"Em chưa có một ngày yên" - Ảnh: TRẦN MAI
Từ ngày bé cho đến nay sắp vào đại học, mỗi ngày Trần Ngọc Thiện (thị trấn Chợ Chùa, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) đều đón nhận những lần lên cơn của mẹ và em trai. Nhiều hôm cả hai thay nhau đập phá đồ đạc trong nhà, đánh cả Thiện.
Lối thoát duy nhất của mình là học thật tốt, sau đó kiếm một việc làm mới có tiền chữa bệnh cho mẹ và em trai, chăm sóc gia đình.
TRẦN NGỌC THIỆN
Chưa một ngày được yên
Hỏi đường vào nhà Thiện, bà chủ quán cháo vịt tận tình dẫn đi, khi cách tầm 50m bà chỉ tay: "Căn nhà cũ sau cái lùm cây là nhà thằng Thiện đó". Trước khi đi về, bà dặn đi dặn lại vào nhà nói nhỏ thôi, giờ trưa chắc đang ngủ, gọi lớn mẹ với em thằng Thiện thức là khổ đó.
"Tốt nhất lên ủy ban thị trấn nhờ cán bộ dẫn xuống. Chú đi một mình, lại người lạ gặp mẹ và em thằng Thiện lên cơn chẳng biết đâu mà lần. Tụi tui hàng xóm đây mà cũng mấy lần chạy trối chết" - bà mách.
Nhớ lời dặn, tôi vào gọi thật khẽ. Bà Phạm Thị Kiều Phương (52 tuổi, mẹ Thiện) và Trần Thiện Phước (15 tuổi, em Thiện) bước ra, trợn ngược mắt nhìn. Lúc này, Thiện cũng vừa bước ra đưa cho mỗi người một quả chuối. Hai mẹ con nhìn nhau rồi lăn ra nền nhà cười khùng khục.
"Em trai bị vậy lúc mới sinh. Còn mẹ trước kia bình thường nhưng bị vậy từ hồi em lên lớp 6", Thiện nói. Mang ghế ra sân tiếp chuyện, Thiện giải thích: "Mẹ em mới ngủ dậy, trời nóng nên một lúc mới bình tĩnh". Chưa được 5 phút, tiếng loảng xoảng của mấy cái xoong cũ rải khắp nhà, bà Phương vừa đập xuống sàn vừa hét ầm ĩ. Thấy không ổn, ông Đoàn Tấn Nguyên (chủ tịch UBND thị trấn Chợ Chùa) nhờ ông Nguyễn Quốc Vũ (cán bộ thị trấn) đi vào nhà.
Vì hay xuống nhà giúp, hai mẹ con bà Phương có phần "sợ" ông Vũ. Mà đúng là sự có mặt của ông Vũ phần nào "vãn hồi" trật tự, hai mẹ con vẫn nói cười hềnh hệch bằng thứ ngôn ngữ lạ lẫm. Thiện nhìn vào nhà, mắt rươm rướm, thở dài: "Em chưa một ngày được yên. Nhà lúc nào cũng nghe tiếng cười mà chẳng có lấy niềm vui".
Trần Ngọc Thiện (bìa trái), dì Sâm (bìa phải) cùng chăm sóc em trai và người mẹ điên - Ảnh: TRẦN MAI
Rồi Thiện nhớ về những tháng ngày tươi đẹp ngắn ngủi. Khi ấy cậu vào mẫu giáo, được cha mẹ đón đưa như bao đứa trẻ khác. Thiện lên lớp 3, cha bắt đầu uống rượu, mỗi ngày một nhiều hơn. Rượu đã biến ông thành con người khác. Những trận đòn vô cớ xả xuống ba mẹ con Thiện. Có lần bị ông đánh vào đầu, mẹ Thiện bất tỉnh phải nhập viện cấp cứu. Bà trở nên điên dại sau trận đòn ấy. Một năm sau, cha qua đời cũng vì... rượu!
Thiện chua chát: "Em không biết nên hận hay thương cha mình. Ông ấy đã phá nát gia đình này, biến mẹ và em trai ra như thế. Nhưng dù sao cũng là ba em, ông đã mất rồi".
Duy nhất một lối thoát
Câu chuyện giữa chúng tôi liên tục bị đứt đoạn bởi tiếng cười của "mẹ con người điên". Chán chê những trò dưới nền nhà, bà Phương lấy kéo cắt tóc cho Phước, rì rầm tự nói tự cười, một hồi cái đầu thằng Phước "không giống ai". Trời ngả bóng, hai mẹ con cũng dịu dần, bớt ồn ào. Bà Phương lấy cơm nguội, ngồi bốc ăn ngon lành. Hỏi bà ăn gì, bà nói: "Hỏi chi, quan tâm chi mà hỏi".
