Giá dầu cao hơn giá xăng
Giá bán lẻ dầu diesel trong nước lần đầu tiên cao hơn giá xăng. Những người cần sử dụng dầu cho công việc hay sinh hoạt sẽ lại thêm lo lắng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến giá dầu tăng là do nhu cầu trên thế giới tăng và nhiều nước trên thế giới tăng cường tích trữ chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.
Từ 15h chiều qua (5/9), trong khi giá bán lẻ xăng giảm, giá dầu tiếp tục tăng từ 1.389 - 1.429 đồng/lít, neo ở mức 25.188 - 25.445 đồng/lít.
Tại kỳ điều hành này, Liên bộ Công Thương - Tài chính không trích lập Quỹ bình ổn giá với dầu diesel và dầu hỏa, ngược lại đã chi từ Quỹ này cho dầu diesel 300 đồng/lít, dầu hỏa 100 đồng/lít.
Trong 2 tuần gần đây, giá dầu trên thế giới tăng mạnh ở mức 10 - 16% so với mức bình quân của kỳ điều hành trước đó.
Chốt phiên ngày 5/9, giá dầu Brent giao tháng 11 đã tăng lên mức trên 95 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI tăng lên gần 89 USD/thùng. Đà tăng của giá dầu diễn ra ngay sau khi OPEC+ thông báo sẽ cắt giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày trong tháng 10.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết, 2 nhà máy lọc dầu trong nước Nghi Sơn và Bình Sơn 6 tháng cuối năm sản xuất đáp ứng chiếm 72 - 80% tổng nhu cầu cả nước. Bộ Công Thương đánh giá, về cơ bản, lượng sản xuất đáp ứng kế hoạch đề ra để phân phối cho các đầu mối kinh doanh xăng dầu nhằm bảo đảm nguồn cung cho thị trường. Hiện 2 nhà máy đều vận hành với công suất tối đa.
Nông dân khốn đốn vì máy gặt đập thiếu dầu
Trước dịp nghỉ lễ vừa qua, 8 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở miền Tây khẳng định nguồn cung ứng xăng dầu tại TP Cần Thơ và các tỉnh lân cận là thiếu hụt cục bộ, nhiều cửa hàng xăng dầu của 8 doanh nghiệp này trên địa bàn khó đáp ứng nguồn cung cho người dân. Vì vậy những ngày qua, hàng loạt cửa hàng xăng dầu ở miền Tây đóng cửa đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người dân.
Tại tỉnh Bạc Liêu, hàng chục ngàn hecta lúa quá ngày thu hoạch sắp bị phơi rục ngoài đồng. Nguyên nhân là do máy gặt đập không hoạt động vì thiếu dầu.
Tình trạng thiếu dầu cung ứng cho máy gặt đập xảy ra khoảng 1 tuần nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
16 công lúa đã quá thời gian thu hoạch hơn 10 ngày, nhưng hiện nay, số lúa này vẫn còn nằm phơi nắng mưa ngoài đồng, do không thuê được máy gặt đập. Vụ mùa thất bát đang ở trước mắt người nông dân Đinh Văn Qui (xã Vĩnh Thanh, Phước Long, Bạc Liêu).
"10 phần ăn được 4. Cái nào đứng hốt được thì hốt, còn cái nào ngập nước thì bỏ luôn", ông Đinh Văn Qui, xã Vĩnh Thanh, Phước Long, Bạc Liêu, chia sẻ.
Vụ Hè Thu này, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 56.000 hecta. Đến nay, khoảng 50% diện tích lúa vẫn đang chờ thu hoạch, bởi lượng máy gặt đập tại địa phương và các vùng lân cận tập trung về không nhiều. Thậm chí không ít phương tiện tạm ngưng hoạt động do thiếu dầu.
"Chuyến này máy có 2 chiếc đó mà kẹt, không có dầu để chạy. Giờ cây xăng hứa không chứ tui có biết đâu. Bây giờ hứa chiều chiều không, máy coi như đậu nghỉ", ông Nguyễn Quốc Đoàn, Chủ máy gặt đập liên hợp, Bạc Liêu, cho biết.
Tình trạng thiếu dầu cung ứng cho máy gặt đập xảy ra khoảng 1 tuần nay. Hiện một số đại lý đã cố gắng nhập hàng cung ứng. Tuy nhiên, lượng dầu tại các cửa hàng, đại lý vẫn chưa nhiều.
"Tình hình hiện nay chắc cũng không đảm bảo và cũng kiến nghị về các cơ quan có thẩm quyền làm cách nào để tranh thủ nguồn xăng dầu vận chuyển đến cho địa bàn xã Vĩnh Thanh để bà con thu hoạch lúa đảm bảo", ông Kiều Quốc Vân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thanh, Phước Long, Bạc Liêu, cho biết.
