Mức lãi suất 8,8%/năm vừa được Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) áp dụng cho kỳ hạn 13 tháng, tăng thêm 0,5% so với tháng trước. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên điều chỉnh tăng thêm từ 0,3 - 1% trong tháng 9 này và mức tăng 1% được ghi nhận là mức tăng cao nhất hiện nay. Theo đó, các kỳ hạn từ 6 - 11 tháng điều chỉnh tăng thêm 0,8 - 0,9%, đang ở mức từ 6,4 - 6,6%/năm. Kỳ hạn từ 15 tháng trở lên tăng thêm 1% với lãi suất là 6,7%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) tăng lãi suất thêm 0,2 - 0,45%/năm ở nhiều kỳ hạn so với tháng 8. Kỳ hạn 1 và 3 tháng tăng thêm 0,1% lần lượt là 3,6%/năm và 3,9%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng thêm 0,2% lên 5,4%/năm; kỳ hạn 11 tháng tăng thêm 0,45% lên 5,9%/năm. Các kỳ hạn từ 12 - 36 tháng đều tăng thêm 0,2%/năm, lần lượt là 6% và 6,5%/năm.
So với tháng trước, lãi suất tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng điều chỉnh tăng thêm 0,1 - 0,6% tại hầu hết các kỳ hạn. Kỳ hạn 1 - 3 tháng cùng tăng 0,2%, nâng lãi suất lên 3,2% - 3,8%/năm. Kỳ hạn 7 và 8 tháng cùng mức 5,3%/năm, tăng thêm 0,3%. Tiếp đến kỳ hạn 9 và 10 tháng là 5,6% cao hơn 0,4% so với đầu tháng 8. Đặc biệt, kỳ hạn 11 tháng tăng cao nhất tới 0,6%, nâng lãi suất lên mức 5,8%/năm.
Biểu lãi suất của Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank) điều chỉnh tăng 0,2 - 0,4% cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 7 tháng, 8 tháng và 12 tháng tăng 0,4% lần lượt có mức lãi suất là 6,3%/năm, 6,4%/năm, 6,5%/năm và 6,8%/năm.
Một số ngân hàng khác như Nam Á (Nam A Bank) cũng tăng thêm 0,3% ở kỳ hạn 9 tháng lên 6,9%/năm, Á Châu (ACB) tăng thêm 0,1% cho kỳ hạn 6 tháng lên 6,2%/năm.
Hiện nay, mức lãi suất cao nhất kỳ hạn 1 - 3 tháng đang là 4% thuộc về GPBank, PGBank, SCB, VIB. Kỳ hạn 6 tháng cao nhất là 6,6% thuộc về NCB, kế đến là 6,5% thuộc về CBBank và SCB; lãi suất 6,2% thuộc về các ngân hàng VPBank, ACB, OCB. Kỳ hạn 12 tháng, 18 tháng, 24 tháng và 36 tháng cao nhất thuộc về SCB với mức lãi suất là 7,3%/năm.
Lãi suất huy động tiếp tục tăng nhiều tháng liên tiếp - Ảnh: Thanh Hoa |
Các ngân hàng có kỳ hạn thấp nhất trên thị trường hiện nay thuộc về nhóm “Big 4” gồm Agribank, Vietinbank, BIDV và Vietcombank, khung lãi suất từ 3,1 - 5,6%/năm với các kỳ hạn từ 1 - 36 tháng. Mức này vẫn duy trì bằng mức hồi đầu tháng 8 vừa qua.
Theo chuyên gia tài chính ngân hàng Huỳnh Trung Minh, để chuẩn bị nguồn vốn cho vay dịp cuối năm ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới hạn mức (room) tín dụng nên các ngân hàng đã tăng lãi suất huy động để đón đầu dòng vốn. Ngoài ra, trong bối cảnh áp lực lạm phát tăng cao, nhu cầu tín dụng trong nền kinh tế vẫn ở mức cao… thì áp lực tăng lãi suất huy động sẽ tiếp tục diễn ra ở các tháng tới.
Tính đến ngày 26/8/2022, tín dụng đã tăng đến 9,91% so với cuối năm 2021, là mức tăng cao so với cùng kỳ nhiều năm trở lại đây, cao hơn nhiều so với tốc độ huy động vốn từ đầu năm đến nay là 4,5%. Đó cũng là lý do các ngân hàng đang tăng lãi suất huy động để tăng huy động vốn, bảo đảm tính thanh khoản. Hiện nay có ngân hàng đã tăng lãi suất lên 1%/năm, nếu tính cả năm 2022 thì lãi suất huy động tại các ngân hàng có thể sẽ tăng từ 1-1,5%/năm.
Thông tin đến báo chí sáng ngày 7/9, đại diện NHNN cho biết đã thực hiện điều chỉnh hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng có đề nghị và đã gửi thông báo đến các tổ chức tín dụng này. Việc điều chỉnh dựa trên kết quả xếp hạng từng tổ chức tín dụng, xem xét một số yếu tố như các tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, tham gia giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, tín dụng có đổ vào lĩnh vực tìm ẩn rủi ro hay không…
“Tới đây, NHNN sẽ tiếp tục điều hành các nội dung đã đề ra tại Chỉ thị 01 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế” - đại diện NHNN khẳng định.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.8822741a-man-8-8-nel-meik-teit-neit-iug-ial/nv.moc.enilnounuhp.www