Tên lửa SLS đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt trăng cho sứ mệnh Artemis 1 - Ảnh: REUTERS
Ngày 3-9 (giờ Mỹ), Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phải tạm hoãn phóng tên lửa SLS đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt trăng trong sứ mệnh Artemis 1, do sự rò rỉ hydro lỏng của 1 trong 4 động cơ tên lửa đẩy thế hệ mới Space Launch System (SLS).
Sự cố này chỉ được phát hiện 3 tiếng trước thời điểm dự kiến phóng, bắt đầu lúc 1h17 ngày 4-9 (theo giờ Việt Nam) tại bãi phóng 39B thuộc Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida.
Đây là lần thứ hai trong vòng 5 ngày NASA phải tạm hoãn vụ phóng tàu vũ trụ lên thăm "chị Hằng".
Theo báo Wall Street Journal (WSJ), trong khi các công ty tư nhân cạnh tranh và giảm được chi phí trong việc phóng tên lửa lên vũ trụ, NASA lại cố gắng sử dụng các tên lửa tân trang đắt tiền từ chương trình tàu con thoi cũ kỹ trước đây để lên Mặt trăng.
NASA quyết định tân trang lại động cơ RS-25 của tên lửa SLS và sử dụng như một biện pháp tiết kiệm chi phí. Đây là động cơ còn sót lại từ chương trình tàu con thoi.
Việc chế tạo một phương tiện phóng mới với công nghệ lỗi thời là cách tiếp cận của NASA đối với chương trình lên Mặt trăng lần này.
Tên lửa phóng SLS được NASA phát triển để thay thế tên lửa phóng Ares I và Ares V thuộc chương trình Constellation bị hủy bỏ. Chương trình Constellation có từ thời cựu tổng thống George W. Bush nhằm quay trở lại Mặt trăng, nhưng sau đó bị hủy vào năm 2010 dưới thời cựu tổng thống Barack Obama.
Toàn cảnh khu vực bệ phóng tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion trên đỉnh bệ phóng di động tại Launch Pad 39B ngày 28-8 tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy của NASA ở Florida - Ảnh: NASA
SLS được cho là giúp tiết kiệm chi phí vì sử dụng cùng một công nghệ hàng không vũ trụ đã có trong hợp đồng thực hiện chương trình Constellation.
Tuy nhiên, tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion được phát triển bằng công nghệ cũ và quy trình mua sắm mới cộng thêm chi phí truyền thống của NASA (trong đó các nhà thầu được trả tiền cho những thay đổi thiết kế) đã làm đội chi phí thiết kế SLS lên vượt mức.
Trong cuốn sách mới Thoát khỏi trọng lực, bà Lori Garver, cựu quan chức NASA, cho biết NASA đã phải trả cho công ty sản xuất Aerojet Rocketdyne hàng tỉ USD để tân trang lại các động cơ lỗi thời RS-25.
Không có gì ngạc nhiên khi những người Mỹ cho đến nay đã đầu tư gần 30 tỉ USD vào sứ mệnh Mặt trăng Artemis trước khi ra mắt lần đầu tiên: 12 tỉ USD cho chiếc tên lửa SLS đầu tiên (hiện đến lần 2 vẫn chưa phóng được), 14 tỉ USD cho hai khoang phi hành đoàn Orion và 3,6 tỉ USD cho cơ sở phóng SLS mới tại Cape Canaveral.
Giả sử vụ phóng tên lửa SLS không người lái đầu tiên thành công, NASA sẽ phải chi thêm ít nhất 4 tỉ USD để sản xuất SLS thứ hai cho chuyến bay thử nghiệm đầu tiên có phi hành đoàn.
Và để cố gắng hạ cánh lên Mặt trăng, một tên lửa SLS thứ ba sẽ phải được chế tạo mới, cùng với tàu vũ trụ Orion mới thứ ba. Vì tất cả 3 lần phóng cho sứ mệnh Artemis, tên lửa SLS và tàu vũ trụ Orion đều không được thiết kế để tái sử dụng.
Đây sẽ là một "chiến thắng" cho các nhà thầu hàng không vũ trụ truyền thống của NASA, nhưng sẽ là một tổn thất cho những người Mỹ phải nộp thuế, báo WSJ nhận định.
Đưa tàu vũ trụ lên Mặt trăng có thể hoãn đến năm 2023?
Theo Đài CNN, nỗ lực phóng tên lửa SLS đưa tàu vũ trụ Orion lên Mặt trăng thuộc sứ mệnh Artemis 1, có thể không diễn ra cho đến cuối năm 2022, theo thông tin cập nhật từ NASA.
Ông Jim Free, phó giám đốc Cơ quan Phát triển hệ thống thăm dò của NASA, cho biết tên lửa phóng SLS và tàu vũ trụ Orion phải quay trở lại tòa nhà lắp ráp để sửa chữa.
Trong khi đó, Giám đốc NASA Bill Nelson nói: "Chúng tôi chỉ phóng tên lửa SLS khi đã hoàn hảo. NASA luôn đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu".
Sứ mệnh Artemis I chỉ là sự khởi đầu của một chương trình nhằm mục đích đưa con người trở lại Mặt trăng. Ông Nelson cho biết các vấn đề trục trặc trong hai lần kiểm tra đầu tiên sẽ không gây ra bất kỳ sự chậm trễ nào cho toàn bộ sứ mệnh Artemis trong tương lai.
Được biết, sứ mệnh Artemis gồm 3 giai đoạn: Sứ mệnh Artemis 1 dự kiến phóng trong năm 2022, không có phi hành đoàn và tàu vũ trụ Orion chỉ quay quanh Mặt trăng để nghiên cứu. Sứ mệnh Artemis 2, dự kiến phóng năm 2023, có phi hành đoàn và vẫn chỉ quay quanh Mặt trăng. Sứ mệnh Artermis 3, dự kiến phóng năm 2024, có phi hành đoàn và tàu vũ trụ Orion chính thức đáp xuống Mặt trăng.
TTO - Ngày 3-9, lần thứ hai chỉ trong vòng 5 ngày, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) hoãn phóng tên lửa khổng lồ thế hệ mới với sứ mệnh thăm dò lên Mặt trăng.