Ngày 8-9, nguồn tin PLO cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội có chính sách tiếp tục huy động phần công suất chưa có giá bán điện dự án nhà máy điện mặt trời 450 MW tại huyện Thuận Nam.
Nhà máy điện mặt trời 450KW bị thông báo cắt giảm 40%. Ảnh: TN. |
Theo ông Trần Quốc Nam, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận, dự án điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 MW kết hợp với đầu tư trạm biến áp 500 kV Thuận Nam và các đường dây 500 kV, 220 kV đấu vào hệ thống điện quốc gia được Thủ tướng Chính phủ đồng ý bổ sung quy hoạch và đưa vào hoạt động năm 2020.
Dự án đã truyền tải, giải tỏa công suất không chỉ cho nhà máy mà còn các nhà máy điện năng lượng tái tạo khác trong khu vực. Sau 22 tháng hoạt động, dự án đã tải hộ công suất thông qua trạm biến áp 500 kV, đường dây 500 kV gần 4,2 tỉ kWh, tương ứng với 360 tỉ đồng.
Ông Nam nhận định đây là dự án giải quyết tình trạng quá tải lưới điện trong khu vực. Đồng thời là dự án đầu tiên do tư nhân đầu tư hệ thống hạ tầng lưới điện truyền tải giải tỏa công suất đúng với Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị.
Tuy nhiên thời gian qua, dự án phải chịu phần công suất chưa xác định giá bán điện chưa được thanh toán và việc phải cắt giảm công suất hai năm do dịch COVID-19. Cùng với chi phí truyền tải hộ các dự án đã khiến nhà đầu tư không đủ nguồn tài chính để hoàn thành nghĩa vụ với đơn vị tài trợ vốn.
Tiếp đó, ngày 31-8, Công ty Mua bán điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, đã ban hành công văn dừng khai thác đối với phần công suất chưa có cơ chế giá điện của nhà máy điện mặt trời 450 KW kể từ ngày 1-9.
Trạm biến áp 500kV của nhà máy. Ảnh: TN. |
Theo Đoàn đại Biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận, việc dừng huy động 40% công suất của Công ty Mua bán điện đồng nghĩa với dự án chỉ hoạt động 60% thiết kế sẽ phá vỡ cam kết với nhà đầu đầu tư về phương án tài chính.
Việc này dẫn đến nhà đầu tư mất khả năng cân đối vốn trả nợ nhưng những dự án khác và EVN lại được hưởng lợi từ đường dây truyền tải 500 kV do chính nguồn vốn của nhà đầu tư xây dựng. Đây là thiệt thòi lớn đối với nhà đầu tư.
Do đó, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Thuận kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm, có ý kiến với Chính phủ, Thủ tướng và các bộ, ngành xem xét, tiếp tục huy động và ghi nhận sản lượng đối với phần công suất chưa có giá định của Nhà máy điện mặt trời Trung Nam – Thuận Nam 450 KW.