vĐồng tin tức tài chính 365

Giá dầu đắt hơn xăng: Điều dị biệt và nhiều hệ lụy đi kèm

2022-09-07 04:54

Tại kỳ điều hành ngày 5/9, giá xăng E5 giảm 370 đồng/lít, giá bán là 23.350 đồng/lít. Giá xăng RON95-III giảm 430 đồng/lít, giá bán là 24.230 đồng/lít.

Còn giá dầu diesel 0,05S tăng 1.430 đồng/lít, giá bán là 25.180 đồng/lít.

gia dau dat hon xang Dieu di biet va nhieu he luy di kem hinh anh 1
Giá xăng rẻ hơn giá dầu diesel là điều chưa từng thấy (Ảnh minh họa: KT)

Như vậy, giá dầu diesel đã tăng mạnh, cao hơn giá xăng E5 là 1.830 đồng/lít; cao hơn giá xăng RON95 là 950 đồng/lít. Đây là điều chưa từng có trên thị trường xăng dầu Việt Nam. Bởi lẽ từ trước đến nay, giá dầu diesel thường thấp hơn giá xăng.

"20 năm trong nghề tôi chưa bao giờ thấy giá dầu cao hơn xăng như vậy", ông Nguyễn Văn Thức, chủ một DN xăng dầu ở Hưng Yên nói với PV. VietNamNet.

Giá dầu diesel 0,05S-II trước đây thường thấp hơn đáng kể so với xăng E5 (từ 1.200-4.000 đồng/lít) và xăng RON95-III (có thời điểm thấp hơn 5.000 đồng/lít). Nhiều người khi mua ô tô cũng thường có tâm lý chọn loại xe chạy dầu vì tiết kiệm hơn so với xe chạy xăng.

Ông Bùi Ngọc Bảo, quyền Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, khi trả lời VTV tối 5/9 cũng đánh giá "đây là hiện tượng hết sức dị biệt của giá xăng dầu".

Theo ông Bảo, giá dầu chịu tác động bởi sự mất cân đối do Nga không xuất khẩu dầu diesel ra thị trường. Giá gas do điều tiết của Tây Âu cũng tác động lên giá dầu diesel. Vì vậy, đây cũng là lần đầu tiên ghi nhận khoảng chênh lệch giữa giá dầu diesel và giá xăng trên thế giới ở mức rất cao, bắt đầu từ tháng 6 mức chênh là 10 USD/thùng, đến nay lên khoảng 30 USD/thùng. Do đó, giá thế giới tác động lên giá dầu ở Việt Nam.

Ngoài ra, thông thường các nước cũng như ở Việt Nam, thuế xăng luôn cao hơn thuế dầu. Thời gian, chúng ta cũng giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, do đó cũng là một yếu tố tạo điều kiện cho giá dầu diesel cao hơn giá xăng ở thời điểm này.

Việc giá dầu diesel đắt hơn cả giá xăng dấy lên nhiều băn khoăn và lo ngại. Theo một chuyên gia xăng dầu, mục tiêu hiện nay của Chính phủ là phục hồi sản xuất sau dịch bệnh Covid-19, kiềm chế lạm phát. Trong khi đó, dầu diesel có lượng tiêu thụ chiếm khoảng 60-65% trong tổng lượng tiêu thụ xăng dầu, phục vụ cho sản xuất và dịch vụ. Các máy móc phục vụ sản xuất hầu hết đều dùng nhiên liệu dầu diesel.

Việc giá dầu 'neo' ở mức cao sẽ làm tăng giá đầu vào cho sản xuất, tăng giá hàng hóa, gây áp lực lạm phát và ảnh hưởng đến sự phục hồi phát triển kinh tế. Bởi, từ mọi lĩnh vực, từ trồng trọt, thực phẩm đến những ngành công nghiệp nặng đều phụ thuộc vào dầu diesel. Trong khi đó, theo chuyên gia, các ngành công nghiệp lại không có nhiều lựa chọn thay thế dầu diesel.

Cho nên, cơ quan quản lý đúng ra cần điều hành uyển chuyển hơn.