Cha mất, một mình Thiện "gánh" hai người thân điên dại. Thấy cháu khổ quá, bà Phan Thị Sâm (77 tuổi) - chị gái bà Phương - đến ở cùng, coi như Thiện có thêm chỗ dựa. Bà Sâm chỉ vào cái hông bầm tím của mình: "Cơn nhẹ không nói, chứ cơn nặng là mẹ con thằng Phước đánh dì cháu tôi đùng đùng. Tôi già rồi, vì em vì cháu thôi ráng chịu chứ thằng Thiện tội quá, hết cha rồi đến mẹ, em đánh đập".
Nhưng Thiện không nghĩ vậy, cậu vẫn nhớ những ngày tháng êm đềm. Kỷ niệm đẹp nhất về mẹ là hồi lớp 5, Thiện nhận phần thưởng học sinh xuất sắc, mẹ đón cậu ở trường rồi khoe với những phụ huynh khác khiến Thiện rất vui. Nhưng đó cũng là lần duy nhất, để rồi sau này mỗi lần nhận thưởng, ký ức đẹp ùa về khiến cậu đau nhói.
"Sau này nhận thưởng nhiều khi thật vô nghĩa, mẹ không còn tự hào nữa, thậm chí xé nát tập vở em vừa nhận về. Chỉ ước mẹ trở lại như ngày em học lớp 5" - Thiện tâm sự.
Dù trời đã sẫm chiều nhưng căn nhà vẫn nóng hầm hập. Mùi ẩm mốc của giường chiếu pha với mùi thuốc tây trộn lẫn mùi nước tiểu, phóng uế quyện lại đến khó thở. Hai dì cháu Thiện dọn không xuể sức hai "người điên" xả ra. Thiện "nuôi" con chữ trong hoàn cảnh như vậy.
Tìm mãi quanh nhà cũng không ra vật dụng gì giá trị, trừ chiếc tủ lạnh và máy giặt cũ được một nhà hảo tâm cho. Mà tủ lạnh đã bị Phước đập nát, còn máy giặt "đắp chiếu" vì tốn điện quá. Trong căn nhà ấy, có một căn phòng tối om được đóng kín mít bằng tôn, gỗ. Đó là nơi mỗi lần mẹ và em trai lên cơn quá nặng, Thiện phải nhờ hàng xóm phụ trói lại, nhốt vào vì "chẳng còn cách nào khác".
Thiện vẫn luôn nhớ về những ngày đẹp đẽ bình an, ngày em còn ba mẹ đưa đón đi học - Ảnh: TRẦN MAI
Thiện khát khao học ngành công nghệ thông tin. Nhưng trước cổng giảng đường, cậu cũng lắm nỗi lo. Nhà có gì đâu để bán. Rồi đi học, dì sẽ thế nào mỗi lần mẹ và em lên cơn... Hiện tại Thiện không có một điểm tựa nào, muốn "cất cánh" chứ nhưng chưa thấy bóng dáng "đường băng"...
Nghèo "bền vững"
Ông Nguyễn Quốc Vũ, cán bộ văn hóa - xã hội thị trấn Chợ Chùa, nói hoàn cảnh éo le vậy nhưng Thiện vẫn nỗ lực học tập. Ông Vũ bảo thị trấn có 82 hộ nghèo nhưng nhà Thiện nghèo nhất, nghèo "bền vững" và không có lối thoát nghèo.
"Bây giờ chỉ còn trông vào nỗ lực của Thiện. Địa phương rất quan tâm đến gia đình nhưng cũng không thể giúp Thiện đến giảng đường. Mong các nhà hảo tâm giúp đỡ em" - ông Vũ tha thiết.
Đồ họa: NGỌC THÀNH
Hãy đăng ký nhận học bổng cùng Tuổi Trẻ
Năm 2022, học bổng Tiếp sức đến trường sẽ được báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng 63 tỉnh, thành đoàn cả nước để tìm kiếm và trao khoảng 1.000 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi học bổng trị giá 15 triệu đồng, với tổng kinh phí dự kiến hơn 15 tỉ đồng.
Ngoài ra sẽ có 5 suất học bổng toàn phần (được cấp trong 5 năm liên tục) trị giá 375 triệu đồng, 50 laptop (hơn 600 triệu đồng) tặng tân sinh viên đặc biệt khó khăn, thiếu thiết bị học tập, 1.500 balô tặng sinh viên (trị giá 230 triệu đồng)...
Năm nay là mùa thứ 20 học bổng Tiếp sức đến trường dành cho tân sinh viên khó khăn từ nguồn hỗ trợ của nhiều đơn vị, cá nhân hảo tâm và đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ cùng chia sẻ. Học bổng này đã "tiếp sức" cho 22.370 tân sinh viên không bỏ lỡ ước mơ đến giảng đường với tổng số tiền hơn 164,5 tỉ đồng.
Q.L.
TTO - Sau khi bài viết được đăng tải, bạn đọc khắp nơi đã gọi điện đến báo Tuổi Trẻ xin số điện thoại liên hệ để phần nào sẻ chia giúp cô 'công nhân bất đắc dĩ' tự tin bước tiếp tương lai.
Xem thêm: mth.4003239050902202-ney-yagn-tom-auhc-ahn-iogn-gnort-uhc-noc-ioun/nv.ertiout