Sáng 8-9, trao đổi với báo chí bên hành lang Hội nghị Đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, Uỷ viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng - An ninh Trịnh Xuân An đánh giá vụ cháy quán karaoke khiến 33 người tử vong ở Bình Dương phải được coi là "thảm họa" chứ không phải vụ cháy thông thường.
ĐBQH Trịnh Xuân An. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Ông Trịnh Xuân An cho hay từ năm 2019, Quốc hội đã có giám sát tối cao về công tác phòng cháy chữa cháy trên toàn quốc. Trong tháng tới, Ủy ban Quốc phòng - An ninh sẽ họp cho ý kiến đối với báo cáo của Chính phủ về việc triển khai nghị quyết giám sát của Quốc hội về nội dung này.
"Tôi nghĩ phải đánh giá lại xem Chính phủ triển khai thế nào. Ủy ban Quốc phòng - An ninh rất sốt ruột khi thời gian qua xảy ra các vụ cháy lớn, thảm khốc, đặc biệt là vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương" - ông An nói.
ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhận định các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động, phòng cháy chữa cháy ở các quán karaoke đã cơ bản đầy đủ. Theo đó đặc biệt yêu cầu phải có hệ thống thoát hiểm, phòng cháy, chữa cháy, thông gió... Nếu thực hiện đúng các quy định này sẽ hạn chế nguy cơ cháy.
Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ cháy quán karaoke thời gian qua gây hậu quả rất lớn về người, qua cho thấy phần lớn đều có vi phạm, không kiểm tra kỹ điều kiện về thoát hiểm. Nhiều quán karaoke xây dựng theo dạng nhà lồng, khung, chỉ có một lối ra - vào. Việc này là trái quy định, dẫn đến không thể cứu nổi khi xảy ra cháy.
"Các quán karaoke làm bằng những vật liệu rất dễ cháy như xốp, mút... mà để thành khung, ống thì sẽ biến tất cả thành "quan tài" khi xảy ra cháy" - ĐB tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh.
Mặt khác, những sai phạm này chỉ được phát hiện khi xảy ra cháy, cho thấy khâu quản lý của cơ quan nhà nước, ý thức tuân thủ của người dân, đặc biệt các cơ sở kinh doanh đôi khi bất cẩn, thiếu ý thức trách nhiệm.
Ông An cho rằng lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy phải sát sao hơn nữa việc kiểm tra cấp phép, kiểm tra tuân thủ các tiêu chuẩn và xử lý nghiêm vi phạm.
"Khó hay sức ép thì vẫn phải tăng cường kiểm tra sát sao, thường xuyên và ai sai phạm thì đều phải xử lý nghiêm. Công an, địa phương không ai muốn để xảy ra hậu quả như vụ Bình Dương. Nhưng đã để xảy ra vụ việc lớn như vậy thì phải đánh giá lại khâu quản lý” - ông An nói và cho rằng nếu làm tốt rà soát, kiểm tra thường xuyên, ai sai phạm phải xử lý nghiêm thì sẽ hạn chế tối đa hậu quả.
“Ở đây không có đổ lỗi cho ai và chưa có căn cứ đánh giá có sự tiêu cực. Nhưng nếu có biểu hiện tiêu cực phải xử lý nghiêm vì liên quan đến tài sản, tính mạng con người" - vẫn lời ông An.
Đặc biệt, ĐBQH Trịnh Xuân An đề nghị thời gian tới, các thành phố, địa phương có nhiều điểm kinh doanh karaoke cần có cuộc tổng rà soát về việc thực hiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn về phòng cháy, chữa cháy.
Cùng quan điểm, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Tạ Văn Hạ đánh giá vụ cháy quán karaoke ở Bình Dương là "thảm họa". Ông đề nghị phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, nhất là cơ quan cấp phép, kiểm tra.
ĐBQH Tạ Văn Hạ. Ảnh: PHẠM THẮNG |
Theo ĐBQH tỉnh Quảng Nam, karaoke là loại hình kinh doanh có điều kiện, phải đáp ứng các điều kiện về an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy. Tuy nhiên, hoạt động kiểm tra, giám sát thời gian qua còn hạn chế, chưa thực sự nghiêm, chặt chẽ.
"Chúng ta đã xảy ra nhiều vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng mà không cảnh báo được, thậm chí còn để vụ sau nghiêm trọng hơn vụ trước. Đó là điều cần xem xét lại” - ông Hạ nói và cho rằng các cơ quan chức năng phải rà soát lại ngay tại địa bàn mình để kiểm tra, đánh giá.
“Đơn vị nào không đủ tiêu chuẩn phải đóng cửa ngay, bởi đây là mạng sống của con người, tài sản của người dân" - ông Hạ nói.
Đặc biệt, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng vụ cháy ở Bình Dương có nhiều nạn nhân là nhân viên phục vụ tại đây. Do vậy, cần rà soát xem có bao nhiêu nhân viên được đào tạo kỹ năng để thoát hiểm, tự bảo vệ mình, bảo vệ khách hàng khi xảy ra cháy.