'Đại công trường' vàng trái phép trong rừng
Vất vả từ tờ mờ sáng đến 8 giờ ngày 4-9, chúng tôi đến được làng tái định cư thôn 3 (xã Phước Thành, huyện Phước Sơn). Đi đường bê tông bên trái làng gặp ngay con suối. Chiều tối qua và sáng nay trời không mưa nhưng nước đục ngầu, chúng tôi nhận định phía sâu trong rừng có khai thác vàng.
Hai bên suối có 2 lối mòn ngược lên rừng. Trước đó để đến được nơi này an toàn, PV đóng vai người đi rừng để lọt qua 'tai mắt' dọc đường. Và để xác định chính xác vị trí làm vàng và chọn thời điểm xâm nhập để “bắt quả tang” cũng phải kỳ công.
Lối mòn dọc suối ngược lên rừng sâu hiểm trở. Vừa đi vừa nghỉ hơn 1 tiếng, chúng tôi nghe tiếng máy nổ. Có 2 thanh niên từ trong đi ra hỏi thăm 'khách lạ'. Hai bên đường có nhiều cây rừng bị đốn hạ, cưa xẻ. Có những cây với đường kính 70cm, dài 20-30m bị hạ, cưa xẻ lấy gỗ tấm… Nhiều cây gỗ cũng bị đốn hạ từ nhiều năm trước.
Gỗ bị triệt hạ phần do người dân địa phương, phần do “lâm tặc” khai thác và phần phục vụ khai thác vàng: lấy cây, ván xẻ để chống đỡ, gia cố hầm vàng, dựng lán trại, che chắn các máy móc lọc đãi vàng. Khu vực này do BQL rừng phòng hộ Phước Sơn phụ trách.
Giữa rừng, bên suối lớn là 'đại công trường' khai thác vàng với nhiều lán trại nằm san sát nhau cùng hàng chục máy móc, thiết bị, vật tư… Phải tốn công sức và nhiều tỷ đồng mới đưa được máy móc, thiết bị, vật tư này vào. Việc tuyển chọn và thuê nhân công cũng rất kỹ để đưa vào rừng làm vàng.
Hàng chục người làm nhộn nhịp. Tiếng máy nổ, máy xay đất đá, lọc đãi vàng ầm ầm nhức tai. Rừng xanh không yên bình, tiếng chim hót thưa dần...
Sau khi ghi nhận ở vòng ngoài, lúc vào trong, chúng tôi chủ động tiếp cận. Mọi người khá bất ngờ trước sự xuất hiện của 'khách'. Thấy PV tác nghiệp mạnh dạn, người quản lý chạy ra bế ngang hông đồng nghiệp, dẫn vào lán trại và nói: “Mời các anh vào uống nước, nói chuyện”.
"Bọn em cũng chỉ làm thuê..."
Chúng tôi muốn tham quan khu vực nhưng bị từ chối. Nhưng bằng một số bài 'nghiệp vụ', cuối cùng một người miễn cưỡng dẫn đi, tay cầm con dao dài khoảng 40cm. Máy móc vẫn ầm ầm, các phu vàng vừa say sưa làm việc vừa trố mắt nhìn chúng tôi.
Rời bãi 8, chúng tôi trở ra ngoài. Người quản lý đi theo. Vừa đi, người này trình bày hoàn cảnh và mong được 'bỏ qua'. Chúng tôi lại leo lên núi cao ở bãi 699, cách đường bê tông khoảng 300m đường chim bay. Nhiều héc-ta đất rừng bị đào bới nham nhở, sạt lở nhiều.
Gần chục lán trại nằm chênh vênh bên những vách núi, xung quanh nhan nhản hầm hố cùng nhiều máy móc, thiết bị. Một số hầm được gia cố gỗ rừng và đi sâu vào núi như địa đạo.
Do trưa, nắng và lúc chúng tôi vào bãi 8 đã chạm mặt phu vàng nên việc khai thác vàng ở bãi 699 tạm dừng từ khoảng 1-2 giờ trước. Nhiều phu vàng lấp ló ở các bụi cây nghe ngóng, quan sát 'khách'. Thấy 'khách' ở lâu, một số người đến trừng mắt, dò hỏi.
Người quản lý bãi vàng vẫn theo chân, 'chăm sóc' chúng tôi rất kỹ: “Biết là sai nhưng anh em chui lủi kiếm sống. Bọn em cũng chỉ làm thuê, các sếp bỏ nhiều tiền ở đây rồi. Lỗ quá. Mong anh em giúp đỡ”. Người này tỏ vẻ thất vọng khi chúng tôi rời đi.
Chiều 4-9, ông Hồ Văn Phức – Chủ tịch UBND xã Phước Thành khẳng định, 2 bãi vàng này không có giấy phép khai thác. Bãi 8 từ trước năm 2000 có doanh nghiệp khai thác nhưng sau đó đóng cửa nhiều năm. Bãi 699 vốn cấp phép thăm dò khoáng sản cho Công ty Hưng Thịnh (trụ sở tại TP.Hà Nội) do ông Dung làm đại diện nhưng đã hết hạn hơn 2 tháng trước.
“Từ giữa tháng 7 đến nay, có nhiều người đến khai thác ở 2 bãi trên. UBND xã và các lực lượng của huyện đã 3 lần truy quét, đập, đốt phá nhiều máy móc, lán trại, đẩy đuổi người vi phạm ra ngoài… nên nghĩ không còn nữa. Hôm nay nghe các anh phản ánh vẫn còn làm thì chúng tôi cũng bất ngờ, trong ngày 5-9 sẽ kiểm tra thực tế để xử lý”, ông Phức cho biết.
Ông Lê Quang Trung – Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, cảm ơn và ghi nhận phản ánh của PV. “Lãnh đạo huyện sẽ khẩn trương kiểm tra, yêu cầu UBND xã Phước Thành và các phòng, ban ngành chức năng kiểm tra, truy quét và xử lý”, ông Trung nói.
Xem thêm: lmth.254631_oh-gnohp-gnur-gnort-cat-gnav-aid-hnal-pahn-max/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc