Bức tranh chú ngựa mà cậu học trò vô tư vẽ đẹp thật đấy, nhưng việc thể hiện không "đúng nơi, đúng chỗ" ngay trên bức tường trắng của nhà trường là hành vi không đẹp chút nào.
"Bài học vỡ lòng" này giúp chúng ta nhìn nhận một điều rằng, việc vẽ vào bất cứ thứ gì mà chưa xin phép và được cho phép đều có thể trở thành hành vi không đẹp, cho dù đó là tác phẩm mang tính nghệ thuật.
Vậy mà bao năm qua, hành vi không đẹp ấy tồn tại và có chiều hướng nở rộ khắp nơi ở các thành phố lớn, trong đó có TP.HCM. Từ nội thành đến ngoại thành; từ các thùng đựng rác, bờ tường, nhà chờ xe buýt, trạm biến áp đến các công trình cầu đường, cửa nhà người dân đâu đâu cũng xuất hiện các hình vẽ lem nhem. Đỉnh cao của nó là hành vi bôi bẩn lên các toa tàu metro số 1 (Suối Tiên - Bến Thành) và công trình mang tính biểu tượng của Sài Gòn như cầu Thủ Thiêm 2.
Hậu quả của việc vẽ bậy là không hề nhỏ. Đơn cử như để xóa những vết sơn vẽ nguệch ngoạc trên cầu Thủ Thiêm 2, ngành giao thông phải cần tới 14 loại dung môi tẩy rửa nhưng không thể trả lại cho cây cầu hiện trạng ban đầu. Hay như hầm chui đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) hiện nay "không thể nào cứu được" bằng việc tẩy rửa thông thường.
Các công trình của Nhà nước đã vậy, còn với tài sản của người dân thì sao? Chắc chắn không ai có thể bình thản trước hình thù quái dị bỗng dưng "mọc" ngay trên cửa nhà mình vào một buổi sáng mai thức dậy. Nhưng thực tế cho thấy nhiều người dân TP.HCM đang phải bất lực chịu cảnh "tra tấn" này. Rõ ràng không chỉ gây thiệt hại về công sức, tiền bạc, vẽ bậy còn trực tiếp gây mất mỹ quan ở một đô thị lớn nhất nước.
Ở nhiều quốc gia, hành vi vẽ bẩn lên tài sản hoặc các công trình công cộng cũng đang là vấn nạn. Và để "dẹp loạn", có nơi đã áp dụng các hình thức xử lý nghiêm khắc như phạt tiền, tù; có nơi dùng biện pháp... đánh roi mây hoặc lao động công ích. Còn ở ta, việc giám sát và xử lý hầu như chưa được chú trọng đúng mức, nếu không muốn nói có nơi vẫn xem đó là "việc vặt".
Nhưng ở một thành phố được xây dựng phát triển theo hướng "văn minh - hiện đại" như TP.HCM, không thể nào chấp nhận sự tồn tại của hành vi vẽ bậy bất chấp mọi lúc, mọi nơi như thế này. Chúng ta cần nhân rộng những công trình xanh - sạch - đẹp đang có ở nhiều tuyến đường, ngõ hẻm mà các cá nhân, đoàn thể sáng tạo; cần tạo "sân chơi" đúng nơi, đúng lúc cho những người thực sự đam mê môn vẽ nghệ thuật (graffiti), song song các biện pháp chế tài, xử phạt.
Chỉ khi nào việc "dẹp loạn" vẽ bẩn được xem là nhiệm vụ trong tiến trình xây dựng mỹ quan đô thị, khi ấy bộ mặt khu trung tâm của TP.HCM mới có thể đẹp như Singapore như kỳ vọng của chủ tịch UBND TP.HCM.
TTO - Lực lượng công an đang cố gắng tuần tra, kịp thời phát hiện bắt quả tang hành vi vẽ bậy để lập hồ sơ xử lý. Tùy vào mức độ vi phạm, thiệt hại có thể xử lý hành chính hoặc hình sự.
Xem thêm: mth.54035847070902202-ped-gnohk-am-ped/nv.ertiout