Nhà báo Đỗ Đình Tấn
Báo chí (truyền thông truyền thống) đang phải đối mặt với một cuộc chiến "kép".
Một: phải thoát khỏi khủng hoảng tài chính bằng cách đưa ra một mô hình kinh tế mới, cụ thể là tạo được nhiều nguồn thu.
Hai: chống tin giả, khẳng định một nền báo chí dựa trên dữ kiện và là người bảo vệ sự thật, giành lại niềm tin của công chúng.
Thách thức sinh tồn
Mạng xã hội và tiếp theo là fake news (tin giả) đã đẩy truyền thông truyền thống vào cuộc khủng hoảng chưa từng có.
Sự xuất hiện của mạng xã hội với mô hình kinh doanh cho phép hoạt động với chi phí gần như bằng 0 đã khiến nguồn thu quảng cáo của báo chí sụt giảm nghiêm trọng. Nguồn lợi nhuận này được chuyển sang túi của một vài doanh nghiệp công nghệ gọi là GAFAM (Google, Apple, Facebook, Amazon, Microsoft), vốn đã trở thành những thế lực siêu quốc gia.
Ở Mỹ, Google và Facebook đã thâu tóm 70% tổng nguồn thu quảng cáo số và 90% mức tăng trưởng của nguồn thu này.
Khủng hoảng cũng làm thay đổi thang giá trị của thông tin. Thông tin được truy cập nhiều nhất không còn là thông tin có giá trị theo các chuẩn mực của báo chí - chất lượng của thông tin, tầm quan trọng của chủ đề và những tác động tạo ra. Một thông tin có giá trị nay lại tùy thuộc vào số lượng nhấp chuột - vốn xác định khả năng sinh lợi của thông tin đó.
Nhưng vẫn chưa phải là đáng sợ nhất. Tin giả còn nguy hiểm và tàn phá hơn khi đe dọa đến chính "căn cước" của báo chí. Tin giả xóa nhòa ranh giới giữa thật và giả, xóa bỏ sự thật vốn là hòn đá tảng của thông tin báo chí.
Sự thật không còn là đòi hỏi hàng đầu của thông tin mà bị đẩy xuống hàng thứ yếu. Với tin giả, sự thật khách quan dựa trên dữ kiện của báo chí biến thành "sự thật chủ quan, riêng cho mỗi người, và một sự kiện có thể được xem là thật chỉ cần dựa trên những cảm xúc, chẳng cần đếm xỉa đến những dữ kiện khách quan".
Sabrina Tanquerel, giảng viên và nhà nghiên cứu Pháp, báo động: "Sự thật đang trở thành thứ yếu đối với rất nhiều người chúng ta trong việc hình thành các quan điểm của mình. Và thái độ thản nhiên ngày càng tăng này mới là điều đáng lo ngại".
Khi xóa nhòa ranh giới chung/riêng, thật/giả, thay đổi thang giá trị của thông tin và xóa bỏ sự thật, mạng xã hội và fake news càng làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với báo chí.
Theo bảng đo lường niềm tin được Trung tâm nghiên cứu chính trị của Học viện Chính trị Paris - Pháp công bố hằng năm, định chế xã hội này bị nghi ngờ cao nhất, dao động 23 - 30%. Sự nghi ngờ đã trở thành "một trạng thái tinh thần chiếm thế áp đảo".
Liệu báo chí có thể làm gì để thoát khỏi khủng hoảng?
Tìm nguồn tài chính mới
Để tìm nguồn thu mới, các tòa báo đang cố gắng theo đuổi những chiến lược kinh doanh khác nhau tùy theo thực tế ở mỗi nước và lợi thế riêng của mình. Đáng chú ý gần đây là những mô hình tài chính mới:
+ Cung cấp gói phí đọc chung qua dịch vụ di động hay Internet tại nhà. Ở Canada, có ứng dụng Texture với gói phí cho phép độc giả tiếp cận với 200 tạp chí số.
Ở Pháp, SFR - nhà phân phối các dịch vụ điện thoại di động, Internet và truyền hình tại nhà - đưa gói phí đọc báo: chỉ với chưa đến 20 euro, người sử dụng có thể tiếp cận khoảng 60 tờ báo khác nhau.
+ Đổi sản phẩm lấy quảng cáo. La Boutique Voir (Cửa hàng trực tuyến Voir) của tờ báo Voir, được Công ty XPNP Capital của Alexandre Taillefer mua lại vào năm 2015. Các doanh nghiệp địa phương muốn mua quảng cáo trên báo Voir có thể trả bằng sản phẩm thông qua phiếu mua hàng. Tờ báo bán phiếu mua hàng cho khách hàng của mình để thu tiền.
+ Buộc các công ty công nghệ trả tiền cho tin tức. Mở đầu là ở Pháp vào năm 2019, các doanh nghiệp báo chí và chính phủ đã cùng vào cuộc.
Đây thật sự là "cuộc chiến" ác liệt và giằng co. Các ông lớn công nghệ buộc phải chia sẻ lợi nhuận từ quảng cáo bằng cách trả tiền cho tin tức báo chí. Úc là nước đang đi đầu với việc đưa ra một dự luật liên quan đến vấn đề này.
