Cụ thể, đoạn đường dài hơn 7km từ ngã tư An Sương (huyện Hóc Môn) đến hết cầu Bình Thuận (quận Bình Tân, TP.HCM, đoạn đi qua quốc lộ 1) hiện đang có 4 cửa hàng kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên theo ghi nhận, 3 trong số các cửa hàng đó đều treo biển "hết xăng còn dầu", "tạm ngưng, đang nhập xăng dầu"…
Không treo biển báo nhưng trạm xăng dầu Tuyền Khanh (quận Bình Tân) cắt cử hai nhân viên thường xuyên túc trực tại các trụ bơm, chỉ đợi khách hàng tấp vào thì lập tức xua tay, lắc đầu báo "hết xăng". Nhiều người có xe sắp hết xăng, nài nỉ nhân viên đổ tạm một ít để đi tiếp tìm cây xăng khác thì cũng chỉ nhận được cái lắc đầu.
Nhiên viên cửa hàng Tuyền Khanh liên tục xua tay báo hết xăng mỗi khi có khách rà xe vào cửa hàng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Theo một nhân viên của cửa hàng trên, hầm chứa xăng cửa hàng đã hết trong sáng nay và thực tế bắt buộc phải ngưng bán xăng, tuy nhiên từ phản ảnh của bạn đọc Tuổi Trẻ Online gửi về thì cửa hàng Tuyền Khanh đã ngưng bán xăng từ một ngày trước đó. "Xăng trong bồn hết là thực tế. Nếu có này kia thì quản lý thị trường tới", nhân viên này nói.
Hành nghề chạy xe ôm công nghệ và phải đi qua đoạn đường trên, ông Huỳnh Văn Vũ (43 tuổi, ngụ Tân Bình) bức xúc khi liên tiếp nhận phải những cái lắc đầu xua tay của các cửa hàng trong khi xe đã cạn xăng. "Không biết là các cây xăng này có ghim hàng đợi lên giá để hưởng lợi không nữa?", ông Vũ hoài nghi nói.
Nhiều khách hàng gặp khó khi xe hết xăng, tuy nhiên cửa hàng xăng lại tạm ngưng "để nhập xăng dầu". Ảnh chụp tại cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong vào trưa 5-9 - Ảnh: CÔNG TRIỆU
12h trưa, tình trạng "hết xăng còn dầu" cũng diễn ra tại cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong (số 150 quốc lộ 1, quận Bình Tân), nhân viên ở đây nói phải đến chiều mới có xăng dù cả 8 trụ bơm đều đang sáng đèn.
Theo như thông tin ghi trên bảng hiệu, cửa hàng Vĩ Phong thuộc Công ty TNHH vận tải xăng dầu Vĩ Phong, là đơn vị nhượng quyền thương mại của Petrolimex.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Huy - cửa hàng trưởng cửa hàng xăng dầu Vĩ Phong - cho biết cửa hàng hết xăng là do trước đó các cửa hàng trong khu vực đóng cửa, khách hàng đổ về Vĩ Phong tăng đột biến, trong khi lượng xăng được cung cấp chỉ theo định mức cố định.
"Chưa kể là giá cả đang thấp, chiết khấu về 0 đồng, trong khi phải chi phí vận tải, nhân công, thuế các kiểu thì lỗ ngay nhưng doanh nghiệp vẫn gắng để bán. Mấy hôm nay nguồn khách tăng đột biến nên cửa hàng đâu xoay xở kịp, phải chờ tới chiều thì xe bồn xăng mới về tới", ông Huy nói.
Tình trạng "hết xăng còn dầu", "hết dầu hết xăng" hoặc "hết hàng"… - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Phản ảnh đến báo Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Sơn, ngụ tại TP Thủ Đức, cho biết từ trước lễ 2-9 đến nay, để đổ được một bình dầu cho xe hơi tại khu vực quận 9 (cũ) là rất khó. Ngoài một số cửa hàng treo biển "hết hàng" thì một số cửa hàng khác lại bán cầm chừng theo kiểu "nhìn mặt khách".
"Nhìn mặt mình thấy quen quen thì đổ cho được 300.000 đồng dầu, còn không thì lắc đầu, xua tay ngay, mấy cửa hàng đã treo biển thì mình cũng đâu vào làm gì", ông Sơn nói.
Được biết hiện tình hình buôn bán xăng dầu tại các quận, huyện của TP.HCM phần nhiều đang diễn ra theo các kiểu "hết xăng còn dầu", "hết dầu hết xăng" hoặc "hết hàng"…
Tuổi Trẻ Online sẽ tiếp tục cập nhật tình hình…
TTO - Giá xăng dầu chính thức được điều chỉnh theo công bố của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kể từ 15h chiều nay 5-9, sau khi lùi lại 4 ngày nghỉ Lễ Quốc khánh.
Xem thêm: mth.92620015150902202-gnah-teh-oab-nagn-gnoud-naod-nert-gnax-yac-4-3-mch-pt/nv.ertiout