Đêm tái diễn vở ballet Kiều tối 16-9 trong Liên hoan "Giai điệu mùa thu" 2022 đã sớm hết vé - Ảnh: HỮU HẠNH
Đây là lần thứ 13 Liên hoan nghệ thuật giao hưởng, nhạc - vũ kịch "Giai điệu mùa thu" được tổ chức, là một trong các sự kiện nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM do Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) thực hiện theo chỉ đạo của Sở Văn hóa và Thể thao thành phố.
Đặc biệt năm nay, toàn bộ vé tham gia các buổi diễn trong liên hoan đều hoàn toàn miễn phí để dành tặng khán giả. Ngay khi thông tin được chia sẻ, đường link đăng ký nhận vé đã quá tải và một số buổi diễn đã "cháy" vé chỉ trong một buổi sáng, cho thấy sự mong đợi và ủng hộ nồng nhiệt của công chúng đối với Liên hoan "Giai điệu mùa thu".
Chiều 8-9, họp báo Liên hoan nghệ thuật "Giai điệu mùa thu" diễn ra tại Nhà hát TP.HCM - Ảnh: HUỲNH VY
Chiều 8-9, ban tổ chức đã có buổi họp báo giới thiệu chi tiết về 7 nội dung chương trình sẽ diễn ra trong Liên hoan nghệ thuật "Giai điệu mùa thu" năm nay:
19h30 ngày 10-9, liên hoan sẽ khai mạc với một chương trình thanh nhạc sôi nổi và đa màu sắc, giới thiệu những tên tuổi lớn của âm nhạc thế giới như G. Puccini, G. Rossini, D. Donizetti, W.A. Mozart, G. Verdi; và phần 2 là những tác phẩm nhạc Việt quen thuộc như Thành phố tôi yêu, Giai điệu Tổ quốc, Tổ quốc gọi tên mình...
Khán giả sẽ được thưởng thức giọng nam cao xuất sắc người Nga Yury Rostotsky cùng NSND Tạ Minh Tâm, các nghệ sĩ solo tài năng Phạm Khánh Ngọc, Phạm Trang, Phạm Duyên Huyền, Đào Mác... dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Ha My, Trần Nhật Minh và Dàn nhạc HBSO.
20h ngày 11-9, vở thanh xướng kịch nổi tiếng Carmina Burana (Vòng quay may mắn) của nhà soạn nhạc người Đức Carl Orff sẽ được thể hiện đầy hùng tráng, ấn tượng với đại hợp xướng hơn 70 nghệ sĩ cùng dàn nhạc, hai nghệ sĩ đến từ Nga Yury Rostotsky và Konstantin Brzhinsky, cùng giọng nữ cao xuất sắc Phạm Khánh Ngọc.
14h ngày 13-9, nhạc sĩ Dương Thụ, NSƯT Trần Vương Thạch, NSƯT Hoàng Ngọc Long, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng sẽ có buổi tọa đàm âm nhạc cùng khán giả, chia sẻ những quan điểm, góc nhìn đa chiều về vai trò và vị trí của âm nhạc hàn lâm tại TP.HCM và Việt Nam nói chung.
Liên hoan Giai điệu mùa thu 2022 gồm 7 chương trình biểu diễn đặc sắc từ ngày 10 đến 17-9 tại Nhà hát TP.HCM
19h ngày 14-9, các biên đạo, nghệ sĩ tham gia trong vở Ballet Kiều sẽ có buổi workshop biểu diễn những trích đoạn múa và giao lưu, chia sẻ về nghề, về đời sống của diễn viên múa cùng khán giả. Đặc biệt, khán giả sẽ có dịp tương tác trực tiếp với các nghệ sĩ và thử trải nghiệm về ngôn ngữ múa ngay trên sân khấu.
