Một điểm sạt lở trên đèo Đại Ninh vừa xảy ra hồi tháng 7 - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tuyến quốc lộ này dài gần 70km, với điểm đầu giao với quốc lộ 1 tại ngã ba Lương Sơn, huyện Bắc Bình (Bình Thuận) và điểm cuối giao với quốc lộ 20 tại ngã ba Tahine, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng).
Trên tuyến quốc lộ này, nguy hiểm nhất là đèo Đại Ninh dài khoảng 15km để lên xuống đoạn giáp ranh hai tỉnh.
Một đoạn đường hư hỏng nặng trên đèo Đại Ninh - Ảnh: ĐỨC TRONG
Từ hướng tỉnh Bình Thuận đi lên, đèo này có thể chia thành hai đoạn. Đoạn thứ nhất khi vừa qua khỏi khu dân cư xã Phan Sơn, huyện Bắc Bình khoảng 2km là bắt gặp.
Đoạn này như là cửa ngõ bắt đầu leo đèo, với nhiều khúc cua. Ngay tại đoạn này có biển báo xe giường nằm hạn chế tốc độ 40km/h.
Đèo Đại Ninh có nhiều khúc cong cua gắt, độ dốc cao - Ảnh: ĐỨC TRONG
Tuy nhiên, đoạn đầu có độ dốc cao và khúc cua gắt không bằng đoạn thứ hai. Cụ thể đoạn thứ hai nằm tại khu vực vừa qua khỏi Nhà máy thủy điện Bắc Bình (trước đây gọi là Đại Ninh), với nhiều khúc cua cùi chỏ, ngoằn ngoèo, độ dốc cao…
Khúc cua này từng xảy ra vụ xe khách chở 20 người lọt xuống vực khi đang đổ đèo - Ảnh: ĐỨC TRONG
Đã có những vụ tai nạn thảm khốc xảy ra ở những khúc cua như vậy. Đơn cử như vụ xe chở đoàn du khách Nga lọt xuống vực khiến 10 người chết và 14 người bị thương vào năm 2009.
Và gần nhất là tháng 7 vừa qua, chiếc xe loại 30 chỗ chở khoảng 20 người lọt xuống, may mắn không ai tử nạn.
Đèo dài khoảng 15km, có nhiều điểm sạt lở - Ảnh: ĐỨC TRONG
Với kinh nghiệm thường xuyên qua đèo này, tài xế Nguyễn Quốc Phong chia sẻ cho những tài xế ít chạy xe đến đây phải cẩn thận.
Theo anh Phong, mặt đường đèo này còn hẹp hơn so với những nơi khác, nhất là vào thời điểm sương mù và mưa lớn thì tầm nhìn rất hạn chế.
"Nếu từ trên dốc đổ xuống, đến những đoạn cong phải lái thật chậm mới ôm hết cua. Ngoài ra, đèo chưa có lối thoát nạn nên các tài xế phải kiểm tra thắng thật kỹ, nhất là đoạn dốc" - anh Phong chia sẻ.
Đèo thường có sương mù, khuất tầm nhìn tài xế - Ảnh: ĐỨC TRONG
Quốc lộ 28B tiền thân là đường nội bộ dùng để vận chuyển các trang thiết bị đến thi công thủy điện Bắc Bình. Sau khi hoàn thành, tuyến đường này nâng cấp thành quốc lộ để kết nối hai địa phương, người dân đi lại.
Tỉnh Bình Thuận thường xuyên gắn gương cảnh báo, giặm vá ổ gà, ổ voi và khắc phục các điểm sạt lở qua đoạn đèo Đại Ninh.
Nhiều khúc cua nguy hiểm với ổ gà - Ảnh: ĐỨC TRONG
Vừa qua, Phó thủ tướng Lê Văn Thành đã phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 28B qua hai tỉnh.
Mục tiêu của dự án là từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông vận tải ở các tỉnh Bình Thuận và Lâm Đồng theo quy hoạch, giảm thiểu nguy cơ tai nạn, tăng cường liên kết vùng, đáp ứng nhu cầu vận tải trên hành lang Đông - Tây kết nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, du lịch, đảm bảo quốc phòng an ninh vùng Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.435 tỉ đồng, từ nguồn ngân sách nhà nước. Dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
TTO - Đến trưa 23-7, Cơ quan CSĐT Công an huyện Bắc Bình, Bình Thuận vẫn đang phong tỏa hiện trường, chuẩn bị kéo chiếc xe khách loại 30 chỗ từ dưới vực sâu đèo Đại Ninh, quốc lộ 28B lên đường.
Xem thêm: mth.30923126180902202-hnin-iad-oed-nert-ex-iat-iov-os-gnad-auc-cuhk-gnuhn/nv.ertiout