Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản (phải) đón tiếp Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Việt Nam - Ảnh: MOLISA
Đó là chia sẻ của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung vừa qua.
'Bật đèn xanh' cho lao động chăm sóc người cao tuổi
Tại cuộc làm việc, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã kiến nghị ông Yasuhito Hanashi xem xét mở rộng nhiều ngành nghề nhằm tiếp nhận thực tập sinh, đặc biệt là xem xét kiến nghị giảm các mức đóng cho thực tập sinh.
Ghi nhận những ý kiến trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Yasuhito Hanashi khẳng định chương trình tiếp nhận thực tập sinh nước ngoài không chỉ giải quyết thiếu hụt nhân lực ở Nhật, mà giúp lao động từ các quốc gia khác nâng cao kỹ năng tay nghề.
Chủ trương của Chính phủ Nhật Bản là mở rộng dần các ngành nghề, lĩnh vực cho thực tập sinh nước ngoài.
"Trước mắt, một số ngành nghề được mở rộng và ưu tiên hàng đầu là chăm sóc người cao tuổi", ông Yasuhito Hanashi cho hay.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản làm việc (EPA) năm 2022 với 240 chỉ tiêu là cơ hội rất tốt cho người trẻ tốt nghiệp chuyên ngành điều dưỡng, hộ lý.
Các ứng viên tham gia chương trình EPA được đài thọ toàn bộ tiền ăn ở, học tập, vé máy bay khứ hồi, visa sang Nhật, hỗ trợ sinh hoạt phí khi học tiếng Nhật, tham gia khóa đào tạo nâng cao…
Ứng viên hộ lý phải tốt nghiệp cao đẳng hoặc cử nhân điều dưỡng, điều dưỡng đa khoa, không quá 35 tuổi… Trong khi đó, ứng viên điều dưỡng ngoài các điều kiện trên phải có chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh và ít nhất 2 năm kinh nghiệm làm điều dưỡng (bao gồm thời gian tập sự 9 tháng).
Mức lương của ứng viên điều dưỡng và hộ lý thông thường ở mức 160.000 - 180.000 yen/tháng (khoảng 26 - 29 triệu đồng/tháng), kèm phụ cấp liên quan.
Theo ông Phạm Viết Hương - phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ năm 2012 đến nay, hơn 2.000 ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã được tuyển chọn, đào tạo tiếng Nhật trước khi sang làm việc tại Nhật Bản. Đến nay, có 1.543 ứng viên đã sang làm việc tại các bệnh viện, cơ sở chăm sóc người cao tuổi của Nhật Bản.
Cơ hội rộng mở cho người trẻ
Học viên thực tập tại một trung tâm chăm sóc người cao tuổi ở Hà Nội - Ảnh: NGUYÊN BẢO
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Nguyễn Thị Hương Lan, lãnh đạo một công ty chuyên đưa người lao động làm việc ở Đông Bắc Á, cho biết nghề chăm sóc người cao tuổi phù hợp nhất ở độ tuổi 18-40. Chẳng hạn, Đài Loan tiếp nhận nhân viên chăm sóc người cao tuổi tới 40 tuổi nhưng Nhật Bản chỉ từ 30-32 tuổi.
"Để sang Nhật Bản ngành chăm sóc người cao tuổi, người lao động phải đạt chứng chỉ trình độ tiếng Nhật tối thiểu ở mức N4. Do đó, nhiều người có thể đáp ứng hoàn toàn công việc nhưng nếu đã 40 tuổi thì khả năng học ngoại ngữ giảm đi", bà Phương cho hay.
Rào cản chứng chỉ tiếng Nhật N4 để người lao động có thể bắt nhịp ngay với yêu cầu công việc, đồng thời vận dụng tối đa chuyên môn đã được đào tạo, thực tập từ trước.
Vị này lưu ý thêm các bạn trẻ chọn ngành điều dưỡng không nên hỏi "đi nhanh hay đi chậm" vì nếu đi Nhật Bản khi còn trẻ, chưa được trang bị tốt về chuyên môn, ngoại ngữ, hiểu biết văn hóa, tác phong làm việc chuyên nghiệp thì hiệu quả không cao.
"Nếu các bạn trẻ được đào tạo bài bản, có kỹ năng, ngoại ngữ thì sẽ có cơ hội phát triển, học hỏi nhiều hơn để có bước đệm trước khi trở về Việt Nam. Khi có kinh nghiệm, người lao động sẽ có thu nhập tốt, công việc ổn định, lâu dài", bà Phương nói.
Là học viên ngành điều dưỡng chuẩn bị đi Nhật, Nguyễn Thị Hoài Thương (22 tuổi) chia sẻ bạn cũng như nhiều người trẻ khác muốn sang Nhật làm việc do mức lương hấp dẫn, môi trường làm việc tiên tiến, chuyên nghiệp.
"Các cơ sở chăm sóc người cao tuổi ở Nhật có nhiều trang thiết bị hiện đại. Điều đó khiến mình có cảm hứng khi làm việc, đồng thời học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm việc. Hiện mình đang nâng cao khả năng tiếng Nhật và chuyên môn điều dưỡng để sang đó có thể làm việc tốt hơn. Mình dự định làm việc khoảng 5-7 năm ở Nhật và sau đó về nước", Hoài Thương tâm sự.
Thời gian nhận hồ sơ chương trình EPA từ 7-6-2022 đến 31-10-2022 (trừ thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ). Ứng viên tìm hiểu thêm thông tin qua Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 024.3824.9517 (số máy lẻ 513, 611).
TTO - Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo quyền lợi và điều kiện tham gia Chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản làm việc năm 2022. Mức lương hứa hẹn từ 27,5 - 31 triệu đồng/tháng, chưa tính phụ cấp.