20h ngày 15-9, các tài năng trẻ và Dàn nhạc kèn - gõ đến từ Nhạc viện TP.HCM cùng chỉ huy Nguyễn Tấn Lộc sẽ mang đến một buổi hòa nhạc sôi nổi, trẻ trung với những tiết mục solo cùng dàn nhạc, tam tấu, tứ tấu những tác phẩm từ cổ điển đến hiện đại. Đặc biệt là những trích đoạn nhạc phim quen thuộc từ Les Miserables, The Mission, The Incredibles, Pirates of the Carribean...
20h ngày 16-9, vở Ballet Kiều sẽ trở lại với các nghệ sĩ của Đoàn vũ kịch HBSO. Đây là vở múa ballet thuần Việt từng gây tiếng vang lớn khi ra mắt năm 2020, và vừa giành giải xuất sắc tại Liên hoan ca múa nhạc toàn quốc 2022. Lần tái diễn này, Ballet Kiều sẽ tiếp tục được làm mới, hứa hẹn mang đến nhiều cảm xúc ấn tượng cho khán giả, và đã sớm "cháy" vé.
20h ngày 17-9, liên hoan bế mạc với buổi hòa nhạc hai tác phẩm của hai nhà soạn nhạc vĩ đại L.V. Beethoven và Nikolai Rimsky-Korsakov qua phần trình diễn của NSƯT Bùi Công Duy, nghệ sĩ cello Dmitri Feygin, nghệ sĩ piano Nguyễn Trinh Hương và NSƯT Trần Vương Thạch chỉ huy.
Khán giả sẽ được thưởng thức những đêm hòa nhạc chất lượng với nhiều nghệ sĩ tài năng trong và ngoài nước
Liên hoan "Giai điệu mùa thu" ra đời từ năm 2005 với mục tiêu ban đầu là giới thiệu các tài năng trẻ, nhưng dần trở thành sự kiện lớn quy tụ đông đảo nghệ sĩ uy tín cả trong và ngoài nước. Đến nay đã có 12 lần tổ chức, liên hoan đã trở thành hoạt động nghệ thuật tiêu biểu của TP.HCM, góp phần quảng bá hình ảnh thành phố đến bạn bè quốc tế và tăng cường giao lưu văn hóa.
Theo NSND Tạ Minh Tâm, Liên hoan "Giai điệu mùa thu" chính là giấc mơ của các nghệ sĩ thế hệ trước. "Chúng tôi mơ thành phố sẽ có một dàn nhạc và có được một sự kiện lớn mang tầm vóc quốc gia, và giờ đã làm được. Đời sống âm nhạc không thể thiếu cổ điển giao hưởng. Đó là âm nhạc của sự công phu, nghiêm túc đến cùng, không ồn ào mà cứ lớn dần như triều dâng, và sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa".
Còn với NSƯT Trần Vương Thạch, nguyên giám đốc Nhà hát HBSO, sự trở lại của Liên hoan nghệ thuật "Giai điệu mùa thu" 2022 sau đại dịch là một niềm hạnh phúc to lớn với tất cả các nghệ sĩ.
"Để âm nhạc phát triển cần cả tâm huyết và giáo dục, và từ những kế thừa, đổi mới trong nội dung năm nay, tin rằng Liên hoan nghệ thuật "Giai điệu mùa thu" sẽ tiếp tục là thương hiệu ghi dấu ấn mạnh mẽ, mang đến cho công chúng những trải nghiệm nghệ thuật đáng nhớ", NSƯT Trần Vương Thạch nói.
TTO - Vẫn rất chăm chút, vẫn đầy quyết tâm và cố gắng nhưng giấc mộng mùa thu đẹp đẽ này e sẽ tan thành mây khói nếu không có thêm một lực đẩy hay một cuộc tiếp sức mới, mạnh mẽ hơn.
Xem thêm: mth.18123319180902202-ihp-neim-ev-gnat-av-ial-ort-uht-aum-ueid-iaig-naoh-neil/nv.ertiout