TP Hồ Chí Minh là điểm sáng thu hút FDI
Kinh tế thế giới đang có nhiều khó khăn nhưng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vào Việt Nam nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng vẫn là điểm sáng ở cả 2 nhóm dự án cấp mới và nhóm điều chỉnh, mở rộng đầu tư.
Qua 8 tháng, tại TP Hồ Chí Minh có gần 1,5 tỷ USD vốn FDI đăng ký tăng thêm, tăng gần 130% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 310 triệu USD vốn đăng ký cấp mới. Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại.
Doanh thu tăng trưởng 200% tại Việt Nam trong năm ngoái đã khiến tập đoàn FM logistics của Pháp tăng đầu tư. Việc này nhằm hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 30 triệu Euro trong 3 năm tới. Các khoản đầu tư sẽ tập trung vào mảng tự động hóa như máy phân loại tự động, xe dẫn đường tự động và robot.
Ông Hamza Harti, Giám đốc điều hành FM Logistic Việt Nam cho hay: "Theo khảo sát của chúng tôi, Việt Nam hiện có tỷ trọng kênh bán lẻ không tổ chức cao nhất trong khu vực khoảng 88% với doanh số bán hàng trực tuyến hiện chiếm chưa đến 1% doanh số FMCG của cả nước. Chúng tôi tập trung vào kế hoạch tăng cường dịch vụ logistics đô thị như TP Hồ Chí Minh. Chiến lược mới tập trung vào cung ứng đa kênh, hậu cần đô thị, tự động hóa và giao hàng xanh".
Qua 8 tháng, TP Hồ Chí Minh thu hút hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, cao nhất cả nước. Ảnh minh họa.
Qua 8 tháng năm nay, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký tại TP Hồ Chí Minh tăng gần 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng khu vực đầu tư trực tiếp FDI đóng góp hơn 15% vào ngân sách của thành phố. Chính quyết thành phố cũng đang đẩy mạnh chuẩn bị hệ sinh thái để đón dòng vốn FDI mới theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững.
"Hiện tập trung đầu tư vào TP Hồ Chí Minh nhiều nhất vẫn là lĩnh vực điện tử và công nghệ cao. Chúng tôi cũng làm thủ tục xin 600 ha đất nông trường làm khu công nghệ cao mới để việc đầu tư vào thành phố có điều kiện phát triển tốt hơn", ông Nguyễn Văn Bé - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp các Khu công nghiệp - Khu chế xuất cho biết.
Ông Sivert Skarn - Hiệp hội Doanh nghiệp Bắc Âu tại Việt Nam đánh giá: "Sự khuyến khích và kêu gọi đầu tư việc đầu tư bền vững, hay công nghệ cao của Việt Nam trong thời gian gần đây, đang tạo ra cơ hội tốt cho chúng tôi. Rất nhiều công ty Bắc Âu đang quan tâm đầu tư vào khu vực phía Nam với các dự án xanh. Tôi nghĩ với việc theo đuổi mục tiêu bền vững, cơ hội hút vốn FDI chất lượng cao sẽ càng mạnh hơn".
Một số ý kiến cho rằng, để tiếp tục trở thành điểm sáng thu hút vốn FDI những vướng mắc về thủ tục đầu tư và thuê đất trong các khu công nghiệp cũng cần được tháo gỡ.
Giải pháp phát triển công nghiệp của thành phố
Tại buổi đối thoại giữa lãnh đạo TP Hồ Chí Minh với hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn mới đây, đại diện cộng đồng doanh nghiệp FDI cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại hạn chế trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý là vấn đề thủ tục hành chính.
Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao thành phố cho biết, do các thay đổi về quy định, hiện thời gian để hoàn thành các thủ tục xây dựng cơ bản của dự án trong khu từ khoảng 6 tháng đã kéo dài lên ít nhất gấp đôi, mất từ 1 đến 2 năm. Để tránh ảnh hưởng quyết định đầu tư về dài hạn, các giải pháp tháo gỡ đang được triển khai.
Ông Nguyễn Anh Thi - Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh cho hay: "Các thủ tục hành chính giờ được thụ lý bởi nhiều cơ quan khác nhau. Sự khác biệt về quan điểm giải quyết đã gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chúng tôi sẽ bàn bạc với cơ quan có thẩm quyền để triển khai triệt để cơ chế một cửa liên thông. Trong đó Ban Quản lý là cơ quan đầu mối tiếp nhận hồ sơ để giải quyết những khó khăn hiện tại".
