Mục tiêu của tôi là trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới. Khi chinh phục được các mục tiêu đề ra, trở lại đời thường tôi muốn trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình, qua đó truyền cảm hứng để mọi người tìm đến những thách thức và vượt qua nó.
THANH VŨ
Hoàn thành quãng đường 2.260km, trong đó bơi (38km), đạp xe (1.800km), chạy bộ (422km) với tổng thời gian 328 giờ 27 phút 55 giây, Thanh Vũ gây kinh ngạc với cộng đồng về ý chí, nghị lực kiên cường của người phụ nữ Việt Nam.
Chuẩn bị tốt, nắm bắt ngay khi có cơ hội
* Cảm xúc của bạn thế nào sau khi lên ngôi vô địch Swiss Ultra 2022?
- Được có cơ hội tham gia giải đấu, tiếp cận với các VĐV giàu kinh nghiệm trong giới ba môn phối hợp siêu bền là vinh dự lớn với tôi. Trong quá trình tham dự giải, khi có cơ hội tiếp cận ngôi vô địch, tôi đã nỗ lực hết mình. Tôi thực sự rất vui mừng, tự hào khi đã có sự chuẩn bị tốt, nắm bắt được cơ hội và lên ngôi vô địch thế giới.
* Sức khỏe của bạn sau khi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy bộ 422km thế nào?
- Những người tham dự giải ba môn phối hợp siêu bền đã tập luyện đến một mức độ có thể hoàn thành được cuộc đua. Vì thế khi thi đấu xong, các VĐV không bị "sập nguồn" - phải nằm một chỗ cả tháng. Khi thi đấu, tôi luôn lắng nghe cơ thể và xử lý vấn đề nảy sinh ngay khi nó chưa trở nên trầm trọng. Vì thế chỉ vài ngày nữa tôi có thể tập luyện trở lại.
* Bạn lên ý tưởng tham dự Swiss Ultra khi nào, quá trình chuẩn bị như tập luyện, dinh dưỡng, tâm lý ra sao?
- Một người bạn của tôi ở Malaysia đã từng tham dự giải ba môn phối hợp siêu bền thế giới. Khi biết, tôi đã rất tò mò và muốn vượt qua vòng an toàn của chính mình để tham dự giải đấu tương tự.
Trước đây, tôi từng tham gia nhiều giải chạy đa chặng tự hỗ trợ trên các sa mạc, những vùng đất khó đặt chân đến trên thế giới. Mỗi năm tôi cố gắng chạy một giải khó hơn, thách thức hơn để bứt phá giới hạn và đưa mình lên tầm mới. Dù vậy, ba môn phối hợp vẫn là bộ môn khá xa lạ với tôi. Tôi chạy tốt nhưng bơi và đạp xe còn yếu.
Khi có ý định tham gia Swiss Ultra, biết thời gian bơi 38km được giới hạn là dưới 27 tiếng nên tôi tập luyện xem mình có bơi được không. Trong lần sinh nhật thứ 31 tuổi của mình, tôi đã bơi liên tục từ 6h30 sáng đến 12h đêm và bơi được 31km. Sau khi thực hiện việc này, tôi đã có chút tự tin và nghĩ nếu duy trì tốc độ này mình có thể về đích trong thời gian ban tổ chức quy định khi dự Swiss Ultra.
Tôi có những buổi đạp xe trong nhà liên tục từ sáu đến tám tiếng, hay những buổi tập dài liên tục từ 16 đến 18 tiếng. Việc rất quan trọng trong tập luyện là tập làm sao để chống chấn thương, HLV đã hỗ trợ tôi điều này. Trong một hành trình dài khốc liệt, nếu VĐV duy trì được sức bền và tránh được chấn thương thì khả năng đến đích là khả thi.
Thời gian tập luyện trung bình của tôi từ 14 đến 18 tiếng mỗi tuần. Thời gian dài nhất tôi từng tập luyện là tập trong ba ngày liên tục. Khi đó tôi bơi 27km từ 6h30 đến 22h, leo cầu thang bộ ở tòa nhà 34 tầng, chạy bộ 100km.
Mỗi ngày tôi chỉ ngủ khoảng 3,5 tiếng để cơ thể làm quen với việc ngủ ít, vận động dài. Khi chân có dấu hiệu phù, máu dồn tụ, tôi tạm dừng để ngâm nước đá, dùng súng massage cho máu tuần hoàn tốt rồi mới tiếp tục tập luyện. Khi bơi, cứ sau mỗi tiếng tôi sẽ ngoi lên bờ để nạp năng lượng. Do không có thời gian để nghỉ ngơi sau ăn, tránh bị nghẹn nên tôi xay nhỏ hoặc đập dập thức ăn.
