Việc giữ CCCD của khách hàng bị xem xét là vi phạm pháp luật nhưng thực tế vẫn có trường hợp các khách sạn, nhà nghỉ cho rằng đó là cách để đảm bảo an toàn trong việc kinh doanh.
Lâu nay, các cơ sở kinh doanh lưu trú, khách sạn thường giữ CCCD của khách và sẽ trả lại sau khi tiền phòng đã được thanh toán.
Việc này có thể đã bị các cơ sở kinh doanh lưu trú hiểu sai từ quy định các cơ sở kinh doanh lưu trú phải kiểm tra các giấy tờ tùy thân khi có khách đến.
Pháp luật không yêu cầu giữ CCCD của khách
Khi được hỏi về vấn đề này, anh TQH, chủ khách sạn CL (TP.HCM), cho biết việc giữ lại CCCD của khách là vì quy định các khách sạn, nhà nghỉ phải cung cấp được thông tin khách hàng đang cư trú. Khi lực lượng chức năng đến kiểm tra nhưng chủ cơ sở khách sạn không xuất trình được thông tin thì có thể bị phạt. Anh Hùng chia sẻ: “Nói là giữ CCCD của khách nhưng khi khách yêu cầu thì chúng tôi vẫn trả cho họ. Nhưng nếu chẳng may lúc đó lực lượng chức năng đến kiểm tra thì chúng tôi lấy gì để cung cấp?”.
Quy định được anh Hùng nhắc đến là quy định Nghị định 96/2016. Tuy nhiên, Điều 44 Nghị định 96/2016 nêu trách nhiệm của cơ sở lưu trú như sau: Kiểm tra giấy tờ tùy thân của khách lưu trú (là một trong các giấy tờ Giấy chứng minh nhân dân; Căn cước công dân…); Ghi đầy đủ thông tin của khách lưu trú vào sổ quản lý (hoặc nhập đầy đủ thông tin vào máy tính) trước khi cho khách vào phòng nghỉ.
Như vậy, quy định pháp luật yêu cầu kiểm tra giấy tờ tùy thân, ghi đầy đủ thông tin của khách hàng đã bị một số cơ sở lưu trú hiểu nhầm thành việc giữ CMND, CCCD…
Giữ CCCD để tránh bị “bùng” tiền phòng
Chị Trần Thị Tuyết Mai, quản lý khách sạn Nam Anh (TP.HCM), đồng tình với điều đó. Theo chị Mai, các thông tin trên CCCD đã được nhập vào máy tính khi giao phòng cho khách. Tuy nhiên, chị Mai cho rằng việc nhập vào máy hay viết lại rất rườm rà, chẳng may những lúc khách đông, nếu có sai sót trong việc ghi lại thông tin thì rất ảnh hưởng về sau.
Vấn đề được chị Mai quan tâm hơn là việc không giữ CCCD của khách có thể dẫn đến chuyện khách “bùng” tiền phòng. “Việc thì nhiều, chẳng may khách bỏ đi mà không để ý là mất tiền rồi nhân viên của ca trực lại phải đền bù phần đó” – chị Mai chia sẻ.
Chị cho rằng chỉ có thể chắc chắn không giữ CCCD cho khách nếu như khách thanh toán tiền phòng.
Trên thực tế, theo Luật Căn cước công dân 2014, việc giữ lại CCCD của cá nhân chỉ thuộc thẩm quyền của các cơ quan chức năng. Theo điều 7 Luật Căn cước công dân 2014, việc thu hồi, tạm giữ thẻ CCCD trái quy định là hành vi bị nghiêm cấm.
Không giữ CCCD của khách nếu đã đặt cọc
Thực tế cho thấy việc các khách sạn giữ lại CCCD của khách hàng là sai quy định nhưng các chủ khách sạn sẽ cảm thấy an toàn hơn khi chẳng may gặp những vị khách “bùng” tiền.
“Rõ ràng như vậy! Nếu như không có CCCD mà chỉ ghi lại thông tin thì lúc xảy ra sự cố hay bị mất cắp, các khách sạn phải trình báo như thế nào?”, chị Ngô Thị Ngọc Thư, quản lý khu nghỉ dưỡng Vaniza (Phú Quốc), trả lời phóng viên khi được hỏi về lý do giữ lại CCCD của khách hàng. Theo chị, việc giữ CCCD của khách là sai quy định. Tuy vậy, vẫn có nhiều cách khác để tránh việc khách “bùng” tiền mà không cần giữ CCCD của khách.
Chị Thư cho biết khu nghỉ dưỡng mà chị làm việc thường yêu cầu khách phải cọc trước một phần tiền trước khi nhận phòng. “Cách này có thể hiệu quả ở những khu nghỉ dưỡng hoặc khách sạn lớn. Đối với những khách sạn bình dân, mỗi đêm chỉ khoảng 200 – 300 ngàn đồng thì cũng khó khi yêu cầu khách đặt cọc” – chị Thư nhận xét. Tuy vậy, đây có thể là một cách làm hiệu quả để tránh việc “mất cả chì lẫn chài” khi khách “bùng” tiền phòng khách sạn.