Tại kỳ điều hành ngày 5/9, để kiềm chế mức tăng của giá dầu, cơ quan điều hành cần chi quỹ bình ổn giá với dầu diesel cao hơn, thay vì chỉ chi mức 300 đồng/lít. Việc xả quỹ là khả thi bởi tính tổng cộng 6 kỳ điều hành trước đó, số tiền trích lập vào Quỹ bình ổn giá với xăng E5 là 3.951 đồng/lít; xăng RON95 là 3.993 đồng/lít; dầu diesel là 2.150 đồng/lít.

"Đây là tình huống dị biệt nên nhà điều hành cần có sự uyển chuyển. Để giá dầu không tác động nhiều đến sản xuất thì nên tăng chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu để đảm bảo giá dầu ở mức hợp lý, tương quan với mặt hàng xăng", ông Bùi Ngọc Bảo nêu ý kiến.

Nhiều hệ lụy khi giá dầu diesel đắt hơn xăng

Chia sẻ trên Zing, ông Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải Bình Dương đánh giá, việc giá dầu neo cao và vượt giá xăng đang gây trở ngại lớn đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa.

Tương tự, lãnh đạo một doanh nghiệp vận tải hàng hóa tuyến TP.HCM - Hà Nội cũng thừa nhận chưa bao giờ chứng kiến giá dầu đắt hơn giá xăng. "Động cơ diesel có khả năng chịu tải tốt hơn và tiết kiệm nhiên liệu hơn do đó loại nhiên liệu này thường được các doanh nghiệp vận tải hàng hóa sử dụng", vị này cho biết.

Trong khi giá xăng giảm thì giá dầu lại quay đầu tăng khiến nhiều ngành gặp khó vì không chỉ vận tải đường bộ mà đường thủy, tàu hỏa hay các loại máy móc phục vụ sản xuất công, nông nghiệp đều sử dụng dầu diesel.

"Hơn nữa trong bối cảnh nguồn cung thế giới thiếu hụt dầu diesel như hiện nay sẽ khiến cước vận tải hàng hóa khó giảm và giá đến tay người dân sẽ tiếp tục tăng cao", lãnh đạo doanh nghiệp này nhận định.

Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV), giá xăng trong nước vẫn tiếp tục giảm trong những kỳ điều hành qua nhưng mức giảm không quá lớn. Trong khi đó, giá dầu được điều chỉnh tăng mạnh sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và vận tải.

"Các xe vận chuyển tải trọng lớn đa phần sử dụng nhiên liệu dầu. Do vậy, giá dầu tăng lên có thể kéo theo đà tăng của cước vận tải hàng hóa. Bên cạnh đó, nhiều máy móc, động cơ trong hoạt động sản xuất cũng sử dụng một lượng dầu lớn", cơ quan này nhận định.

Sau cùng, chi phí vận tải hay sản xuất sẽ được phản ánh vào giá nhiều loại mặt hàng và dịch vụ của người tiêu dùng. Chính vì vậy, MXV cho rằng vấn đề giá xăng giảm nhưng giá nhiều hàng hóa vẫn không giảm tiếp tục là một bài toán nan giải trong thời gian tới.

Trao đổi với Zing, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, cũng cho biết các thiết bị máy móc lớn trong nền kinh tế quốc dân dùng để sản xuất công nghiệp đều được vận hành bằng dầu diesel. Vì vậy, khi giá nhiên liệu này ở mức cao, tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh là rất lớn.

"Thực tế, giá dầu diesel trên thế giới đã tăng do các nước châu Âu chuyển sang sử dụng các nhiên liệu thay thế cho khí đốt của Nga và người dân Mỹ dùng dầu thay thế khi giá xăng tăng. Điều này khiến giá mặt hàng dầu tăng vọt trong khi từ trước đến nay giá dầu luôn thấp hơn xăng", TS Đinh Trọng Thịnh nói./.

Xem thêm: vov.601869tsop-mek-id-yul-eh-ueihn-av-teib-id-ueid-gnax-noh-tad-uad-aig/et-hnik/nv.vov

Comments:0 | Tags:KINH TẾ

“Giá dầu đắt hơn xăng: Điều dị biệt và nhiều hệ lụy đi kèm”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools