Dữ liệu từ chính phủ Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với tổng mức tiêu thụ trực tuyến đạt 6,1 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Đại dịch là cú hích cho ngành thương mại điện tử, nhưng động lực này đã dần suy yếu.
Quý II/2022 là thời điểm Covid-19 bùng phát trở lại ở Trung Quốc, dẫn đến việc đóng cửa các thành phố lớn trên khắp đất nước, bao gồm cả Thượng Hải. Việc này đã làm gián đoạn khâu vận chuyển và sản xuất xuất khẩu ở Trung Quốc, gây cản trở chuỗi cung ứng ở hầu khắp thế giới, từ đó làm tăng lạm phát và lo ngại về suy thoái kinh tế.
Alibaba đã công bố mức sụt giảm doanh thu 0,1% xuống còn 30,4 tỷ USD trong quý II/2022, lần sụt giảm đầu tiên kể từ khi công ty niêm yết năm 2014, chủ yếu do doanh thu thương mại trực tuyến (mảng kinh doanh thương mại cốt lõi của tập đoàn này ở Trung Quốc) giảm 1%.
Trong khi đó, JD.com, đối thủ của Alibaba, đã ghi nhận mức tăng doanh thu chậm nhất, 5,4% (lên 40 tỷ USD), trong quý II kể từ khi công ty được niêm yết vào năm 2014.
Một ngoại lệ là Pinduoduo Inc., một công ty chuyên bán các mặt hàng giảm giá được người tiêu dùng ưa chuộng. Doanh thu của Pinduoduo tăng 36% do người tiêu dùng có xu hướng tìm kiếm những mặt hàng giá rẻ trong bối cảnh nền kinh tế đang suy thoái.
Trong quý II, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 2 năm qua (0,4%). Sự suy thoái bất động sản gần đây đang làm giảm niềm tin của người Trung Quốc vào nền kinh tế. Họ đang phải vật lộn với việc tiền lương tăng chậm lại, tỉ lệ thất nghiệp gia tăng và lạm phát cao.
Lo sợ giãn cách kéo dài
Người tiêu dùng Trung Quốc hiện đang chi tiêu ít hơn bình thường vì họ không thể đi ra ngoài trong thời gian giãn cách, hoặc họ sợ không còn thu nhập vì bị mất việc làm, theo bà Alicia Garcia-Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của ngân hàng Natixis (ngân hàng Pháp có trụ sở tại Hồng Kông).
Nhiều nhà kinh tế dự đoán chi tiêu của người tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm vì Trung Quốc chủ yếu tập trung vào chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc gia này chưa từ bỏ chính sách zero-Covid.
“Gia đình tôi đang tiết kiệm nhiều hơn và tích trữ lương thực để đề phòng bất trắc”, ông Ma Enbiao, chủ một cơ sở kinh doanh các thiết bị gia dụng thông minh và máy ảnh ở Thượng Hải, cho biết. Theo ông Ma, năm nay gia đình ông không mua sắm bất kỳ thiết bị điện gia dụng nào và hiếm khi đi ăn nhà hàng.
Việc người tiêu dùng tích trữ để chuẩn bị cho những đợt giãn cách trong tương lai khiến doanh thu thực phẩm và đồ gia dụng trực tuyến tăng trưởng vượt trội so với hàng may mặc, theo dữ liệu quốc gia Trung Quốc.
Doanh số các mặt hàng thời trang và phụ kiện trên các cửa hàng trực tuyến của Alibaba đã bị ảnh hưởng nặng nề trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Trong khi đó, nhu cầu đối với các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, chăm sóc thú cưng và các hoạt động ngoài trời cũng tăng cao.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, doanh số bán các thiết bị cắm trại thông qua video trực tiếp trên trang Tmall của Alibaba đã tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái. JD.com cũng ghi nhận mức tăng trưởng 2 con số về tiêu thụ đồ thể dục và sức khỏe trong quý II.
Dữ liệu của chính phủ Trung Quốc cho thấy, doanh số bán thiết bị gia dụng, bao gồm TV, tủ lạnh và máy điều hòa không khí đã giảm 11% trong nửa đầu năm nay so với một năm trước đó.
Cả Alibaba và JD.com đều đang cố gắng cắt giảm chi tiêu và giảm số lượng nhân viên để tăng doanh số trong thời gian tới.
Công ty nghiên cứu Insider Intelligence dự báo, doanh số thương mại điện tử ở Trung Quốc sẽ tăng 9,1% vào năm 2022, mức tăng thấp nhất kể từ năm 2008 và chậm hơn so với mức tăng trưởng 9,4% ước tính của Mỹ.
Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Trung Quốc có thể sẽ còn chậm lại khi quốc gia này nới lỏng các chính sách kiểm soát Covid, và người tiêu dùng trở lại mua sắm ở các cửa hàng truyền thống, Karl Shen, trưởng nhóm nghiên cứu doanh nghiệp Trung Quốc tại tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings, cho biết.
Nguyễn Tuyết (Theo WSJ, CNBC, VOA News)