Người bệnh ngồi chờ khám bệnh đông nghịt tại một bệnh viện tuyến cuối ở TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Một ngày sau khi bài viết của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, đại biểu Quốc hội đương nhiệm) được đăng tải trên Tuổi Trẻ Online xung quanh vấn nạn người Việt thích tự chữa bệnh, tự ra nhà thuốc mua thuốc và tự làm bác sĩ, nhiều bạn đọc đã chia sẻ câu chuyện khám chữa bệnh của chính mình và cho rằng "lỗi không hẳn do bệnh nhân chúng tôi".
Bạn đọc Tu Nguyen viết: "Tôi đi khám bệnh viện công. Bác sĩ khám ra bệnh sốt siêu vi mà khám rất "có tâm" chỉ với 2 phút là ra bệnh. Xong bác sĩ cho toa thuốc, xuống quầy thuốc bệnh viện bốc 5 ngày thuốc mỗi loại 10 viên, 5 loại xách một bọc xong tính tiền 400.000 đồng. Về tôi không dám uống, hôm sau test nhanh dương tính COVID-19".
Một bạn đọc tên Khang phản biện: "Chưa hiểu ý bạn lắm. Bác sĩ khám có sai đâu, COVID-19 vẫn là một loại siêu vi gây sốt và cách điều trị cũng gần như tương tự các loại siêu vi thông thường".
Được bác sĩ bắt bệnh và cho uống thuốc liên miên trong một năm nữa nhưng bệnh không khỏi là trường hợp của bạn đọc Minh Tran.
Bạn đọc này kể: "Một năm rưỡi tôi bị bác sĩ nội soi dạ dày 6 lần. Uống thuốc như ăn bánh mà có bớt bệnh đau dạ dày đâu. Xét nghiệm liên tục, chụp CT, MRI, soi đại tràng nữa nhưng bác sĩ “bó tay”. Sau này uống đông y, chỉ cần 3 hộp hết luôn tới bây giờ".
Đi trả lời câu hỏi vì sao người bệnh lại phải "vái tứ phương", bạn đọc với nickname NVT nói thẳng: "Chúng ta hay nói "lỗi tại người bệnh", nhưng xét ra cơ bản là không đúng. Nếu chúng ta là người bệnh, chúng ta sẽ có câu trả lời ngay rằng: "Tôi muốn được khám bệnh, được theo dõi bệnh, được uống thuốc đúng và sau cùng là có an sinh xã hội chi trả".
Vậy tại sao người bệnh lại phải "vái tứ phương"? Vì sự bất cập của hệ thống y tế hiện nay. Tôi sẽ không nói về sự bất cập này vì sẽ rất dài. Là người có tầm, nên nhìn vấn đề không chỉ là cái "ngoại cảnh" mà cần tìm cái "căn nguyên" và đề ra các giải pháp. Có khó không? Chắc chắn là không khó, khó nhất là "không chịu làm". Hãy thử làm "một người bệnh" đi rồi sẽ rõ".
Hay với bạn đọc Minh Phương, đi bệnh viện mà được khám ngay là hãn hữu. Có được một bác sĩ vui vẻ, tận tâm giải thích cho bệnh nhân cũng là may mắn. Đó là những lý do khiến xảy ra tình hình như bác sĩ Hiếu nói.
Trước "nỗi khổ của bệnh nhân", đặc biệt là khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế, bạn đọc BLoan đề nghị: "Ngành y tế thay đổi cách đối xử với bệnh nhân. Khám bệnh thì nói khô khan cộc lốc, khi người nhà hỏi thì cũng không muốn trả lời hoặc có trả lời thì cũng không vui vẻ.
Vậy mà qua khám dịch vụ là bác sĩ niềm nở, vui vẻ. Mua bảo hiểm y tế cũng tốn tiền chứ đâu phải bác sĩ khám không công, miễn phí đâu mà vô khám bảo hiểm y tế phải chờ đợi, thái độ nhân viên y tế làm như bị ép buộc làm việc".
Bạn đọc Nhân tranh luận và đặt câu hỏi đến bạn đọc BLoan: "Khám 1 bệnh 2 bệnh còn cười nói được, ngày khám ngoài 100 bệnh bạn nghĩ sao? Phòng khám dịch vụ, phục vụ số lượng ít hơn, bạn không thể so sánh vậy được.
Bạn mua bảo hiểm là bảo hiểm giữ bạn nhé, khám bảo hiểm đúng có tiền công khám nhưng rất khó để lấy được số tiền đó, không khéo là cả năm làm không công đấy bạn ạ. Nói chung mình cũng không thể nói hết được tùy vào cách nhìn nhận từng người. Nếu người có lòng rộng lượng thì ít chấp nhất so đo việc nhỏ nhặt, người hẹp hòi thì khó trách. Hãy rộng lượng với nhau".
Bên cạnh nhiều ý kiến phân tích "lỗi không hẳn đều do bệnh nhân", nhiều bạn đọc đồng tình ý kiến của bác sĩ Hiếu khi người Việt rất dễ tin lời truyền miệng, đặc biệt là thuốc truyền miệng, trong khi đến bác sĩ hướng dẫn thì không quan tâm.
"Tôi nhất trí với bác sĩ Hiếu", bạn đọc Tô Duy Hưng bày tỏ quan điểm và có lời khuyên đối với bệnh nhân điều trị ngoại trú (thường là tiểu đường, huyết áp...) là lần khám sau phải được đúng bác sĩ đã khám lần trước, nếu không mỗi tháng lại một bác sĩ điều trị một cách khác.
Còn với bạn đọc An, giải pháp để giải quyết tình trạng này không quá khó, chỉ cần đưa ra một hướng dẫn và các loại thuốc nên có ở nhà khi cần dùng đến.
Cùng ý kiến, bạn đọc tên Dân gợi ý: "Chỉ cần Bộ Y tế soạn thảo những văn bản hướng dẫn người dân dự trữ những loại thuốc thiết yếu trong nhà, rồi tuyên truyền rộng rãi, thì sẽ giảm nhẹ gánh nặng cho các bệnh viện rất nhiều vào ban đêm, để sáng hôm sau họ đi khám bệnh sẽ thoải mái hơn".
Trước đó, chiều 6-9 Tuổi Trẻ Online có đăng tải ý kiến của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, đại biểu Quốc hội, giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương về việc uống thuốc theo đơn. Nhiều ý kiến bạn đọc gửi đến tranh luận xung quanh việc này và cho rằng "lỗi dẫn đến việc người dân hay tự chữa bệnh, tự làm bác sĩ còn do hệ thống y tế".
TTO - Câu chuyện mới nhất mà bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, giám đốc Bệnh viện ĐH Y Hà Nội, chia sẻ. Là bác sĩ nhưng ông Hiếu (cũng là đại biểu Quốc hội đương nhiệm) lại có khiếu viết, ông viết rất hay, "trúng' về những vấn đề của ngành y.