Theo bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi hành vi, thói quen của khách du lịch. Một số loại hình du lịch sáng tạo, độc đáo đang trở thành xu hướng mới, trong đó có thể kể đến bleisure. Loại hình du lịch này được kỳ vọng sẽ trở thành một “phong cách sống” được nhiều người ưa chuộng khi cân bằng được giữa công việc và giải trí, đồng thời mang lại nhiều lợi ích cho các bên liên quan.
Bà Phan Thị Thắng - Phó chủ tịch UBND TPHCM phát biểu tại Hội thảo "Tiềm năng du lịch kinh doanh tại TPHCM và Việt Nam", sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TPHCM lần thứ 16 (ITE - HCMC 2022) - Ảnh: H. Long |
Với du khách, khi kết hợp công việc với du lịch sẽ tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại, giảm căng thẳng do có sự cân bằng giữa lao động và nghỉ ngơi thư giãn, từ đó năng suất công việc sẽ được nâng cao. Doanh nghiệp (DN) du lịch có thêm nguồn khách hàng, tăng doanh thu ngay cả trong mùa thấp điểm. Với điểm đến, đây là kênh quảng bá uy tín và đáng tin cậy cho các thị trường.
“TPHCM là cửa ngõ, đầu mối giao thông kết nối với các tỉnh, thành trong nước và quốc tế về cả đường bộ, đường hàng không, đường thủy và đường sắt. Thành phố cũng sở hữu nhiều công trình kiến trúc, di sản nổi tiếng, cơ sở hạ tầng, sản phẩm và dịch vụ đa dạng. Đồng thời, với hơn 4.000 cơ sở lưu trú với gần 50.000 phòng, khoảng 1.280 doanh nghiệp lữ hành và 6.934 hướng dẫn viên du lịch, gần 60% trong số đó là hướng dẫn viên quốc tế... thực sự là lợi thế để ngành du lịch TP tận dụng và đón đầu xu hướng mới này”, bà Phan Thị Thắng nhận định.
Ông Martin Koerner, Chủ tịch Tiểu ban Du lịch - Nhà hàng - Khách sạn, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (Eurocham) đánh giá, loại hình công tác kết hợp nghỉ dưỡng sẽ là xu thế trong thời gian tới. Theo thói quen phổ biến của du khách khi đi công tác, họ muốn dành thời gian dài hơn (từ 5-6 ngày) sau chuyến công tác để nghỉ ngơi, nghỉ dưỡng.
Để nắm bắt được xu hướng này, ông Martin Koerner cho rằng, các DN ngoài tăng cường tiện nghi cho cơ sở, nhất là cơ sở lưu trú, nhà hàng... cần cung cấp thêm các tiện nghi cho điểm đến; tăng cường quảng bá bằng cách liên kết với các đơn vị tổ chức sự kiện để giới thiệu thêm về điểm đến về loại hình du lịch, các gói sản phẩm (các tour du lịch ngắn, dịch vụ nghỉ dưỡng kèm theo,…) kèm theo khi khách đang lưu trú, công tác tại khách sạn.
TPHCM với nhiều lợi thế về khách sạn, nhà hàng để phát triển loại hình du lịch bleisure - du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí kết hợp công tác - Ảnh: Quốc Thái |
Theo ông Mauro Gasparotti - Giám đốc Savills hotel, TPHCM cần đầu tư điểm đến. Chẳng hạn với hệ thống khách sạn cần đầu tư vào loại hình mới. Có thể là khách sạn cổ, khách sạn ứng dụng công nghệ cao để thu hút khách… Một vài khách sạn tại TPHCM có lịch sử hình thành rất lâu đời, có thể thay đổi cách quảng bá, để khách tiếp cận theo xu hướng trải nghiệm khách sạn gắn với di sản, lịch sử, để giữ chân du khách.
Ngoài ra, du khách quốc tế cũng đặc biệt quan tâm tới các khách sạn gắn với thiên nhiên, có thể mở rộng đưa khách trải nghiệm thêm các dịch vụ nghỉ dưỡng tại các vùng biển lân cận TPHCM như Hồ Tràm (Vũng Tàu)… hay trải nghiệm một số hệ thống nhà hàng có không gian có rooftop (trên cao) - khu vực quán trên sân thượng để tạo thêm cảm giác thú vị cho du khách.
Quốc Thái