"Bây giờ với xu thế trình độ phát triển, cũng như mối quan hệ của TP Hồ Chí Minh với các địa phương trong vùng thì chúng tôi sẽ cấu trúc lại các ngành kinh tế của thành phố. Với các khu, cụm công nghiệp chúng tôi cũng sẽ chuyển công năng theo hướng công nghệ cao, ít sử dụng lao động để phát triển các ngành tạo ra giá trị gia tăng cao hơn", ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân TP Hồ Chí Minh cho biết.
Xu hướng đầu tư hạ tầng số để thu hút FDI
Theo các chuyên gia, các lợi thế rõ ràng nhất của đầu tàu kinh tế là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển để thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ công nghệ cao.
Nhìn vào cơ cấu ngành nghề phân bổ vốn FDI của thành phố 8 tháng qua cũng thấy ngành chiếm tỷ trọng nhiều nhất là thông tin và truyền thông với gần 40%. Nhóm hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ cũng chiếm tỷ trọng khá cao gần 10%. Thực tế, trong những năm gần đây, thành phố cũng khá tiên phong trong việc đón các dự án đầu tư hạ tầng công nghệ có khả năng lan tỏa, thu hút nhiều dự án FDI chất lượng cao khác.
Các lợi thế rõ ràng nhất của đầu tàu kinh tế là chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng tương đối phát triển để thu hút đầu tư các ngành nghề dịch vụ công nghệ cao. Ảnh minh họa.
Trung tâm dữ liệu quy mô 12.000 m2 tại thành phố vừa được đi vào hoạt động là nơi hiếm hoi hiện nay đạt tiêu chuẩn cao quốc tế về xây dựng và phòng chống rủi ro. Đây chỉ là một trong nhiều dự án trung tâm dữ liệu đang được doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại TP Hồ Chí Minh.
Hiện những chiếc tủ chứa máy chủ tại trung tâm đang dần được lấp đầy. Với sức chứa là gần 1.200 tủ chứa máy chủ, trung tâm kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch, giao thương theo chuẩn quốc tế.
Theo doanh nghiệp, trung tâm dữ liệu đáp ứng các tiêu chuẩn cao là điều kiện bắt buộc để thu hút nhóm tập đoàn lớn nước ngoài đầu tư. Góp phần hiện thực hoá mục tiêu xây dựng Việt Nam trở thành "digital hub" - trung tâm dịch vụ số mới của khu vực.
"Công suất của từng rack rất cao, mức độ đảm bảo an ninh an toàn lớn theo chuẩn quốc tế. Điều kiện như thế này mới đủ tiêu chuẩn để các ông lớn hàng đầu như Google, Microsoft đặt dữ liệu của họ tại Việt Nam", ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch HĐQT CMC nói.
Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng, xu hướng đầu tư trung tâm dữ liệu sẽ đóng góp quan trọng để Việt Nam phát triển những thị trường dịch vụ số mới như dịch vụ điện toán đám mây, cũng như thúc đẩy phát triển các ngành đổi mới sáng tạo, giá trị gia tăng cao.
Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan - Khoa Kinh tế, Đại học UEH cho hay: "Khá nhiều các doanh nghiệp mang tính chất startup hiện giờ được xây dựng để tạo ra dữ liệu, khai thác dữ liệu. Nếu có các trung tâm thì chi phí để doanh nghiệp startup sẽ rẻ hơn, có lợi hơn".
Giới chuyên gia lưu ý, một số yếu tố nền tảng như hạ tầng giao thông, chất lượng dịch vụ giáo dục, y tế cũng cần được chính quyền tăng cường đầu tư, cải thiện vì ảnh hưởng rất lớn đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp ngoại.
Để thu hút FDI hiệu quả và bền vững, chuyên gia cho rằng các chính sách như ưu đãi thuế là cần nhưng không đủ, TP Hồ Chí Minh cần dựa vào nền tảng sản xuất trình độ cao - bao gồm các yếu tố như con người, khoa học công nghệ và hệ sinh thái ngành. Cụ thể là các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ cả về phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao và các đề án về khoa học - công nghệ.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.21572035090902202-oac-gnoul-tahc-idf-tuh-uht-uat-uad-hnim-ihc-oh-pt/et-hnik/nv.vtv