, tính đến ngày 28/8, mức dự trữ khí đốt tự nhiên của các nước thành viên EU là 79,94%, gần với mục tiêu đạt 80% vào ngày 1/11.
Khi nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga giảm mạnh, châu Âu đang mua thêm khí đốt từ Mỹ bất chấp giá cao, mang lại lợi nhuận chưa từng có cho các nhà cung cấp khí đốt của Mỹ, với mỗi tàu chở LNG đến châu Âu bình quân thu lợi hơn 100 triệu USD.
Châu Âu đang mua thêm khí đốt từ Mỹ bất chấp giá cao. Ảnh: 163.com
LNG của Mỹ tràn vào châu Âu
Tờ Kommersant của Nga ngày 29/8 đưa tin, chênh lệch giá khí đốt hiện tại giữa thị trường châu Âu và châu Mỹ đã đạt mức kỷ lục 10 lần, điều này cho phép các nhà cung cấp Mỹ thu được lợi nhuận chưa từng có và kích thích sự quan tâm của các doanh nghiệp về đầu tư vào LNG.
Dữ liệu của hãng nghiên cứu thị trường S&P Global Platts cho thấy, công suất khai thác các nhà máy LNG của Mỹ vẫn ở mức cao kể từ cuối tháng 6.
Tờ Berlin Zeitung của Đức cho biết, việc mua LNG của Mỹ là cực kỳ đắt đỏ đối với các khách hàng châu Âu ở cuối chuỗi cung ứng, đồng thời mang lại lợi nhuận đáng kinh ngạc cho các nhà cung cấp.
Theo dữ liệu do tờ Business Insider tiết lộ, các công ty Mỹ có thể kiếm được hơn 100 triệu USD lợi nhuận trên mỗi chuyến tàu LNG đến châu Âu.
Chuyên gia năng lượng Laurent Segren nói với phóng viên tờ Business Insider rằng, các doanh nghiệp sẽ chất đầy một con tàu lớn bằng LNG từ Mỹ với giá khoảng 60 triệu USD và mang sang châu Âu, tại đó giá mua tăng vọt lên 275 triệu USD.
Felix Booth - trưởng bộ phận phân tích LNG tại Vortexa - tin rằng, các doanh nghiệp có thể kiếm được hơn 150 triệu USD cho mỗi đơn hàng vận chuyển năng lượng.
Thống kê của Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho thấy, trong tháng 6, lượng khí đốt được vận chuyển từ Mỹ đến châu Âu bằng tàu biển nhiều hơn lượng khí đốt được vận chuyển từ Nga sang châu Âu bằng đường ống.
Giá năng lượng toàn cầu tăng cao đã mang lại lợi nhuận cực kỳ cao cho các công ty năng lượng lớn. Gunvor - một nhà giao dịch lớn có trụ sở tại Thụy Sĩ - đã công bố lợi nhuận kỷ lục trong nửa đầu năm, cũng như tổng thu nhập cao nhất mọi thời đại.
Trong tháng 6/2022, lượng khí đốt được vận chuyển từ Mỹ đến châu Âu bằng tàu biển nhiều hơn lượng khí đốt được vận chuyển từ Nga sang châu Âu bằng đường ống. Ảnh: 163.com
Mỹ là "cứu tinh" nhưng vẫn kiếm nhiều tiền
S&P Global Platts cho biết, vào ngày 26/8, tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan, giá giá khí đốt tự nhiên giao ngay đã tăng lên gần 3.600 USD/nghìn mét khối, đạt mức kỷ lục. Các thương nhân Mỹ có hợp đồng cung cấp dài hạn có thể kiếm được lợi nhuận trung bình là 2.100 USD/nghìn mét khối bằng cách bán trực tiếp LNG tại các cảng xuất khẩu.
Theo S&P Global Platts, nếu điều này tiếp tục, thị trường dự kiến sẽ chứng kiến sự gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng xuất khẩu LNG của Mỹ. Trong khi lạm phát cao và gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19 gây ra khiến việc xây dựng các nhà máy LNG ở Mỹ trở nên đắt đỏ hơn, nhưng một số dự án đã có thể thu hồi vốn trong vòng một năm.
