Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), đến hết tháng 8-2022, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam ước đạt gần 16,8 tỉ USD. Trong kết quả chung đó, các địa phương như Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên… tiếp tục nổi lên là những điểm sáng trong thu hút dòng vốn này.
Nhiều địa phương vào top 10
Tại Vĩnh Phúc, theo báo cáo của Ban Quản lý các Khu Công nghiệp (KCN) tỉnh này, 8 tháng đầu năm 2022, các KCN trên địa bàn thu hút được 15 dự án FDI mới và 24 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm hơn 261 triệu USD. Số dự án còn hiệu lực đầu tư trong các KCN là 344 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 5,653 tỉ USD, với 20 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư với thế mạnh về vốn và công nghệ.
Lọt vào top 10 địa phương có kết quả thu hút FDI tốt nhất 8 tháng qua, Thái Nguyên tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài tại vùng trung du và miền núi Bắc Bộ với hạ tầng giao thông thuận lợi, hạ tầng KCN được đầu tư bài bản. Từ đầu năm 2022 đến nay, tổng vốn đầu tư FDI vào Thái Nguyên đạt 1,02 tỉ USD, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành. Lũy kế đến nay, có 198 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đạt hơn 10 tỉ USD đã "rót" vào địa phương này.
Tương tự, UBND TP Hải Phòng cho biết lũy kế 8 tháng đầu năm 2022, Hải Phòng đứng thứ 6 toàn quốc với 872 dự án đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư là 23,76 tỉ USD.
Bắc Giang có những kết quả ấn tượng trong thu hút FDI dù trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp hay khi dịch đã được kiểm soát. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thu hút được 18 dự án FDI với vốn đăng ký cấp mới là 269,63 triệu USD; 29 dự án FDI, vốn đăng ký điều chỉnh tăng thêm 527,77 triệu USD. Đáng chú ý, sau khi mở nhà máy sản xuất iPad, AirPods tại KCN Quang Châu (tỉnh Bắc Giang), trong tháng 8-2022, Tập đoàn Foxconn, một doanh nghiệp lớn trong chuỗi sản xuất, cung ứng của Apple, vừa quyết định đầu tư 300 triệu USD xây thêm nhà máy mới.
Có thể thấy, điểm chung của các địa phương nêu trên đều có hạ tầng giao thông thuận lợi với hệ thống đường cao tốc kết nối từ thủ đô Hà Nội qua địa bàn các tỉnh đến các sân bay, khu cảng biển. Điều này, theo đánh giá của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, là một trong những "lực hút" quan trọng đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hạ tầng các KCN ở các địa phương này cũng được chú trọng đầu tư, kết nối và tạo thuận lợi trong bàn giao mặt bằng để các nhà đầu tư triển khai xây dựng nhà máy, nhà xưởng.
Công nhân đang làm việc tại một nhà máy có vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: MINH PHONG
Đầu tư hạ tầng, tháo gỡ khó khăn
Để trở thành điểm hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, thời gian qua Vĩnh Phúc triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư để thu hút những dự án công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, bảo vệ môi trường. Ông Lê Duy Thành, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết các sở, ngành của tỉnh nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Theo ông Thành, Vĩnh Phúc nghiên cứu kỹ, lắng nghe từng vấn đề mà doanh nghiệp đang vướng phải, từ đó có giải pháp tháo gỡ để cải thiện tốt hơn nữa môi trường kinh doanh.
Đáng chú ý, Vĩnh Phúc đang triển khai hệ thống đường dây nóng với nhiều ngôn ngữ nước ngoài như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh cũng như các nhà đầu tư đang tìm hiểu môi trường đầu tư, kinh doanh. "Công tác cải cách thủ tục hành chính được địa phương coi là nhiệm vụ trọng tâm, được triển khai quyết liệt theo hướng giảm thiểu thời gian và đơn giản hóa về thủ tục" - ông Thành nhấn mạnh.
Nhấn mạnh việc triển khai xây dựng các KCN mới là một trong những giải pháp để đón dòng vốn FDI quan trọng vào Hải Phòng, ông Lê Trung Kiên, Trưởng Ban quan lý Khu Kinh tế Hải Phòng, cho biết từ nay đến năm 2025 sẽ phát triển và mở rộng thêm 15 KCN với tổng diện tích 6.148 ha, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, đầu tư tại Hải Phòng. Theo ông Kiên, nhờ hệ thống hạ tầng cảng biển, giao thông, KCN được đầu tư mạnh mẽ, Hải Phòng trong những năm qua luôn hấp dẫn được các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc.
Để duy trì vị trí nhóm đầu cả nước về thu thú FDI, trong giai đoạn tới, ông Lê Trung Kiên cho biết thành phố sẽ tiếp tục phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là các công trình hạ tầng giao thông mang tính liên kết vùng.
Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khuyến nghị các địa phương không thu hút vốn FDI bằng mọi giá mà cần chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, hàm lượng công nghệ cao, thân thiện môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, có sản phẩm mang lợi thế cạnh tranh theo đúng tinh thần Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030. Ông Thịnh cũng nhấn mạnh các địa phương thường triển khai các chính sách ưu đãi thu hút đầu tư nhưng cũng cần tính toán thận trọng, nghiên cứu kỹ lưỡng.
Singapore "rót" vốn vào Việt Nam nhiều nhất trong 8 tháng
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam trong 8 tháng năm 2022. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỉ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với trên 3,5 tỉ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ; Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,49 tỉ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
Xem thêm: mth.80833959180902202-idf-nov-tuh-uht-gnas-meid/et-hnik/nv.moc.dln