Thanh Vũ trong hành trình tham dự Swiss Ultra - Ảnh: SWISSULTRA
Không bao giờ bỏ cuộc
* Bạn đã khóc khi livestream trong quá trình đang tham dự Swiss Ultra. Có khi nào bạn định dừng cuộc đua?
- Tôi phải bơi trong bể 50m với nhiệt độ khoảng 15 - 18oC, khi trời mưa nhiệt độ hạ thấp hơn. Làm sao để giữ cơ thể không bị hạ nhiệt là điều vô cùng quan trọng. Có thời điểm quá lạnh, dù mặc bộ đồ bơi giữ nhiệt nhưng tôi vẫn phải lên bờ sấy khô đồ, làm ấm cơ thể. Dù nhiều khó khăn nhưng phần thi bơi của tôi có thể nói là diễn ra suôn sẻ, tôi hoàn thành bơi 38km trong 22 giờ 14 phút 17 giây.
Phần thi đạp xe diễn ra trong vòng lặp 9km và tôi phải hoàn thành 200 vòng. Đường đạp xe khá đẹp nhưng nhỏ, trên là núi cao, dưới là sông. Buổi chiều gió rất mạnh nên đạp rất mất sức, khi nắng thì không có bóng cây nên nắng chiếu thẳng vào mặt. Tôi có bôi kem chống nắng kiểu gì thì đạp nửa vòng cũng đã bay hết sạch.
Có ngày trời mưa 24/24h khiến việc thi đấu càng trở nên vô cùng khó khăn; khi trời mưa, nước lạnh như đá tạt vào cơ thể. Vì thời tiết vậy nên tôi phải tranh thủ đạp xe vào ban đêm để tránh gió và nắng, nhưng đêm thường có sương mù nên phải đạp chậm.
Khi khóc là lúc tôi sợ hãi, tự ti chứ không phải vì kiệt sức. Lý do bởi tôi mang hai bộ đồ đạp xe nhưng bộ nào cũng ướt chưa kịp khô nên có thời điểm tôi phải mặc đồ bơi để đạp xe. Có thời điểm tôi xuống dốc, trời mưa nên bị ngã và đâm vào một tảng đá. Tôi thấy mình ngã lên ngã xuống, xây xước nên cảm thấy bế tắc, lo lắng.
Mỗi ngày tôi phải đạp 270km, nhưng khi bị ngã xe tôi mới đạp được 81km, nếu không hoàn thành thì ngày hôm sau tôi phải đạp bù số km của ngày hôm trước. Nhưng ngay cả lúc tôi tự ti, tinh thần sa sút, kiệt quệ thì tôi cũng không bao giờ nghĩ đến việc bỏ cuộc.
Tôi nghĩ rằng mình đã đi một quãng đường xa thế này để đến đây, nếu còn sức thì mình sẽ phải tiếp tục bước, đạp thêm một vòng nữa mình cũng sẽ phải cố gắng.
* Bạn phải tốn bao nhiêu tiền để chuẩn bị và tham dự cuộc thi, bạn có nhận được sự tài trợ của đơn vị nào?
- Tôi phải lên kế hoạch tài chính giống như lên phương án cho việc tập luyện. Tôi làm việc full time, làm MC và các công việc khác để chuẩn bị tài chính cho bản thân. Ngoài ra, tôi cũng nhận được tài trợ của một số đơn vị.
Ngay các nhà khởi nghiệp họ cũng luôn ở trạng thái thiếu tiền nhưng điều đó không làm họ chùn bước vì họ luôn khát khao, tìm mọi cách để thực hiện mục tiêu. Nếu mục tiêu đủ lớn, mình sẽ ưu tiên để thực hiện bằng được. Một khi đã đặt ra điều kiện để thực hiện mục tiêu như "tôi phải có đủ tiền" thì bạn nên bỏ đi bởi chắc hẳn mục tiêu đó không quá quan trọng với bạn.
"Tôi muốn mình là phiên bản tốt hơn của chính mình"
* Thanh Vũ làm cách nào để bố trí thời gian, cân bằng giữa công việc và tập luyện, đi thi đấu?
- Thời gian qua, ưu tiên số một của tôi là chuẩn bị tham dự Swiss Ultra và công việc tại công ty. Bên cạnh đó, tôi vẫn dành thời gian cho gia đình và công việc riêng. Tôi không nghĩ việc cân bằng giữa tập luyện và công việc của tôi khó hơn một người nội trợ, một doanh nhân.