Cục điều tra dân số Mỹ đã báo cáo vào đầu tháng 8 rằng, xuất khẩu LNG của Mỹ đạt 20,4 tỷ USD kể từ đầu năm nay, trong khi con số này chỉ là 13,2 tỷ USD vào cùng kỳ năm 2021.
Một bài báo trên tờ Blick của Thụy Sĩ nhấn mạnh rằng, Mỹ đang là "cứu tinh" nhưng vẫn thu lợi nhuận khổng lồ bằng cách bán khí đốt tự nhiên cho các nước châu Âu. Cho đến nay, thị phần cung cấp LNG của Mỹ cho EU đã tăng từ 20% lên 60%. Các công ty năng lượng khổng lồ như Total của Pháp và các công ty bán buôn như Trafigura và Gunvor của Thụy Sĩ là những người chơi chính trong việc mua và bán khí đốt tự nhiên của Mỹ.
Thị phần cung cấp LNG của Mỹ cho EU đã tăng từ 20% lên 60%. Ảnh: 163.com
Châu Âu sợ đứt gãy nguồn cung
Các công ty năng lượng của Mỹ có thể "ăn nên làm ra" cũng nhờ vào việc châu Âu gần đây mua khí đốt tự nhiên mà không quan tâm đến giá cả.
Trang tin tức Euractiv của Liên minh châu Âu (EU) gần đây đưa tin, theo Ủy ban châu Âu, kể từ tháng 3 khi các nước EU áp đặt các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và tìm cách đa dạng hóa nguồn nhập khẩu khí đốt, xuất khẩu LNG toàn cầu sang châu Âu đã tăng 75% so với cùng kỳ năm ngoái, và hầu hết trong số đó đến từ Mỹ. Vào tháng 3, Washington đã đồng ý sẽ vận chuyển thêm 15 tỷ mét khối LNG cho EU trong năm nay và hiện tại có vẻ như mục tiêu đó sẽ bị vượt qua.
Theo dữ liệu do hãng phân tích dữ liệu tài chính Refinitiv công bố vào cuối tháng 7, tính đến tháng 6, Mỹ đã xuất khẩu khoảng 57 tỷ mét khối LNG, với 39 tỷ mét khối sang châu Âu.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết: "Xuất khẩu LNG của Mỹ sang EU đã tăng gần gấp ba lần".
Kênh truyền hình German TV 1 đưa tin vào tháng 6: "Công ty năng lượng Đức EnBW mua lại LNG của Mỹ". EnBW đã ký một thỏa thuận dài hạn để mua LNG của nhà xuất khẩu Mỹ Venture Global LNG, trở thành một công ty châu Âu khác mua LNG của Mỹ. Theo thỏa thuận, Venture Global LNG sẽ cung cấp cho EnBW 1,5 triệu tấn LNG/năm bắt đầu từ năm 2026.
Rheinland Group - một công ty năng lượng khác của Đức - cũng đã ký một thỏa thuận không ràng buộc vào tháng 5 để mua LNG từ Mỹ.
Đức đã khởi động một số dự án cung cấp LNG, nhưng vẫn chưa có bến nhập khí LNG của riêng mình. Trong khi đó, hoạt động tích trữ khí đốt của EU đang nhanh hơn dự kiến.
Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck mới đây thông báo rằng, tỷ lệ dự trữ khí đốt hiện tại ở Đức đã đạt 83% và mục tiêu ban đầu là 85% trữ lượng khí đốt vào tháng 10 sẽ sớm đạt được.
Nhưng Klaus Mueller - Chủ tịch Cơ quan Mạng lưới Liên bang Đức, cơ quan quản lý năng lượng của nước này - vẫn cảnh báo vào ngày 29/8 rằng, ngay cả khi lượng khí đốt dự trữ của Đức đang tăng trưởng tốt, nó vẫn không đủ để giúp nước này sưởi ấm suốt mùa đông. Lượng dự trữ khí đốt của Đức sẽ chỉ đủ để chạy hệ thống sưởi và các cơ sở công nghiệp trong khoảng 2 đến 2 tháng rưỡi khi nguồn cung từ Nga ngừng hoàn toàn.