Vốn ngoại đổ vào các thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi châu Á (ngoài Trung Quốc) tăng mạnh trong tháng 8 trong bối cảnh các quốc gia này kiểm soát tốt kỳ vọng lạm phát.
Theo dữ liệu từ sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Philippines, Việt Nam, Indonesia và Thái Lan, nhà đầu tư nước ngoài đã mua vào lượng cổ phiếu trị giá 7,54 tỷ USD, cao nhất kể từ tháng 12/2020.
Do lãi suất tại Mỹ tăng cao đồng thời nhà đầu tư giảm tỷ trọng tài sản rủi ro trong bối cảnh kinh tế bất ổn, các chị trường mới nổi chứng kiến tình trạng thất thoát vốn nghiêm trọng nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008.
Tuy nhiên, giá hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, liên tục giảm trong vài tuần gần đây, kéo giảm quan ngại lạm phát đồng thời củng cố nhận định nhiều ngân hàng trung ương sẽ sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trong phần còn lại của năm nay.
Chứng khoán Ấn Độ thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất trong tháng 8. Ảnh: Reuters.
Dù nhà đầu tư ngoại mua ròng trong hai tháng gần nhất, dòng tiền rút khỏi các thị trường chứng khoán trong khu vực vẫn ở trên ngưỡng 60 tỷ USD tính từ đầu năm nay.
Ấn Độ là điểm đến lý tưởng nhất với nhà đầu tư nước ngoài với giá trị mua ròng đạt 6,44 tỷ USD trong tháng 8, cao nhất trong vòng 20 tháng trở lại đây. Nhà đầu tư kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp Ấn Độ. Bên cạnh đó, thâm hụt tài khoản vãng lai của quốc gia tỷ dân này được dự báo giảm trong bối cảnh giá dầu đi xuống.
Dòng tiền đổ vào chứng khoán Hàn Quốc tăng cao nhất 9 tháng ở ngưỡng 3,01 tỷ USD.
Chứng khoán Thái Lan và Indonesia cũng chứng kiến dòng vốn ngoại đổ vào với giá trị lần lượt đạt 1,6 tỷ USD và 510 triệu USD.
Ở chiều ngược lại, dòng vốn ngoại chảy ra khỏi thị trường chứng khoán Đài Loan tăng từ 608 triệu USD trong tháng 7 lên 3,9 tỷ USD trong tháng 8 do căng thẳng đôi bờ eo biển leo thang.
“Để dòng vốn đầu tư tăng trưởng bền vững, chúng ta cần nhìn thấy đà chững lại của đồng USD, hiện tăng lên ngưỡng cao nhất 20 năm”, theo Yeap Jun Rong, Chuyên gia kinh tế tới từ IG.