Thái Lan cho biết chi phí trồng lúa ở nước này đã tăng gần gấp đôi sau 2 năm - Ảnh: AFP
Báo Bangkok Post dẫn lời Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Chalermchai Sri-on cho biết thỏa thuận đạt được sau các cuộc thảo luận giữa hai nước về giá gạo xuất khẩu gần đây.
Hai nước sẽ lập tức thành lập nhóm triển khai ý tưởng này tại mỗi nước.
Ông Alongkorn Ponlaboot, cố vấn của ông Chalermchai, được bổ nhiệm làm trưởng đoàn đàm phán giá của Thái Lan.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan cũng được yêu cầu tổ chức các cuộc gặp với hiệp hội nông dân, công ty xay xát, đơn vị xuất khẩu và những nhóm có liên quan về vấn đề này.
Theo ông Chalermchai, các cuộc gặp sắp tới sẽ thảo luận về thỏa thuận giá gạo giữa Việt Nam và Thái Lan để tất cả các bên hiểu rõ hướng nâng giá gạo xuất khẩu.
"Thỏa thuận là bước đầu tiên trong hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan để giúp các nông dân có được giá xuất khẩu công bằng hơn, sử dụng cơ chế giá cả trên thị trường toàn cầu", ông Chalermchai nói.
Các quan chức nông nghiệp Thái Lan cho biết các nông dân thời gian qua bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kép đại dịch COVID-19 và xung đột Nga - Ukraine, trong khi giá gạo trên thị trường toàn cầu tăng không tương xứng.
Ông Chalermchai khẳng định Thái Lan sẽ tham gia đàm phán một mức giá gạo hợp lý hơn trên thị trường.
Thái Lan hiện là nước xuất khẩu gạo thứ 3 thế giới với 6,12 triệu tấn vào năm ngoái, đứng sau Việt Nam với 6,24 triệu tấn và Ấn Độ với 19,55 triệu tấn.
Năm nay, Thái Lan đã xuất khẩu 3,99 triệu tấn gạo trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 7, thu về gần 2 tỉ USD. Về số lượng, xuất khẩu gạo của Thái Lan tăng 58,2% nhưng giá trị xuất khẩu chỉ tăng 34,1%.
Theo ông Chalermchai, để thực hiện thỏa thuận, Việt Nam và Thái Lan sẽ tìm cách lập một cơ chế đàm phán chính phủ, đồng thời thuyết phục các nhà xuất khẩu gạo khác tham gia.
"Thúc đẩy một giá gạo công bằng hơn là sứ mệnh và trách nhiệm của tất cả các nước trồng lúa và xuất khẩu gạo. Vì biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến việc trồng lúa và sản lượng gạo trên toàn thế giới, tất cả các bên cần chung tay để đảm bảo an ninh lương thực của thế giới", ông Alongkorn nói.
Ông Pramot Charoensin, chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp Thái Lan, cho biết chi phí trồng lúa của Thái Lan đã tăng gần gấp đôi so với 2 năm trước, lên từ 203 USD đến 217 USD mỗi tấn.
Các hiệp hội của Thái Lan hoan nghênh thỏa thuận với Việt Nam, tuy nhiên lo ngại khi hai nước tăng giá sẽ khiến người mua tìm đến gạo của Ấn Độ.
Ông Rangsan Sabaimuang - chủ tịch Hiệp hội Các nhà máy xay xát gạo Thái Lan, thậm chí đề xuất lập tổ chức quản lý giá gạo.
"Tại sao các nước xuất khẩu dầu lại có thể lập Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu (OPEC) mà chúng ta lại không?", ông Rangsan đặt ra vấn đề.
TTO - Nhà xuất khẩu gạo hàng đầu này dự kiến chiếm 45% xuất khẩu gạo thế giới trong năm 2021 nhờ mở rộng năng lực cảng biển và các nước như Trung Quốc, Việt Nam năm nay cũng mua gạo của Ấn Độ.
Xem thêm: mth.12343639050902202-noh-oac-oag-aig-gnan-hcac-hnit-yat-tab-man-teiv-nal-iaht/nv.ertiout