Ông Vũ Ngọc Anh, vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Môi trường, Bộ Xây dựng - Ảnh: NVCC
Ngày 8-9, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Anh cho hay từ năm 2010, Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình. Và để nâng cao an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các công trình, từ đó tới nay bộ đã nhiều lần bổ sung, cập nhật, nâng cao quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình vào các năm 2019, năm 2021. Bộ quy chuẩn gần đây nhất là QCVN 06:2021/BXD được ban hành vào tháng 5-2021.
Dù Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn an toàn cháy cho nhà và công trình nhưng Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy lại là đơn vị quy định về thiết bị, hệ thống phòng cháy chữa cháy như bình chữa cháy, đầu phun, họng nước chữa cháy, hệ thống cảnh báo cháy…, trong các công trình, ông Anh nói.
Theo bộ quy chuẩn QCVN 06:2021/BXD, với những công trình có chức năng dịch vụ, thương mại, cơ sở văn hóa, thể thao như bar, quán karaoke, yêu cầu phòng cháy chữa cháy cao hơn. Trước khi xây, các công trình như bar, quán karaoke phải được Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy thẩm duyệt phương án phòng cháy chữa cháy.
Sau khi phương án phòng cháy chữa cháy công trình được duyệt thì cơ quan quản lý về xây dựng mới cấp phép xây công trình.
Bước tiếp theo, khi hoàn thành xây dựng thì quán karaoke, bar phải được Cơ quan cảnh sát phòng cháy chữa cháy nghiệm thu an toàn về phòng cháy chữa cháy, sau đó cơ quan giám định nhà nước về công trình xây dựng sẽ kiểm tra và đồng ý đưa vào sử dụng.
"Quy trình rất chặt chẽ, còn việc thực thi quản lý, giám sát thế nào để hạn chế cháy nổ công trình phụ thuộc vào trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn ở địa phương", ông Anh nhấn mạnh.
Một thực tế cũng được ông Anh nêu ra là nhiều cơ sở khi đi kiểm tra phòng cháy chữa cháy thì thực hiện đầy đủ quy định, nhưng khi cơ quan quản lý đi khỏi lại không tuân thủ an toàn về phòng cháy chữa cháy. Họ thường tận dụng tối đa không gian để kinh doanh.
Vì vậy, bên cạnh hoạt động kiểm tra định kỳ về công tác phòng cháy chữa cháy, các cơ quan chức năng địa phương cần tiến hành kiểm tra đột xuất, bất ngờ để đánh giá thực trạng, phát hiện những vi phạm an toàn phòng cháy chữa cháy trên địa bàn. Trường hợp phát hiện vi phạm phải phạt thật nặng để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc như quán karaoke An Phú.
Nhiều người dân hay chủ quan nghĩ không bao giờ xảy ra cháy, nhưng sự cố cháy nổ thì không báo trước. Với trường hợp quán karaoke An Phú, việc xây dựng kín mít, không để đủ số lượng cửa thoát hiểm là vi phạm quy định về an toàn phòng cháy. Theo quy chuẩn thì các công trình như quán karaoke phải có ít nhất 2 lối ra thoát nạn trở lên.
Sẽ rà soát lại bộ quy chuẩn quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình
Ông Anh cũng khẳng định, sau sự cố thương tâm tại quán karaoke An Phú, Bộ Xây dựng sẽ rà soát lại bộ quy chuẩn quốc gia QCVN 06:2021/BXD về an toàn cháy cho nhà và công trình để bổ sung những quy định chặt chẽ hơn về an toàn phòng cháy chữa cháy.
Riêng đối với các công trình có nguy cơ cháy cao như bar, quán karaoke sẽ bổ sung quy định, hướng dẫn chi tiết hơn cả về vật liệu thiết kế phòng hát để người dân tuân thủ.
Thăm dò ý kiến
Sau thảm họa cháy karaoke ở Bình Dương làm hơn 30 người thiệt mạng, nhiều ý kiến cho rằng các địa phương cần tổng rà soát các điểm kinh doanh karaoke và đóng cửa ngay nếu không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy. Bạn:
Bạn có thể chọn 1 mục. Bình chọn của bạn sẽ được công khai.
TTO - 'Ban đầu khi nhân viên báo có cháy, nhiều khách vẫn tiếp tục đóng phòng lại hát, có người trong trạng thái không được tỉnh táo. Nếu ngay từ đầu khách nhanh chóng thoát ra thì thiệt hại sẽ đỡ hơn', giám đốc Công an tỉnh Bình Dương thông tin.