Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp vừa công bố kế hoạch Phát triển ngành cá tra của tỉnh đến năm 2025 với chỉ tiêu đến năm 2025 kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt gần 100 triệu USD.
Theo đó tỉnh đặt ra mục tiêu phát triển ngành hàng cá tra bền vững, hiện đại dựa trên việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và quản lý; tạo ra khối lượng sản phẩm hàng hóa lớn, có giá trị cao, đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và an toàn thực phẩm của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Cùng với đó, chỉ tiêu đến năm 2025 diện tích nuôi cá tra trên toàn tỉnh là 2.450 ha với sản lượng 555.000 tấn, tương đương giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 9.046,5 tỷ đồng, chiếm 17,2% cơ cấu giá trị ngành nông, lâm, thuỷ sản. Hướng tới giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 980 triệu USD.
Trong kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp cũng đề ra chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% cơ sở nuôi cá tra được số hóa mã nhận diện theo quy định; 100% cơ sở nuôi cá tra thương phẩm được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hoặc ký cam kết sản xuất thực phẩm an toàn theo quy định.
Đồng thời, hướng tới 50% diện tích nuôi cá tra thương phẩm áp dụng và được chứng nhận tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt GAP và 90% diện tích hộ cá thể nuôi cá tra tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ.
Về chất lượng cá tra giống, tỉnh phấn đấu trên 75% con giống phục vụ nuôi thương phẩm là con giống chất lượng cao; đảm bảo 60% các cơ sở sinh sản cá tra bột phải sử dụng đàn cá cải thiện di truyền.
Vấn đề môi trường cũng được tỉnh Đồng Tháp giám sát chặt trẽ với mục tiêu đến năm 2025 có 60% diện tích vùng nuôi hệ thống xử lý nước thải, bùn thải theo quy định; 100% nguồn nước cấp trên dòng sông chính được quan trắc thường xuyên theo quy định.
Song song với đó, hướng tới trên 85 - 90% cơ sở nuôi nuôi cá tra cung ứng nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu. Trong đó trên 90% số lượng cơ sở chế biến cá tra xuất khẩu đạt được chứng nhận HACCP, ISO 2200 (hoặc tương đương). Phấn đấu đạt mục tiêu chung của ngành cá tra là chiếm 10 - 15% thị phần tiêu thụ nội địa trên tổng sản lượng.
Kế hoạch dự kiến với tổng kinh phí hơn 4,5 tỷ đồng, nguồn kinh phí chủ yếu lấy từ nguồn kinh phí thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp được phân bổ hàng năm; vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án; nguồn vốn xã hội hoá của các tổ chức, cá nhân và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác.
Ngoài ra, trong Kế hoạch, tỉnh Đồng Tháp cũng nhấn mạnh nhiệm vụ tuyên truyền văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sản xuất và chế biến xuất khẩu cá tra nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường của các nước nhập khẩu.