+ Tìm kiếm sự trợ giúp của nhà nước. Ở Canada, "Liên minh vì sự bền vững của báo chí thông tin" được thành lập vào tháng 9-2018 để xúc tiến việc này. Liên minh cho rằng báo chí là một ngoại lệ văn hóa, "có ý nghĩa sống còn để cứu lấy sự đa dạng thông tin, làm giàu nội dung cho các cuộc tranh luận của công chúng và hỗ trợ các cộng đồng gắn bó với tờ báo".
Số tiền tài trợ của nhà nước cho các tờ báo ở Québec hiện trung bình là 3 USD/đầu người/năm, so với Anh là 18 USD, Pháp là 30 USD, còn Na Uy là 57 USD, Phần Lan là 92 USD. Thế nhưng, Diễn đàn các chính sách công (FPP) đã có nhiều tiếng nói lo ngại báo chí đánh mất sự độc lập. Éric Trottier, phó tổng biên tập báo số La Presse, khẳng định: "Tờ báo chỉ phải nghe lời lợi ích của công chúng".
Báo chí dữ kiện - Tham chiếu sự thật
Nhiều tờ báo lớn, viện nghiên cứu và trường đại học cũng như nhiều nhà báo đã lao vào việc kiểm tra thông tin (tức kiểm tra dữ kiện - fact checking) với ý muốn xác lập một nền báo chí dựa trên dữ kiện.
Theo Reporters’Lab năm 2019 của Đại học Duke, trên thế giới có khoảng 188 tổ chức ở 60 quốc gia đang hoạt động tích cực để kiểm tra tin giả của các chính trị gia và mạng xã hội, tăng gấp bốn lần so với 44 tổ chức vào năm 2014.
Tại Pháp, báo Le Monde đã sớm thành lập Décodeurs (Những người giải mã) huy động hàng chục nhà báo am hiểu đa lĩnh vực vào cuộc với mục đích kiểm tra các dữ kiện thuộc nhiều chủ đề đa dạng và lĩnh vực, không chỉ chính trị, y tế và sức khỏe mà cả các trang web và Facebook vốn là nguồn lây lan ồ ạt của thông tin giả.
Năm 2017, Décodeurs còn lập ra Décodex (Giải mã) - một công cụ giúp độc giả tự kiểm tra và đánh giá tính xác thực của các thông tin mà họ tiếp nhận. Décodex gồm những hướng dẫn cụ thể, như: Đánh giá độ tin cậy của một trang web như thế nào?
Kiểm tra tin đồn trên mạng xã hội ra sao? Cách đọc kết quả một cuộc thăm dò dư luận? Làm sao kiểm tra hình ảnh và video clip trên mạng xã hội? Làm thế nào để nhận biết thuyết âm mưu?...
Tuy nhiên những nỗ lực này không chỉ khó mà còn phức tạp vì nhiều lẽ.
Một: do áp lực tài chính và tốc độ truyền tải thông tin, để tồn tại, nhiều tờ báo, cơ quan truyền thông đã phải chạy theo cách làm của truyền thông trực tuyến khi đăng tải tin tức chưa được kiểm chứng, không được xác minh và cả tin giả "để trục lợi".
Như Craig Silverman, nhà báo tiên phong trong điều tra tin giả, báo động: "Tin tức loại này tạo ra được lưu thông và tương tác trên môi trường trực tuyến, và nhờ vậy, đem về nguồn thu cho họ từ quảng cáo". Nhiều tờ báo còn thản nhiên "đăng trước, sửa sau".
Hai: fake news được sử dụng như một công cụ chính trị.
Báo chí đang "ở thế thua" hay "đang thua" như nhiều ý kiến lo ngại? Chưa thể nói gì lúc này về kết cục của cuộc chiến "kép" mà báo chí đang phải đối mặt.
Nguy cơ luôn có, nhưng thời cơ cũng vẫn luôn ở đó. Khi Internet xuất hiện, các doanh nghiệp báo chí đã bỏ lỡ cơ hội do cung cách quản lý quá thận trọng và rụt rè đến bảo thủ, dẫn đến chậm thích ứng với bàn cờ công nghệ mới. Khủng hoảng do mạng xã hội và tin giả đang tạo ra là nghiêm trọng bởi nếu báo chí mất tấm "căn cước sự thật" thì sẽ mất cả.
Và Tuổi Trẻ của tôi, đừng để vuột mất thời cơ của mình.
Trong bối cảnh chung trên, nỗ lực kiểm tra dữ kiện và tham chiếu sự thật chính là cách truyền thông truyền thống "tiêm vắc xin" cho người đọc để họ tự chống lại các thông tin giả. Nỗ lực này là để khẳng định mình: một nền báo chí dựa trên dữ kiện, một địa chỉ truy cập đáng tin cậy để tìm sự thật trước cảnh hỗn loạn thông tin.
TTO - Vấn đề tin giả hiện đang được chú ý không chỉ bởi các hệ lụy khiến giới truyền thông hứng chịu trực tiếp, mà dường như cả xã hội cũng cảm nhận mình đang ít nhiều bị tin giả 'dắt mũi'.
Xem thêm: mth.94532605120902202-taht-us-couc-nac-mat-auc-oc-ioht/nv.ertiout