Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, dự kiến tháng 8/2022, Việt Nam xuất khẩu được 16.500 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 66 triệu USD. Lũy tiến 8 tháng, Việt Nam xuất khẩu được 162.000 tấn, kim ngạch đạt 739 triệu USD, so cùng kỳ lượng xuất khẩu giảm 19% nhưng kim ngạch tăng 11,1%.
Cũng theo Hiệp hội này, hồ tiêu Việt Nam đang bị mất thị phần do các thị trường Brazil và Indonesia chào giá cạnh tranh hơn và cước phí cũng rẻ hơn so với Việt Nam.
Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp xuất khẩu sang Ai Cập và Pakistan cũng gặp khó khăn khi hàng đã vào bãi nhưng bị "treo" vài tháng và chưa biết khi nào mới được thanh toán, trong khi vẫn phải chịu phí lưu container.
Ngoài ra, việc các doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng là rào cản lớn cho phát triển xuất khẩu.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam đã đề xuất các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ ngành hồ tiêu xúc tiến thương mại, phát triển xuất nhập khẩu với thị trường nước ngoài. Cụ thể, đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài hỗ trợ kiểm tra thông tin doanh nghiệp cũng như ngân hàng có ngoại tệ để thanh toán hay không; đề nghị hải quan nước bạn hỗ trợ trong trường hợp cần thiết vì quy định hàng quá 3 tháng có thể sẽ bị đấu giá.
Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết đã xây dựng đề án truyền thông quốc tế phát triển thị trường bền vững ngành hồ tiêu và gia vị Việt Nam giai đoạn 2022-2025 tại Hoa Kỳ, EU và Trung Đông. Theo đó, sẽ giới thiệu về ngành công nghiệp chế biến hồ tiêu và gia vị Việt Nam trên các tạp chí chuyên ngành tại các thị trường mục tiêu; xây dựng hình ảnh ngành gia vị Việt Nam để sử dụng trên các kênh truyền thông số, mạng xã hội quốc tế….
Còn nhiều khó khăn
Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, vẫn còn nhiều yếu tố ảnh hưởng lên giá hạt tiêu trong nửa cuối năm 2022. Theo đó, nguồn cung từ Brazil đạt sản lượng tốt, trong khi nhu cầu tiêu thụ toàn cầu bị chậm lại theo chu kỳ hàng năm. Căng thẳng chính trị tại Đông Âu khiến giá năng lượng và lạm phát ở mức cao, người dân có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, áp lực lên giá càng gia tăng.
Mặt khác, dù Sri Lanka đang bị vỡ nợ, gặp nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nhưng Sri Lanka sẽ đẩy mạnh xuất khẩu tiêu kể cả lượng hàng tồn, và giá thành có thể cạnh tranh hơn các nước khác. Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chính sách “zero Covid” sẽ khiến nhu cầu chưa đạt mức như kỳ vọng, và giá khó tăng khi sức mua của Trung Quốc vẫn ở mức thấp, dù nhập khẩu của họ đã tăng trở lại trong tháng 6, nhưng đó có thể là lượng hàng có sẵn ở cửa khẩu. Tình trạng tắc nghẽn cảng ở châu Âu là vấn đề chính dẫn đến sự trì hoãn các lịch trình vận tải. Thiếu chỗ và container vẫn còn căng thẳng, đặc biệt các nước xuất khẩu ở Đông Nam Á.
Trước những khó khăn trong xuất khẩu 6 tháng năm 2022, để đẩy mạnh xuất khẩu hồ tiêu bền vững, theo các chuyên gia, việc đảm bảo không còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong các sản phẩm hồ tiêu xuất khẩu rất quan trọng. Ngay cả Trung Quốc - thị trường nhập khẩu quan trọng của tiêu Việt Nam - cũng có những đòi hỏi ngày càng khắt khe về chất lượng thực phẩm. Do đó, sản xuất bền vững ngành hồ tiêu là một nhiệm vụ tất yếu quan trọng.
Hương Anh (tổng hợp)