Ông Nguyễn Văn Út chỉ đạo các sở ngành Long An sớm tìm được sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của tỉnh để xây dựng thương hiệu và quảng bá tới người tiêu dùng và định hướng xuất khẩu - Ảnh: T.M.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Út đưa ra tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT Long An, Công ty TNHH Tập đoàn An Nông về sản xuất nông sản an toàn, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả ngày 9-9.
Theo ông Nguyễn Văn Út, đây là một vấn đề trăn trở của tỉnh bởi Long An có diện tích nông nghiệp lớn trên 350.000ha với rất nhiều sản phẩm khác nhau. Tuy nhiên, sản phẩm nào cũng na ná, tương tự như các sản phẩm của các địa phương khác, không có sản phẩm đặc trưng, đặc sắc để khi nói tới là người tiêu dùng nhận biết là sản phẩm của Long An.
Vì vậy, ông Nguyễn Văn Út yêu cầu các sở ban ngành cùng các đơn vị tham gia lễ ký kết này tới năm 2025 phải xác định được ít nhất 1-2 sản phẩm đặc trưng của tỉnh, xây dựng vùng trồng và kế hoạch quảng bá để không chỉ được người tiêu dùng nhận biết mà còn đảm bảo các tiêu chuẩn xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Về phía doanh nghiệp, ông Hoàng Hải, chủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn An Nông, cam kết hỗ trợ Long An trong việc tập huấn nông dân sản xuất an toàn, cung cấp các sản phẩm vật tư nông nghiệp chất lượng cao theo hướng vi sinh, hữu cơ để triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao nhằm xây dựng thương hiệu của tỉnh và xuất khẩu.
Ông Hoàng Trung, cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, cho rằng việc ký kết giữa Cục Bảo vệ thực vật, Sở NN&PTNT và Tập đoàn An Nông nằm trong chiến lược sản xuất nông nghiệp an toàn của Chính phủ và Bộ NN&PTNT.
Trong đó hướng đến mục tiêu tới năm 2025 nâng lượng phân bón hữu cơ sử dụng lên 25%, tương đương 5 triệu tấn. Bên cạnh đó là các nội dung quản lý mã số vùng trồng để xuất khẩu và giám sát các cây trồng chủ lực về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật để nâng cao chất lượng nông sản Việt Nam.
TTO - Đó là một trong nhiều kết quả nghiên cứu, đánh giá của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế về những thách thức đang tồn tại trong việc phát triển ‘tín dụng xanh’ tại Đồng bằng sông Cửu Long.