"Khi làm ra được mặt nạ để các cháu đeo thì mình vui và hạnh phúc lắm", cô Lan tâm sự - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
Len lỏi trong con ngõ nhỏ chỉ vừa một người đi, trèo qua từng bậc thang cao chót vót ở phố Hàng Than (Hà Nội), chúng tôi đến được "xưởng" làm mặt nạ giấy bồi của vợ chồng cô Đặng Hương Lan (63 tuổi) và chú Nguyễn Văn Hòa (69 tuổi).
Ngồi lọt thỏm trong từng chồng mặt nạ đủ loại hình thù, kích thước, cô Lan chầm chậm kể cô đang vẽ mặt cho Thị Nở - nhân vật trong truyện ngắn của nhà văn Nam Cao. Kế bên cô, chú Hòa đang tỉ mẩn tô vẽ "anh Chí".
"Mình phải chăm chú vẽ, cẩn thận từng đường nét thì mới có hồn. Mặt nạ mới khôn. Nét nào ra nét đấy, phải rõ, đậm nét. Pha sơn cũng thế, màu phải tươi, đa sắc màu, hài hòa mới đẹp, trẻ con mới thích", vừa nói xong, cô Lan lại cặm cụi vẽ.
"Thổi hồn" cho mặt nạ gần như là bước cuối cùng trước khi phơi khô để gia đình cô Lan đóng thành từng túi đem ra chợ Hàng Lược bán dịp Tết Trung thu.
Nguyên tắc vẽ mặt nạ chỉ một lớp. Sơn xong thì đem phơi khô, tuyệt đối không vẽ đè lên, tránh lem màu - Ảnh: HÀ QUÂN
Nhìn thì dễ nhưng làm mặt nạ giấy bồi đòi hỏi lắm công phu. Đầu tiên, nghệ nhân phải chọn bột sắn củ, rồi nấu với nước đến khi thành hỗn hợp gọi là "hồ" ngả vàng, có mùi thơm.
Sau đó, giấy sẽ được xếp vào khuôn đá từ thời xưa. Theo thói quen, người nghệ nhân gấp mép 4-5 lớp giấy nhám, giấy xước để thành hình. Sau một hồi, cô Lan lấy từ trong khuôn một cái cốt mặt nạ trắng, cứ thế đem phơi từ sáng tới tối. Nhưng phải mất khoảng 8 tháng để có đủ số cốt nhằm chuyển sang công đoạn vẽ tay.
Tuy vậy, nghề làm giấy bồi của vợ chồng cô Lan gặp nhiều chông gai. Nghe cô kể, cách đây 50 năm, chợ Hàng Mã có 3-4 chủ làm mặt nạ nhưng sau nghỉ hết, còn sót lại nhà cô. "Bán ít hàng hơn nhưng vì yêu nghề, đam mê, cái duyên cái nghiệp nữa nên vẫn làm đến hôm nay", cô Lan cười nói.
Biết gia đình làm mặt nạ giấy bồi truyền thống, người dân xung quanh và người thân thường gửi giấy vở học sinh không còn dùng nữa để cô Lan, chú Hòa biến hóa thành các sản phẩm thú vị.
Để phù hợp thị yếu sau này, gia đình cải tiến mẫu mã mới như hacker hay Người Nhện… nhưng các mẫu mặt nạ truyền thống con trâu, con thỏ vẫn được yêu thích hơn cả. Giá mặt nạ dao động từ 30.000 đến 45.000 đồng/chiếc, tùy vào từng loại, kích cỡ, màu sắc.
Hiện, gia đình đã tìm được một bạn trẻ có đam mê, nhanh nhẹn, cẩn thận để truyền nghề. "Làm nghề này phải có tâm, làm chất lượng. Nếu chạy theo số lượng, muốn bán thật nhanh, thật nhiều thì danh tiếng bao nhiêu năm gây dựng nghề mất hết. Mong muốn của mình là mang mặt nạ đến mọi tầng lớp nhân dân, các cháu biết đến mặt nạ truyền thống của ông cha ta để lại. Mình luôn luôn làm có trách nhiệm để giữ lại nét văn hóa truyền thống của người Việt", cô Lan nói.
Vợ chồng cô Lan vẽ mặt nạ giấy bồi - Ảnh: HÀ QUÂN
Để hoàn thành mỗi chiếc mặt nạ là cả sự kỳ công, tỉ mỉ của nghệ nhân - Ảnh: HÀ QUÂN
Gần 30 chiếc khuôn lớn nhỏ, khác nhau có tuổi đời 30-45 năm được làm hoàn toàn thủ công - Ảnh: LÊ HUY
Sau mỗi lớp sơn, mặt nạ phải phơi khô rồi mới được vẽ lớp khác để tránh bị nhòe - Ảnh: HÀ QUÂN
Hiện, gia đình cô Lan có khoảng 30 mẫu mặt nạ giấy bồi từ truyền thống đến hiện đại - Ảnh: NGUYỄN HIỀN
TTO - Đông như 'trẩy hội' là không khí tại phố Hàng Mã, Hà Nội dịp lễ 2-9, đây cũng là lúc người dân, du khách thập phương về đây đón Trung thu sớm.