Các thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) đã nhất trí về việc giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày kể từ tháng 10 trong cuộc họp chiều 5/9. Điều này khiến các nhà phân tích bất ngờ, vì họ dự kiến nhóm sẽ duy trì mức sản lượng hiện tại.
Theo sau quyết định này, giá dầu Brent chuẩn toàn cầu giao dịch trên 95 USD/thùng sau khi tăng gần 3% trong ngày 5/9.
Đã có lúc giá dầu tăng gần 4 USD/thùng trong phiên giao dịch, nhưng sau đó lại giảm xuống trước thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết thực hiện tất cả các bước đi cần thiết để tăng nguồn cung năng lượng và hạ giá.
Giá dầu thô Mỹ tăng 2 USD (2,3%) lên 88,85 USD/thùng sau khi tăng 0,3% trong phiên trước đó do khối lượng giao dịch giảm trong kỳ nghỉ Lễ Lao động Mỹ.
Mức giảm 100.000 thùng mỗi ngày chỉ chiếm 0,1% nhu cầu toàn cầu. Các nước OPEC + đã thống nhất sẽ họp bất cứ lúc nào để điều chỉnh sản lượng trước cuộc họp tiếp theo dự kiến diễn ra vào ngày 5/10.
Nhóm này cho biết, họ đang quay lại hạn mức tháng 8 vì việc bổ sung sản lượng 100.000 thùng/ngày chi được áp dụng cho tháng 9.
Việc cắt giảm nguồn cung đầu tiên của OPEC + trong hơn một năm cho thấy nhóm này rất nghiêm túc trong việc quản lý thị trường dầu thô và sẵn sàng thực hiện các hành động phủ đầu, Ả Rập Xê-út cho biết.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, kỳ vọng kinh tế toàn cầu tăng trưởng kém là nguyên nhân dẫn đến quyết định cắt giảm sản lượng dầu của Nga và các đồng minh OPEC.
Trước đó, Nga cho biết họ sẽ không ủng hộ việc cắt giảm sản lượng dầu thô của OPEC + do lo ngại việc này sẽ ảnh hưởng tới kết quả đàm phán với các đối tác châu Á, vốn đang mua dầu thô giảm giá từ Nga trong khi phương Tây áp lệnh trừng phạt năng lượng với quốc gia này.
Hôm 2/9, các bộ trưởng G7 đã thống nhất sẽ thiết lập giá trần cho dầu nhập khẩu từ Nga. Theo đó, những sản phẩm bị bán trên mức giá trần được ấn định sẽ bị cấm ở các thị trường này.
Đáp lại, Nga cho biết họ sẽ không bán dầu cho các quốc gia áp dụng giá trần với các sản phẩm dầu của mình, làm dấy lên lo ngại về nguồn cung dầu thô giảm.
Giá dầu thô toàn cầu đã giảm hơn 20% kể từ đầu tháng 6 do tâm lý e ngại rằng việc tăng lãi suất và các biện pháp hạn chế Covid của Trung Quốc có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu dầu toàn cầu.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Aljazeera, CNN)