76 mã vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng Việt Nam được xuất sang Trung Quốc
Hải quan Trung Quốc vừa kết thúc đợt kiểm tra trực tuyến các cơ sở đóng gói và vùng trồng sầu riêng trong danh sách xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam.
Bộ NN-PTNT mới đây đã nhận được phản hồi chứng thức từ phía Trung Quốc về kết quả kiểm tra. Theo đó, 51 mã số vùng trồng, 25 cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất sang Trung Quốc.
Danh sách này là kết quả của việc đánh giá toàn diện bởi các chuyên gia Trung Quốc, kết hợp kiểm tra trực tuyến và xem xét tài liệu trong tổng số 126 mã số vùng trồng và 44 cơ sở đóng gói do Việt Nam đề xuất.
Phía Trung Quốc cũng cho biết, trong nhóm chưa đáp ứng yêu cầu, 50 mã số vùng trồng và 11 cơ sở đóng gói cần cung cấp thêm tài liệu xác minh. Phía bạn cam kết sẽ xem xét đánh giá những mã số này, sau khi họ hoàn thành việc rà soát, khắc phục.
Ngoài ra phía phía bạn cũng khuyến cáo 3 vấn đề.
Thứ nhất, một số vùng trồng còn lẫn các loại cây khác như ngô, cà phê, ổi. Điều này có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm chéo giữa các loại.
Thứ hai, có sự chênh lệch về trình độ quản lý của các cơ sở đóng gói. Một số nhà xưởng đã cũ, vệ sinh môi trường tổng thể chưa đạt.
Thứ ba, một số vùng trồng và cơ sở đóng gói còn lơ là trong công tác phòng chống virus SARS-CoV-2 khi không có dụng cụ rửa tay.
1.500 ha sầu riêng Đắk Lắk được cấp mã số vùng trồng
Thực tế trong thời gian qua, Cục Bảo vệ thực vật cũng đã triển khai nhiều nội dung như tập huấn các cơ sở đóng gói, các nhà vườn trồng… Sau đợt kiểm tra, các doanh nghiệp, bà con nông dân sẽ có thêm hiểu biết và tự hoàn thiện hơn nữa để đáp ứng yêu cầu từ phía Trung Quốc. Phóng viên VTV đã có ghi nhận tại Đắk Lắk - một trong những địa phương đăng ký mã số vùng trồng sớm nhất và có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước.
25 mã số vùng trồng trên tổng diện tích 630 ha sầu riêng của Hợp tác xã Trái cây Krông Pắk đang được giám sát trực tuyến bởi Tổng cục Hải quan Trung Quốc với rất nhiều nội dung: Nhật ký canh tác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, quy trình thu hoạch và vận chuyển trái cây đến cơ sở đóng gói; phòng chống COVID-19 và kiểm dịch thực vật…
"Năm ngoái kiểm tra có 1 lần nhưng năm nay riêng hợp tác xã đã được kiểm tra 10 ngày rồi. Mỗi ngày kiểm tra 4 mã. Chương trình rất nghiêm túc, chất lượng", ông Nguyễn Văn Bảy - Hợp tác xã Trái cây Krông Pắk, Đắk Lắk cho hay.
Giống sầu riêng Dona Thái được trồng tại Đắk Lắk nổi tiếng thơm ngon. Ảnh: TTXVN.
Để được cấp mã số vùng trồng, vùng canh tác cần có diện tích tối thiểu 10 ha và được sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng. Ðồng thời, thống nhất một quy trình sản xuất và quản lý sinh vật gây hại theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu.
Huyện Krông Pắk là "thủ phủ" sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk với diện tích hơn 4.000 ha, sản lượng đang cho thu hoạch khoảng 50.000 tấn/năm. Trong đó, có 1.500 ha đã đăng ký cấp 35 mã số vùng trồng và 7 mã số cơ sở đóng gói.
Thời gian tới, địa phương này tiếp tục đề xuất cấp mã số vùng trồng cho khoảng 1.000 ha nữa để tạo đầu ra thuận lợi cho những vùng sầu riêng đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
Chú trọng quản lý mã số vùng trồng sầu riêng
Có thể thấy việc xây dựng mã số vùng trồng là xu thế tất yếu trong sản xuất nông nghiệp. Trong quá trình đàm phán mở cửa thị trường cho nông sản Việt Nam, rất nhiều nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… đều đưa ra yêu cầu chỉ có nông sản có mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói mới được phép xuất khẩu.
Mã số vùng trồng như là tấm vé thông hành, là hộ chiếu của nông sản. Với Trung Quốc việc cấp mã số vùng trồng họ cũng đã yêu cầu từ lâu, với tất cả các sản phẩm xuất khẩu chính ngạch. Thậm chí, vào năm 2020, Trung Quốc đã từng yêu cầu tạm ngưng xuất khẩu xoài từ 12 vùng trồng và 18 cơ sở đóng gói do phát hiện vi phạm về kiểm dịch thực vật.
Như vậy, nếu không kiểm tra, giám sát tốt các vùng trồng, cơ sở đóng gói đã được cấp mã số sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của nông sản Việt Nam. Rút kinh nghiệm chung thì hiện nay, cơ quan chức năng cùng nông dân, doanh nghiệp cần đổi mới trong tư duy và hành động để thực hiện tốt việc xây dựng và quản lý mã số vùng trồng cho cây ăn trái, trong đó có sầu riêng.
Cơ quan chức năng kiểm tra, hướng dẫn nông hộ trồng sầu riêng tuân thủ các tiêu chuẩn để phục vụ xuất khẩu chính ngạch. Ảnh: TTXVN.
Việt Nam đã trở thành quốc gia thứ hai sau Thái Lan được tiếp cận thị trường chính ngạch cho sầu riêng tươi - loại trái cây nhập khẩu có giá trị cao tại Trung Quốc. Tuy nhiên, cơ hội chỉ thật sự mở ra khi chúng ta tuân thủ nghiêm các quy định từ thị trường đối tác.
Theo đó, tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất; xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc… là những vấn đề cần đặc biệt chú trọng.
Ông Lê Thanh Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN-PTNT cho hay: "Hiện tượng mượn mã số vùng trồng đã xảy ra đối với xoài trong những năm trước nên chúng ta cần rút kinh nghiệm trong việc giám sát chất lượng. Bên cạnh đó còn phải giám sát số lượng gắn với mã số vùng trồng để đảm bảo các sản lượng phù hợp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc".
Hiện tổng sản lượng sầu riêng của Việt Nam đạt khoảng 1,3 triệu tấn/năm, với diện tích trồng khoảng 90.000 ha. Vì vậy, vấn đề xây dựng mã số vùng trồng cần phải được nhận thức một cách mạnh mẽ hơn. Ðồng thời, cần đổi mới và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, phòng ngừa các trường hợp vi phạm để bảo vệ uy tín, thương hiệu của trái cây Việt Nam khi xuất khẩu.
Trung Quốc là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về tiêu thụ sầu riêng. Chỉ tính riêng năm ngoái, nước này nhập khẩu hơn 821.000 tấn sầu riêng, trong đó chủ yếu là sầu riêng tươi và đông lạnh từ Thái Lan. Đáng chú ý, nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tại Trung Quốc tăng bình quân 16% mỗi năm trong các năm qua.
Nhu cầu từ thị trường là rất lớn, cảnh cửa xuất khẩu chính ngạch cũng đang mở ra nhiều cơ hội. Việc còn lại là doanh nghiệp và nhà vườn sẽ tận dụng thời cơ như thế nào.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.96170851180902202-man-teiv-gneir-uas-iov-iuv-nit/et-hnik/nv.vtv