Sau một thời gian nằm bờ vì giá dầu tăng cao, hiện tàu cá ở các địa phương đang rục rịch hoạt động trở lại. Thế nhưng việc giá dầu tăng cao trong kỳ điều hành gần đây, thậm chí đã vượt qua giá xăng khiến nhiều người không khỏi lo lắng.
Nhiều chuyên gia đề xuất giảm thuế VAT, thuế tiêu thụ đặc biệt… với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ảnh: NGUYỆT NHI |
Lần đầu tiên giá dầu cao hơn giá xăng
Tại phiên điều hành giá xăng dầu chiều 5-9 vừa qua, giá dầu diesel lên 25.188 đồng/lít, giá dầu hỏa lên 25.445 đồng/lít. Đây là mức giá sau khi đã chi sử dụng quỹ bình ổn với mức chi 100-300 đồng; nếu không chi, giá dầu còn tăng cao hơn. Trong khi đó, giá xăng dao động 23.359-24.230 đồng/lít.
Lý giải nguyên nhân giá dầu cao hơn giá xăng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trên thị trường thế giới, từ đầu năm 2022 đến nay, sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, nguồn cung khí đốt cho thị trường châu Âu và Mỹ giảm nên nhu cầu đối với dầu diesel và dầu hỏa tăng nhằm thay thế cho nhu cầu về khí đốt.
Đặc biệt gần đây, để chuẩn bị cho nhu cầu tăng vào mùa đông và nhu cầu của người dân đang dần chuyển sang dùng dầu khi giá năng lượng tăng cao khiến giá dầu tăng khá mạnh, cao hơn nhiều so với giá xăng. “Hiện nay trên thế giới, bình quân giá xăng ở mức 105 USD/thùng, trong khi giá dầu ở mức 143 USD/thùng” - ông Hải dẫn chứng.
Thông tin thêm, Thứ trưởng Hải cho hay trong cơ cấu giá xăng và giá dầu trong nước, các mức thuế, chi phí kinh doanh, định mức rất khác nhau. Với các loại dầu, thuế nhập khẩu bình quân chỉ ở mức 0%-0,72%, trong khi thuế nhập khẩu xăng bình quân là 9,7%. Thuế tiêu thụ đặc biệt của dầu là 0%, còn của xăng là 8%-10%.
Do đó, giá bán lẻ xăng trong nước từ trước đến nay vẫn cao hơn giá dầu. Tuy nhiên, ở kỳ điều hành giá ngày 5-9 vừa qua, do giá xăng và giá dầu thế giới có sự chênh lệch lớn, giá dầu cao hơn giá xăng 30-35 USD/thùng nên giá bán lẻ dầu trong nước đã lần đầu tiên cao hơn giá xăng.
Nhiều ý kiến lo ngại với tình hình giá dầu tăng mạnh sẽ tiếp tục tác động xấu đến tình hình sản xuất, kinh doanh trong nước. Vì khác với xăng chủ yếu phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, taxi… thì dầu, đặc biệt là dầu diesel là nhiên liệu không thể thiếu trong sản xuất, vận tải.
Nếu giá dầu vẫn tiếp tục tăng cao hơn nữa thì tình trạng tàu cá nằm bờ sẽ tái diễn.
Nên trợ giá, bù giá dầu
Ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Khánh Hòa, cho biết ông đã công tác mấy chục năm trong ngành nhưng rất ít khi thấy tình trạng tàu cá phải nằm bờ do giá dầu tăng cao, lần gần nhất có tình trạng này cũng cách đây cả chục năm. Thế nhưng đến năm nay, tình trạng này đã lặp lại.
Vì tàu cá sử dụng khá lớn nhiên liệu dầu diesel, chiếm tới 40%-50% trong chi phí khai thác. Từ đầu năm tới khoảng tháng 7, giá nhiên liệu tăng cao trong khi giá thủy sản tăng không tương xứng, nhiều tàu cá phải nằm bờ vì không bù đắp nổi chi phí.
Từ tháng 7 đến nay, giá dầu đã hạ nhiệt, các tàu cá sau thời gian dài không hoạt động đã rục rịch ra khơi. Thế nhưng, với tình hình như hiện nay, nếu giá dầu vẫn tăng cao nữa thì tình trạng tàu cá nằm bờ sẽ tái diễn.
“Tàu cá nằm bờ không chỉ ảnh hưởng đến đời sống của ngư dân, mà nguồn cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu thủy sản cũng bị ảnh hưởng” - ông Chánh bày tỏ.
Trước tình hình trên, ông Chánh cho rằng nếu giá xăng dầu vẫn tăng cao và kéo dài thì Chính phủ cần xem xét có chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho ngư dân, giúp họ yên tâm khai thác và bảo vệ chủ quyền.
Không riêng gì Khánh Hòa, tình trạng tàu cá nằm bờ do giá nhiên liệu tăng cũng diễn ra ở nhiều tỉnh, TP ven biển khác. Hồi cuối tháng 6, Bộ NN&PTNT cho biết tính chung cả nước, số tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40%-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như lưới kéo, nghề rê... Bộ NN&PTNT sau đó đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội cho thuyền viên tàu cá.
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh đánh giá ngoài khai thác thủy sản, dầu diesel cũng là nguồn lực để thực hiện nhiều ngành sản xuất như máy móc, máy phát điện, máy sản xuất nông nghiệp… Vì vậy, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lớn, những đơn vị sử dụng nhiều dầu. Bởi một trong những vấn đề quan trọng của tàu bè, đánh bắt thủy hải sản hay doanh nghiệp vận tải lớn chính là giá dầu diesel tăng cao.
“Tôi cho rằng nên hỗ trợ theo ngành, theo mức tiêu thụ cho các doanh nghiệp dùng nhiều dầu, như vậy mới thúc đẩy hồi phục sản xuất, kinh doanh” - PGS-TS Đinh Trọng Thịnh chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội, cho rằng Nhà nước cần trợ giá, bù giá cho dầu. Từ đó tạo nguồn lực cho sản xuất, kinh doanh ổn định, phát triển.•
Phó Thủ tướng: Tiếp tục nghiên cứu giảm thuế xăng dầu
Văn phòng Chính phủ vừa phát đi thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 24-8. Đáng chú ý, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ động nghiên cứu hoàn thiện trình các cấp có thẩm quyền xem xét các phương án giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nhóm mặt hàng xăng dầu trong trường hợp giá thế giới tiếp tục tăng cao.
Tại hội thảo “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” do báo Đầu Tư tổ chức ngày 8-9, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế công nghiệp (Bộ KH&ĐT), cho biết: Hiện nay, nếu cộng thêm các chi phí định mức kinh doanh xăng dầu, lợi nhuận định mức thì tỉ trọng thuế, các chi phí đang chiếm khoảng 35% giá thành mỗi lít xăng. Hiện giá dầu diesel và dầu hỏa đã tăng khoảng 7.000 đồng/lít so với đầu năm, tương ứng tăng 38,12%.
“Để kiểm soát lạm phát và thúc đẩy nền kinh tế tăng trưởng thì Nhà nước cần tính toán để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu. Đồng thời cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu đến hết năm 2022 như kinh nghiệm của các nước” - ông Tuấn Anh đề xuất.