Tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ ngày 6/9, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, đến 2/9 đã có 55.000 tỷ đồng trong số gần 350.000 tỷ đồng từ gói phục hồi kinh tế được giải ngân.
Trong đó, các chương trình cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân được hơn 10.000 tỷ đồng.
Khoảng 4,54 triệu lao động trên cả nước được nhận tiền hỗ trợ thuê nhà, với tổng số tiền 3.045 tỷ đồng. Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% của các ngân hàng dành cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh... giải ngân được 13,5 tỷ đồng.
Cùng đó, chính sách tài khoá như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế môi trường với nhiên liệu bay, xăng đến ngày 26/8/2022 là 34.970 tỷ đồng. Khoản chi phí cơ hội hỗ trợ thông qua gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất đến hết tháng 6/2022 là 7.400 tỷ đồng. Ngoài ra, gia hạn các loại thuế, tiền thuê đất là 52.000 tỷ đồng.
Giải ngân được trên 3.000 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc hỗ trợ này chưa được thực hiện như kỳ vọng. Lý do là có chênh lệch số liệu khi xây dựng chính sách và thực tế, thủ tục phức tạp và chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt...
Nghị quyết về chương trình phục hồi kinh tế gần 350.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường hồi tháng 1/2022. Tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 6 năm nay, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sốt ruột khi gói phục hồi kinh tế giải ngân chậm. Đầu tháng 7, Chính phủ lập Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm trưởng ban, giúp Thủ tướng triển khai gói phục hồi kinh tế.
Nhìn lại 8 tháng qua, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, kinh tế xã hội nhiều thách thức nhưng đang phục hồi tích cực. Các cân đối lớn vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 8 tháng tăng 2,58%, tương đương cùng kỳ của 4 năm trước. Giá lương thực, thực phẩm, vật liệu xây dựng giảm nhẹ...
Về đầu tư công, theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước tính giải ngân đến ngày 31/8 là hơn 212.227 tỷ đồng, đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng giao. Về số tuyệt đối, giải ngân đầu tư công 8 tháng cao hơn cùng kỳ 2021 trên 24.940 tỷ đồng. Thu ngân sách 8 tháng ước đạt 85,6% dự toán, tạo dư địa điều hành chính sách tài khóa, hỗ trợ chính sách tiền tệ.
Xuất nhập khẩu tháng 8 tăng 17,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 8 tháng, Việt Nam xuất siêu 3,96 tỷ USD. Tiêu dùng trong nước phục hồi, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng trên 19% so với cùng kỳ.
Kinh tế phục hồi còn được phản ánh qua số doanh nghiệp gia nhập, tái tham gia thị trường 8 tháng đạt gần 150.000 doanh nghiệp, tăng hơn 31% so với cùng kỳ 2021.
Ở chiều ngược lại, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kinh tế cũng đang đối diện nhiều thách thức về biến động giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, thị trường thế giới chậm phục hồi... Nếu không có giải pháp điều hành, hỗ trợ kịp thời, Bộ trưởng nhận xét, có thể làm suy giảm tiềm năng phục hồi kinh tế, tác động dây chuyền đến nhiều ngành, lĩnh vực, đời sống người dân.
Nêu kinh nghiệm từ các quốc gia, ông nhấn mạnh việc chủ động phương án, kịch bản ứng phó các tình huống bất ngờ phát sinh, có tính đến độ trễ trong xây dựng, thực thi chính sách. Các bộ, ngành, địa phương cần nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng tự thích ứng của nền kinh tế, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng chiến lược.