Phương án xử lý với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị xử phạt được yêu cầu báo cáo với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương - Ảnh: Q.ĐỊNH
Ngày 9-9, nguồn tin của Tuổi Trẻ Online cho biết Thanh tra Bộ Công Thương vừa chính thức ra thông báo về việc tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối phía Nam.
Trên cơ sở báo cáo, kiến nghị của một số thương nhân đầu mối bị tước giấy phép và một số địa phương, để tránh nguy cơ đứt gãy nguồn cung xăng dầu (đặc biệt tại TP.HCM và một số địa phương), cơ quan thanh tra cho biết ngày 6-9, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành nghị quyết 59 thống nhất tạm dừng áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu.
Việc tạm dừng rút giấy phép với 5 doanh nghiệp đầu mối được thực hiện cho tới khi các đoàn thanh tra báo cáo kết quả thanh tra với Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương xem xét, trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục xử lý, theo cơ quan thanh tra.
Cùng với thông báo về việc tạm dừng xử phạt rút giấy phép, Thanh tra bộ yêu cầu 5 thương nhân đầu mối thực hiện nghiêm túc hình thức phạt tiền theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã ban hành.
Trước đó, Thanh tra bộ đã có văn bản gửi tới 5 doanh nghiệp yêu cầu thi hành biện pháp xử phạt, bàn giao giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu cho cơ quan thanh tra.
Việc xử phạt tước giấy phép các doanh nghiệp xăng dầu được cơ quan thanh tra ra quyết định trên cơ sở kết luận, các doanh nghiệp này vi phạm do không đáp ứng đủ điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu được quy định tại nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp bày tỏ việc áp dụng hình thức xử phạt là thiếu thuyết phục và có thể tác động, hệ lụy lớn tới cung cầu xăng dầu thị trường, đặc biệt ở phía Nam.
Do đó nhiều doanh nghiệp đã có văn bản kiến nghị gửi tới Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét lại quyết định xử phạt để có hướng xử lý cho phù hợp, tránh ảnh hưởng lớn tới cung cầu thị trường và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Như vậy trong số ba đoàn thanh tra của bộ với 33 doanh nghiệp đầu mối xăng dầu từ tháng 2-2022 đến nay, mới có hai đoàn thanh tra tại miền Trung và miền Nam công bố xử phạt, tước giấy phép với 12 doanh nghiệp.
Trong đó, 7 doanh nghiệp tại miền Trung bị xử phạt tước giấy phép đã thi hành quyết định và phần lớn trong số này đã được trả lại giấy phép sau thời gian thi hành. Với 5 doanh nghiệp miền Nam, do mức độ và phạm vi ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu trên địa bàn quá rộng, nên trước kiến nghị "kêu cứu", bộ đã phải tạm dừng việc tước giấy phép.
Đối với đoàn thanh tra tại miền Bắc, hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về kết quả thanh tra, mặc dù đã hết thời hạn và kết thúc quá trình thanh tra với các doanh nghiệp.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, trong khi các doanh nghiệp miền Trung và miền Nam bị xử phạt, tước giấy phép thì các doanh nghiệp miền Bắc dù cũng bị thanh tra song lại không phát hiện được vi phạm, không bị xử phạt.
"Chúng tôi mong muốn các đoàn thanh tra làm việc công tâm, công khai, minh bạch theo đúng quy định pháp luật. Khi có kết luận thanh tra ban đầu, các đoàn cần phải tổng hợp để báo cáo với các cấp có thẩm quyền, mà ở đây là Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương, ra kết luận rồi mới thực hiện, tránh mỗi đoàn làm một kiểu. Xăng dầu là ngành nhạy cảm, nếu xử phạt không phù hợp thì sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường" - một doanh nghiệp bày tỏ.
TTO - Việc rút giấy phép các doanh nghiệp xăng dầu sẽ được thực hiện theo quyết định của Thanh tra Bộ Công Thương, song Bộ Công Thương sẽ nghiên cứu, xem xét để áp dụng biện pháp rút giấy phép ở thời điểm thích hợp.
Xem thêm: mth.7855140190902202-uad-gnax-peihgn-hnaod-5-pehp-yaig-tur-gnud-mat/nv.ertiout