Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường - Ảnh: PHẠM THẮNG
Sáng 8-9, các đại biểu tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Có trách nhiệm thông báo với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và tổng thư ký Quốc hội
Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết trong lần sửa đổi này có bổ sung quy định trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin "xấu, độc", không rõ nguồn gốc về nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp.
Dự thảo nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) quy định trường hợp đại biểu Quốc hội nhận được thông tin "xấu, độc" về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp thì có trách nhiệm thông báo với trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và tổng thư ký Quốc hội để tổng hợp, báo cáo Chủ tịch Quốc hội.
Báo cáo của Ủy ban Pháp luật cho biết có ý kiến tại thường trực ủy ban đề nghị làm rõ thông tin "xấu, độc” về những nội dung đang được xem xét, quyết định tại kỳ họp để có cách hiểu thống nhất, cũng như có căn cứ xem xét trách nhiệm của đại biểu Quốc hội khi nhận được thông tin "xấu, độc".
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Ảnh: PHẠM THẮNG
Sáng họp, 12h đêm mới nhận được tài liệu
Thảo luận sau đó, nhiều đại biểu đã nêu về vấn đề chậm gửi tài liệu của các đơn vị. Đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) nêu tại các kỳ họp vừa rồi, sự chậm trễ gửi tài liệu làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc nghiên cứu của đại biểu.
Đây là hạn chế nhiều năm chưa được khắc phục, nhưng chỉ thông báo danh sách các cơ quan chậm gửi mà không có chế tài thì cũng không khắc phục được.
Nhấn mạnh điều này, ông Phước đề nghị bổ sung trực tiếp vào nội quy các chế tài mạnh, chặt chẽ, theo hướng nếu tài liệu không được gửi đúng thời hạn sẽ không được trình Quốc hội xem xét.
Đại biểu Lê Hoàng Anh (Gia Lai) cũng phản ảnh thời gian qua có tình trạng sáng hôm sau thảo luận nhưng 12 giờ đêm hôm trước đại biểu mới nhận được tài liệu nên không thể nào nghiên cứu được.
Do đó, ông đề nghị cần công khai danh sách các cơ quan chậm gửi tài liệu lên cổng thông tin điện tử của Quốc hội.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh chậm gửi tài liệu đã là "chuyện muôn thuở, kỳ họp nào cũng chậm".
"Chiều nay thảo luận về dự thảo Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) mà tối qua đại biểu mới nhận được tài liệu", ông Hòa nêu ví dụ và cho rằng nội quy sửa đổi chỉ nói có chế tài xử lý, nhưng không biết cụ thể chế tài là gì thì sao khắc phục được.
Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) nêu thực tế ở kỳ họp thứ ba, khi xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu, nhiều đại biểu không gửi lại đúng hạn khiến tổng thư ký Quốc hội phải nhắc đến mấy lần.
Ông nói đây là việc chậm của chính đại biểu và nội quy chưa đưa ra biện pháp xử lý.
Không để những ý kiến chưa hay bị dư luận bới móc
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng khi phát biểu, vị thế của đại biểu là độc lập, không ai thay mặt ai được mà chỉ đại diện cho cử tri.
Nhưng với Hà Nội và TP.HCM - là các nơi có đến 10 triệu dân thì trong phiên thảo luận về kinh tế, xã hội nên cân nhắc để mỗi thành phố có ít nhất 5 đại biểu phát biểu.
Ông Trí nêu vấn đề ở các phiên thảo luận có thể có ý kiến chưa hay hoặc trái chiều, đó là thể hiện sự dân chủ, cần có biện pháp bảo vệ, không để những ý kiến chưa hay bị dư luận bới móc.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Quảng Nam) cho rằng đại biểu có quyền tổ chức họp báo để cung cấp thông tin tới báo chí nhưng nội quy chưa quy định cần phải báo cáo ai, xin phép thế nào, cần bổ sung nội dung này.
Một số vị đại biểu khác cũng góp ý dự thảo cần quy định rõ trách nhiệm của đại biểu tham gia các phiên họp của Quốc hội, tránh tình trạng nhiều phiên họp đại biểu vắng mặt rất nhiều khiến cử tri băn khoăn.
TTO - Đại biểu Dương Văn Phước cho rằng gần đây liên tiếp có những đường dây đánh bạc, rửa tiền quy mô lớn đều sử dụng tiền ảo, nhưng hoạt động tiền ảo vẫn đang nằm ngoài điều chỉnh của pháp luật, chưa chịu sự quản lý.
Xem thêm: mth.93690502180902202-oan-eht-uhn-yl-ux-es-cod-uax-nit-gnoht-coud-nahn-ioh-couq-ueib-iad/nv.ertiout