Báo cáo mới công bố từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 26/8/2022, tăng trưởng tín dụng tăng 9,91% so với cuối năm 2021. Theo Ngân hàng Nhà nước, đây là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, phù hợp với tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi khả quan trong những tháng qua.
"Cơ cấu tín dụng tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi tín dụng với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro được kiểm soát chặt chẽ, phù hợp với chỉ đạo tại Chỉ thị 01", Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh.
Để góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6-6,5%, lạm phát bình quân khoảng 4% của Quốc hội, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cho biết từ đầu năm 2022 đã điều hành giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng theo định hướng mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú
Liên quan đến việc cấp thêm hạn mức tín dụng, tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ vào tối qua 6/9, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ công bố kết quả phân bổ room tín dụng cho các ngân hàng thương mại trong 1-2 ngày tới.
Cũng theo Phó Thống đốc, hiện việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của Ngân hàng Nhà nước vẫn dựa trên đơn xin "nới room" của các ngân hàng thương mại và căn cứ điểm xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước nước với các ngân hàng này.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém (hiện Vietcombank và MB đã có phương án nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém) hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!