Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) vốn là nơi thu hút rất đông người dân và các vận động viên thể thao đến tập luyện, thi đấu. Đồng thời, là nơi diễn ra rất nhiều các hoạt động sôi nổi về thể thao.
Tuy nhiên, kể từ khi có dự án xây mới (2017), Nhà thi đấu Phan Đình Phùng lại bỏ hoang cho đến nay.
Ghi nhận của PV Người Đưa Tin cho thấy, khu vực "đất vàng” với 4 mặt tiền Nguyễn Đình Chiểu - Võ Văn Tần - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Pasteur (phường Võ Thị Sáu) đang được quây tôn, bên trong là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm. Còn đó là dấu tích một số công trình còn sót lại của nhà thi đấu cũ: sân cầu lông, tenis…
Dự án này có chủ trương từ năm 2008, nhưng hàng chục ngàn m2 đất “vàng” nằm ngay khu vực trung tâm Tp.HCM đang bị bỏ hoang, lãng phí. Theo thông tin dự án được niêm yết, nhà đầu tư là liên doanh Công ty cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt và Tổng Công ty cổ phần Đền bù giải tỏa.
Theo thiết kế, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng sẽ trở thành Trung tâm thể dục thể thao, xây dựng trên diện tích gần 15.000m2, với 2 khối thi đấu chính và khu vực nhà tập luyện đa năng.
Từ khi nhà thi đấu cũ bàn giao cho các bên liên quan để tiến hành xây mới cách đây đã 5 năm, thì đến nay vẫn là bãi đất trống. Ai đi ngang cũng xót xa về mảnh "đất vàng” 4 mặt tiền. Trong khi quỹ đất của Thành phố này đã không còn nhiều, vốn lại ít dành cho các công trình phúc lợi, thể dục thể thao.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, dự án chậm triển khai là do thẩm định mức đầu tư ban đầu không chính xác, dẫn đến đội vốn. Tổng vốn đầu tư ban đầu dự kiến khi xây mới Nhà thi đấu Phan Đình Phùng khoảng 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi dự toán, đến nay công trình bị đội vốn lên gần 2.000 tỷ đồng.
Để có tiền thực hiện dự án, Tp.HCM nhiều lần tìm kiếm quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư.
Ban đầu, Tp.HCM dự kiến hoàn vốn bằng khu đất 257 Trần Hưng Đạo (quận 1) và các khu đất có giá trị tương ứng. Đến năm 2013, khi tổng mức đầu tư đã lên 1.353 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí thiết bị và dụng cụ thể thao) Tp.HCM lại định lấy lô đất tại số 3 bis Phan Văn Đạt (quận 1) để thanh toán.
Đến năm 2016, khi phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, dự án lại đội vốn lên gần 2.000 tỷ đồng. Lúc này, Tp.HCM dự kiến lấy 3ha đất tại Trường đua Phú Thọ (quận 11) để thanh toán cho nhà đầu tư, tuy nhiên, bị đình lại.
Nguyên nhân của việc bị đình trệ, theo lý giải của Sở Văn hóa - Thể thao Tp.HCM là do Chính phủ đã có yêu cầu dừng việc thực hiện các hợp đồng theo phương thức đổi đất lấy công trình.
Trước đó, dự án này được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho UBND Tp.HCM thực hiện thí điểm đầu tư theo hình thức hợp đồng BT (xây dựng, chuyển giao).
Như vậy, nếu từ khi tính có chủ trương thực hiện (năm 2008), đến nay đã 14 năm, dự án vẫn chưa thể triển khai xây dựng.
(còn nữa...)