Tôi thường tập luyện vào sáng sớm, đi làm về thì tối lại tiếp tục tập luyện. Tôi đi làm 48 tiếng/tuần, tập luyện từ 14 đến 18 tiếng/tuần. Tất cả các buổi cuối tuần của tôi là tập luyện, nên thời gian rảnh rất ít và phải dùng một cách cẩn thận, có giá trị.
* Ý nghĩa của việc chinh phục hàng loạt kỷ lục như: người phụ nữ châu Á đầu tiên chạy qua bốn sa mạc với 1.000km, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên vô địch Swiss Ultra với bạn là gì?
- Tôi đặt ra mục tiêu trở thành người Việt Nam bền bỉ nhất thế giới. Khi chinh phục được những cột mốc mới, trở lại đời thường tôi muốn mình là phiên bản tốt hơn của chính mình, như vậy cuộc sống mới ý nghĩa.
Khi tự thúc đẩy bản thân, tôi thấy mình có giá trị hơn cho mình và những người xung quanh. Tôi cũng muốn truyền cảm hứng đến mọi người, để mọi người tìm đến những thách thức và vượt qua nó.
* Ngoài đam mê thể thao, Thanh Vũ ngoài đời thế nào?
- Thể thao giúp tôi tiếp cận những giá trị tuyệt vời và nó trở thành một phần cuộc sống. Ngoài thể thao, tôi thích đọc sách, thích viết, muốn đi chơi với bạn bè, thử nghiệm những điều mới mẻ. Tôi nghĩ mình là người bình thường chứ không có gì đặc sắc lắm.
Thanh Vũ tên đầy đủ là Vũ Phương Thanh, sinh năm 1990 tại Hà Nội (cao 1,60m). Khi học phổ thông, Thanh Vũ du học tại Singapore, sau đó cô theo học đại học tại Canada và Anh. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc tại Hãng tin tài chính Bloomberg Singapore. Từ năm 2017 đến nay, cô làm việc tại một tập đoàn ở Việt Nam.
Năm 2016, Thanh Vũ đã trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên chinh phục giải chạy siêu bền đa chặng 1.000km qua bốn sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới ở châu Á, châu Phi, Nam Mỹ, châu Nam Cực.
Những năm sau đó, cô chinh phục hàng chục giải siêu marathon khắc nghiệt ở nhiều nơi trên thế giới như: chạy 522km qua sa mạc ở Úc năm 2017, chạy 230km ở Bắc Cực năm 2018, chạy 273km qua dãy Canyon tại Bắc Mỹ...
Swiss Ultra 2022
Swiss Ultra là giải ba môn phối hợp siêu bền khắc nghiệt nhất thế giới, nằm trong hệ thống thi đấu của Hiệp hội Ultra Triathlon quốc tế (IUTA). Giải đấu diễn ra tại Buchs (Thụy Sĩ) từ ngày 14 đến 29-8 và cũng là giải vô địch thế giới của IUTA.
Tham dự giải đấu có sự góp mặt của 23 VĐV trên toàn thế giới, trong đó có 19 VĐV nam và 4 VĐV nữ. Các VĐV tham dự cuộc thi phải vượt qua quãng đường 2.260km, trong đó bơi (38km), đạp xe (1.800km), chạy bộ (422km). Tổng thời gian mà vận động viên phải hoàn thành là dưới 345 giờ. Quãng đường này tương đương với 10 cuộc thi Ironman 140.6 bình thường (bơi 3,8km, đạp xe 180km, chạy bộ 42km).
Kết thúc cuộc thi, VĐV Vanthuyne Kenneth (Bỉ, 39 tuổi) đã vô địch nội dung dành cho nam với tổng thời gian là 182 giờ 43 phút 43 giây. Có 6/13 VĐV nam đã không thể hoàn thành cuộc đua.
Ở nội dung dành cho nữ có 4 VĐV dự thi. Kết quả, VĐV Thanh Vũ đã về nhất với tổng thời gian là 328 giờ 27 phút 55 giây. VĐV về thứ nhì là Zacharias Madine (Pháp, 60 tuổi) với thời gian 339 giờ 27 phút 16 giây. Hai VĐV còn lại bỏ cuộc.
TTO - Thanh Vũ đã trở thành nữ vận động viên Việt Nam đầu tiên vô địch cuộc đua 3 môn phối hợp siêu khủng tại Thụy Sĩ sau khi bơi 38km, đạp xe 1.800km, chạy bộ 422km với tổng thời gian là 328 giờ 27 phút 55 giây.
Xem thêm: mth.46954549080902202-aihgn-y-oc-gnos-couc-iom-com-toc-cuhp-hnihc-uv-hnaht/nv.ertiout