Thiếu dầu, việc tiêu thụ lúa hiện nay cũng gặp khó khăn, bởi thương lái từ nơi khác không thể chạy ghe chở lúa đến thu mua. Để giải quyết bài toán tiêu thụ, hiện một số địa phương của tỉnh Bạc Liêu đã hỗ trợ mỗi ghe 60 lít dầu để thương lái đến thu mua lúa cho nông dân.
Trăn trở của ngư dân khi giá dầu tăng
Khai thác thủy sản cũng là 1 trong những nghề chịu tác động nhiều nhất khi giá dầu lại tăng, nhất là với ngư dân khai thác xa bờ. Ước tính, chi phí nhiên liệu chiếm khoảng 60 - 70% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản. Giá nhiên liệu tăng khiến giá các mặt hàng khác phục vụ khai thác thủy sản cũng tăng. Do đó, bài toán ra khơi hay nằm bờ là vấn đề ngư dân trăn trở lúc này.
Gắn bó với nghề biển hơn 60 năm, nhưng chưa bao giờ ông Lê Văn Diệm (chủ tàu cá PY 96707, Phú Yên) lại thấy giá dầu biến động theo chiều hướng bất lợi cho ngư dân như trong hơn 1 năm qua. Từ chỗ 17.579 đồng/lít vào cuối năm 2021 đến nay, giá dầu ở mức 25.180 đồng/lít. Cứ mỗi lần dầu tăng giá, những ngư dân như ông lại phải xoay xở đủ điều bởi tiền dầu chiếm đến 70% phí tổn trong mỗi chuyến biển.
"Nếu giá dầu tăng như thế này thì bà con ngư dân rất khó khăn. Nếu chuyến biển trúng thì đủ thôi nhưng chỉ có lỗ, bởi đâu có gì mà có thu nhập", ngư dân Lê Văn Diệm, chủ tàu cá PY 96707, Phú Yên, chia sẻ.
Nhiều ngư dân cho biết sẽ tạm thời không ra khơi hoặc trong 1 tháng họ sẽ giảm bớt số lần ra khơi để giảm khó khăn khi giá dầu tăng cao như hiện nay. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
"Giá dầu lên cao như thế này, ngư dân đánh bắt càng ngày càng khó, vô bán buôn khó hơn thì ngư dân càng lúc càng khổ, đôi lúc ngư dân có thể neo bờ", ngư dân Nguyễn Văn Nông, chủ tàu cá BĐ93058, Bình Định, cho hay.
Các làng biển Phú Yên, Bình Định có hơn 10.000 tàu cá, trong đó gần 4.000 tàu đánh bắt xa bờ. Vì vậy, khi giá dầu diesel tăng cao, ngư dân nào cũng lo. Hộ có tàu nhỏ lo ít, tàu to lo nhiều.
Một tàu cá có công suất từ 400 CV trở lên, chi phí 1 chuyến biển dài ngày lên gần 200 triệu đồng, trong đó 70% là tiền dầu, nay giá dầu tăng thêm 1.430 đồng/lít thì mỗi tháng ngư dân phải chi thêm 10 triệu đồng tiền dầu. Nhiều ngư dân tính đến chuyện phải cho tàu cá nằm bờ.
Một nghịch lý hiện nay là giá dầu tăng, nhưng giá thủy sản lại không tăng. Điều này khiến mỗi chuyến biển, ngư dân càng thêm khó khăn. Nhiều ngư dân cho biết sẽ tạm thời không ra khơi hoặc trong 1 tháng họ sẽ giảm bớt số lần ra khơi để giảm khó khăn khi giá dầu tăng cao như hiện nay.
Thực tế, dầu là mặt hàng liên quan trực tiếp đến lĩnh vực hoạt động sản xuất, ngành vận tải, sản xuất công nghiệp và các ngành công nghiệp phụ trợ. Trong đó, dầu diesel là nhiên liệu chính cho các loại xe chở hàng nặng như: tàu hỏa, ô ô khách, xe tải và phương tiện cần hỗ trợ như tàu đánh cá, máy móc xây dựng. Do vậy, tác động của nó sẽ không hề nhỏ, Liên bộ Công Thương - Tài chính cam kết sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình thị trường để có những điều tiết kịp thời.
VTV.vn - Trong kỳ điều chỉnh ngày 5/9, lần đầu tiên giá dầu diesel tăng vượt giá xăng, do nhu cầu tiêu dùng dầu trên thế giới tăng mạnh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.63903609160902202-uad-tahk-tag-yam-iv-nod-nohk-nad-gnon-gnod-iaogn-cur-nihc-aul/et-hnik/nv.vtv